2,2% người tạm trú phải “lót tay” khi đăng ký hộ khẩu

(PLO) - 5,8 triệu người tại 5 tỉnh, TP khảo sát không có hộ khẩu thường trú (chỉ đăng ký tạm trú) trong đó, 22% dân cư TP HCM, 13% dân cư TP Hà Nội, 60% ở Bình Dươnghạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ công, bảo hiểm y tế. Kết quả khảo sát được Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Nhóm Ngân hàng thế giới tại Việt Nam công bố sáng nay (16/6).
2,2% người tạm trú phải “lót tay” khi đăng ký hộ khẩu

30% người dân “đòi” bỏ hộ khẩu

Ông Achim Fock – quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, “Nghiên cứu chỉ ra hệ thống hộ khẩu đang tạo ra sự bất bình đẳng cơ hội cho người dân nên cần cải cách để đảm bảo khả năng tiếp cận các dịch vụ công, nhất là về giáo dục, y tế, xã hội…”.

Hệ thống hộ khẩu nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, kế hoạch hóa kinh tế và quản lý dân cư. Nhưng đa số người dân thấy nên nới lỏng quy định về hộ khẩu vì hạn chế quyền của người di cư và tạo cơ sở cho tiêu cực tham nhũng.

Có gần 60% người dân tại địa bàn khảo sát nhận thấy quy định về hộ khẩu góp phần làm tăng tiêu cực, tham nhũng. Nhiều người đã than phiền về những chi phí không chính thức liên quan đến hộ khẩu (từ 2 triệu đồng trở lên), trong đó có 2,2% người tạm trú thừa nhận từng phải “lót tay” khi đăng ký hộ khẩu và 1% người tạm trú bị phạt liên quan đến hộ khẩu.

Thậm chí có đến hơn 30% người dân thấy nên bãi bỏ các quy định về hộ khẩu dù vẫn có nhóm người dân ủng hộ cần duy trì hộ khẩu để hạn chế nhập cư vào TP. Đến nay vẫn có 53% người tạm trú muốn được chuyển sang đăng ký thường trú.

Cơ hội của người dân trên cùng địa bàn không bình đẳng do quy định về hộ khẩu
Cơ hội của người dân trên cùng địa bàn không bình đẳng do quy định về hộ khẩu

Cắt rào cản của hộ khẩu

Qua nghiên cứu những vấn đề mà người tạm trú phải giải quyết khi không có hộ khẩu cho thấy, cùng với những hạn chế tiếp cận một số dịch vụ công, dịch vụ xã hội, người tạm trú không thể sử dụng một số thủ tục giấy tờ của Nhà nước tại nơi cư trú, mà phải quay về nơi đăng ký thường trú để làm thủ tục hành chính.

Do đó, ông Đặng Nguyên Anh – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhận thấy, hệ thống hộ khẩu không còn phù hợp trong điều hành và quản lý xã hội hiện nay.

Theo ông Gabriel Demombynes – Chuyên gia WB, để cải cách hệ thống hộ khẩu, cần giảm các rào cản để có hộ khẩu trường trú như rút ngắn thời gian yêu cầu cư trú tối thiểu, hạn chế các quy định mà chính quyền TP có thể đặt ra cho người đăng ký hộ khẩu.

Đồng thời, loại bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ giữa người có và không có hộ khẩu thường trí và tạm trú để đảm bảo việc tiếp cận các dịch vụ bảo hiểm y tế và bãi bỏ các quy định cần có hộ khẩu thường trú cho việc làm ở khu vực công.

Tuy có thay đổi gần đây trong luật hộ tịch tạo điều kiện thuận tiện cho người tạm trú. Theo đó, từ năm 2016, người dân có thể đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh tại nơi đang cư trú, chứ không bắt buộc phải quay về nơi đăng ký thường trú như trước.

Nhưng với các chuyên gia và người dân, vẫn cần những cải cách để đảm bảo sự bình đẳng cơ hội cho tất cả người dân Việt Nam

Đọc thêm