Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Chủ lưu của báo chí vẫn là dòng chảy tích cực

(PLO) - Đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐB Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định dòng chảy chủ lưu trên báo chí hiện nay vẫn là dòng chảy tích cực.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn (bìa phải) trao đổi với đại biểu Quốc hội sáng 17/11. Ảnh: VNE
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn (bìa phải) trao đổi với đại biểu Quốc hội sáng 17/11. Ảnh: VNE

10h20p sáng nay,  Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn đã bắt đầu phần trả lời chất vấn của các ĐBQH về những vấn đề nóng của ngành thông tin truyền thông.

Theo thông tin của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, có 70 đại biểu đã đăng ký chất vấn lãnh đạo ngành Thông tin Truyền thông, với 3 nhóm vấn đề: Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử; Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình;  thứ ba là giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.

Câu hỏi đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, cho rằng lĩnh vực  xây dựng Chính phủ điện tử và dịch vụ công còn chậm trễ, chưa đáp ứng yêu cầu của người dân. Trách nhiệm Bộ trưởng tới đâu và giải pháp nào đủ mạnh?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định các bộ, ngành đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công, để giúp cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính hiệu quả hơn.

Cụ thể như, lĩnh vực hải quan, thuế xử lý trên 21 triệu hồ sơ trực tuyến; Bảo hiểm xã hội Việt Nam xử lý trên 28 triệu hồ sơ trực tuyến; ngành Ngoại giao trên 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến; Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên 450 nghìn hồ sơ trực tuyến; Bộ Tư pháp trên 258 nghìn hồ sơ trực tuyến...

Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, hệ thống cơ sở dữ liệu chưa được triển khai đồng bộ, người đứng đầu nhiều cơ quan chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực này...

Theo ông, hiện Bộ Thông tin đã phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng nhiều đề án, kế hoạch để thúc đẩy việc xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính thông qua ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin .... "Hiện đã có khung Chính phủ điện tử phiên bản 4.0", ông nói.

Đối với câu chuyện quản lý Nhà nước về báo chí, mạng xã hội,  Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông  chia sẻ bức xúc với các ĐB trước tình trạng sai phạm của một số cơ quan báo chí trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, ông khẳng định: "Những sai phạm của báo chí tuy lớn, nhưng không làm biến dạng dòng chảy chính của báo chí Việt Nam."

“Trên báo chí hiện nay, dòng chảy chính vẫn là dòng chảy tích cực. Tuy nhiên, ở một số nơi, có thông tin sai sự thật, đưa tin 1 chiều. Tôi đã chỉ đạo xử lý thông tin, khắc phục tình trạng thông tin phiến diện, một chiều." Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.

Bộ trưởng cũng cho biết có hiện tượng phóng viên tác nghiệp, nhưng người phát ngôn không cung cấp, nên phóng viên phải thông qua nhiều nguồn để lấy thông tin. Vì thế, nhiều lúc lấy được thông tin thì không chính xác.

Liên quan đến lĩnh vực quảng cáo thuốc, và cơ sở khám chữa bệnh mà ĐB Nguyễn Lân Hiếu đặt câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết ông đã nhận được rất nhiều câu hỏi về vấn đề này. 

Bộ trưởng thông tin lĩnh vực quảng cáo thuốc, dịch vụ khám chữa bệnh đã  quy đinh có luật quảng cáo và nhiều nghị định, thông tư. Tuy nhiên, có thực trạng lợi dụng môi trường mở internet để thực hiện những nội dung quảng cáo sai sự thật, quảng cáo cả những mặt hàng cả hàng bị cấm…

Bộ thông tin và truyền thông đã phát hiện, phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, đã gỡ bỏ gần 400 đường link giao bán sản phẩm bất hợp pháp. Hiện Bộ đang cùng bộ Y tế tích cực thanh kiểm tra. “Trong thời gian tới, Chúng tôi sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn tình trạng này.” – Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định. 

Trả lời chất vấn về mạng xã hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhìn nhận: Bên cạnh những tiện ích lớn thì loại hình này cũng có nhiều tác hại. Ông ví von, mạng xã hội như con đường và "đừng coi việc sử dụng là xấu, điều quan trọng nằm ở ý thức của người sử dụng".

Bộ trưởng cung cấp thông tin: Hiện gần 70% người dân Việt Nam dùng Internet, 53 triệu người dùng Facebook nhưng chỉ một bộ phận nhỏ với "năng lượng đen, xấu" đã làm ảnh hưởng tới môi trường mạng xã hội.

Thừa nhận thực tế từ những hậu quả của việc ném đá, nói xấu, bôi nhọ... trên mạng xã hội đã dẫn tới hệ lụy khôn lường, Bộ trưởng cho biết Bộ Thông tin Truyền thông đã, đang và sẽ làm việc với nhiều cơ quan liên quan, phối hợp xử lý để hạn chế tối đa mặt trái trên mạng xã hội. Bộ cũng đã làm việc với các mạng xã hội nước ngoài, như Facebook, Goolge... để trao đổi với các công ty này về việc một mặt tuân thủ luật quốc tế, nhưng khi kinh doanh tại Việt Nam thì cũng phải tuân thủ luật Việt Nam. Vừa qua Bộ Thông tin đã yêu cầu Youtube gỡ bỏ 5.000 video xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Một phương pháp Bộ trưởng cho rằng sẽ hạn chế được mặt trái của mạng xã hội là  tăng cường hoạt động phát triển mạng xã hội trong nước, đẩy mạnh thông tin trên báo chí chính thống.

Đọc thêm