Chính phủ khẳng định đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng các giải pháp hòa bình

(PLO) - Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ diễn ra hôm qua (29/5), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Đảng, Nhà nước ta luôn quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng các giải pháp hòa bình theo đúng luật pháp quốc tế”. 
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ của Chính phủ (ngày 29/5)
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ của Chính phủ (ngày 29/5)
Trước việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan đến vị trí mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: “Sự kiện này sẽ tác động tới kinh tế - xã hội thế nào? Tôi yêu cầu phải chỉ đạo một mặt bảo vệ chủ quyền, vừa giữ ổn định chính trị xã hội, vừa đưa kinh tế xã hội tiếp tục phát triển, đạt GDP 5,8%”. 
Theo báo cáo của các Bộ chuyên ngành, hoạt động giao thương giữa hai nước vẫn diễn ra bình thường, chưa có dấu hiệu gì bất ổn cần quan tâm. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, các dự án do Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam vẫn diễn ra bình thường, không có gì đáng lo ngại. 
Qua kiểm tra tại các địa phương, hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường, kể cả hàng nông sản xuất khẩu. Nhưng thời gian tới, cần phải tiếp tục đa dạng hoá thị trường, tìm kiếm thêm các đối tác khác để phòng trường hợp bị gián đoạn vì Việt Nam nhập siêu khoảng 40 tỷ USD từ Trung Quốc, tiến tới cân bằng xuất nhập khẩu với Trung Quốc.
Thủ tướng cũng lưu ý, quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam vẫn là tất yếu, tác động đến kinh tế hai bên nhưng về lâu dài quan hệ kinh tế vẫn có lợi ích đan xen qua lại cho cả hai vì là hai nước láng giếng. Trong xu thế hội nhập sâu rộng, toàn cầu hoá, “không có bất cứ bế tắc gì, vì đơn giản Trung Quốc không thể đóng cửa hoàn toàn. Thứ hai, đóng cửa Trung Quốc cũng chịu thiệt hại và sức ép lớn từ các thành viên của WTO, của Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc” – người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Thủ tướng lưu ý, để tính lâu dài, “phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đa dạng thị trường xuất nhập khẩu, du lịch, đầu tư và lao động. Dù bước chuyển có tốn chi phí, thời gian nhưng khi cần vẫn chủ động được”. 
Ba nhóm giải pháp: 
- Trên thực địa, các tàu chấp pháp Việt Nam phải luôn có mặt tại vị trí mới để cản phá và đẩy đuổi tàu Trung Quốc hoạt động trái phép. “Sẽ có va chạm, nhưng chúng ta kiên quyết và cố gắng kiềm chế” - Thủ tướng yêu cầu và cho hay hơn 30 tàu của các lực lượng chấp pháp Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc đâm va, gây hỏng hóc. Thủ tướng đánh giá cao sự có mặt thường xuyên của hàng chục tàu cá gần khu vực này để góp phần khẳng định chủ quyền Tổ quốc.
- Trên mặt trận ngoại giao, Thủ tướng khẳng định chúng ta tiếp tục kiên trì và đấu tranh đến cấp cao nhất, nói rõ hành động sai trái của Trung Quốc, yêu cầu họ phải rút giàn khoan.
- Với giải pháp đấu tranh bằng con đường dư luận, các cơ quan chức năng Việt Nam cần cung cấp đầy đủ, trung thực, khách quan các hành động sai trái của Trung Quốc cho cộng đồng quốc tế. Đấu tranh pháp lý cũng là biện pháp hòa bình. Hình thức này sẽ được cân nhắc để quyết định sử dụng vào thời điểm phù hợp, theo đúng Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế. 

Đọc thêm