ĐBQH đề nghị mở chiến dịch... “bắt hổ”

(PLO) - Các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) dường như không mấy yên tâm khi  thảo luận về công tác tư pháp, thi hành án và phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2013 tại Hội trường hôm qua (7/11).
ĐBQH đề nghị mở chiến dịch... “bắt hổ”
Có bao che cho tham nhũng?
Phân tích những hạn chế, nguyên nhân của tình hình tội phạm và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tham nhũng nói riêng, nhiều ĐBQH bày tỏ lo ngại khi “tình hình tội phạm năm sau vẫn tăng hơn năm trước” như ý kiến của Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Quyền (TP.Hà Nội) và “hiệu quả phòng, chống tham nhũng chưa đạt là đang nằm ở khâu triển khai thực hiện”. 
ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) phản ánh:“Dư luận xã hội cho rằng công tác PCTN mới dừng lại ở việc “bắt sâu nhỏ ở lá cành, chưa bắt được sâu lớn đục khoét thân cây, gốc rễ”, đó mới là nguyên nhân chính làm suy kiệt nhựa sống của cơ thể xã hội”.Trước tình hình PCTN “không hiệu quả” như vậy, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) lo ngại: “Liệu trong lực lượng chống tham nhũng có tiêu cực, bao che cho tham nhũng không?”.
Cũng như một số ĐBQH khác, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho rằng, nhiều trường hợp có dấu hiệu tham nhũng không được làm rõ thì rất khó xử lý, đồng nghĩa với pháp luật chưa đi vào cuộc sống nên trước tình hình “tham nhũng trong các cơ quan tư pháp đang diễn ra nghiêm trọng và phức tạp, trong 2 năm 6 tháng bị can phạm tội về tham nhũng trong hoạt động tư pháp chiếm khoảng 10% trên tổng số các vụ tham nhũng trên toàn quốc”, ĐB Nguyễn Thị Khá đặt vấn đề: “Đánh giá thế nào về PCTN, có phải không đủ điều kiện, nhân lực để phát hiện tham nhũng hay đã tìm thấy căn bệnh rồi mà không điều trị nguyên nhân, chỉ điều trị triệu chứng, kéo dài thời gian để vòi vĩnh, làm cho bệnh ngày càng nặng thêm, dẫn đến tham nhũng chồng lên tham nhũng, tội phạm chồng lên tội phạm”. 
Xử lý tham nhũng ở những “siêu vụ án”
Một số ĐBQH đã kiến nghị thành lập lực lượng chuyên trách điều tra công tác PCTN trực thuộc Quốc hội hoặc Ban chỉ đạo PCTN. ĐB Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh: “Lực lượng này phải tinh nhuệ, đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ và nghiệp vụ, có chế độ đãi ngộ xứng đáng, đủ sức điều tra nhanh các vụ án tham nhũng lớn, không để kéo dài như hiện nay, không cho bị can, bị cáo có thời gian chạy án, tránh gây hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ”. 
Nhấn mạnh tình trạng vi phạm xảy ra nhiều do có “sự can thiệp của những người có chức quyền của cấp trên đối với cấp dưới khi có vi phạm”,“vi phạm mà không bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm minh”, ĐB Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị quyết liệt và quyết liệt thật sự trong đấu tranh chống tham nhũng bằng hành động cụ thể để mang lại kết quả cụ thể, vì nếu kiên quyết chống tham nhũng và chống tham nhũng hiệu quả thì sẽ không phải nâng trần bội chi, không phải phát hành thêm trái phiếu. 
“Nếu chúng ta không chống được tham nhũng thì phát hành trái phiếu là vay tiền để nuôi tham nhũng” – ĐB Hiến cảnh báo…
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang: 
“Thời gian tới, Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Hải quan, Thuế, Viện kiểm sát, Tòa án để giải quyết khâu yếu nhất trong công tác đấu tranh PCTN là “phát hiện tội phạm tham nhũng”, tiếp nhận kịp thời, tập trung xác minh các tin báo tố giác tội phạm tham nhũng, xây dựng qui chế phối hợp ngay từ đầu giữa các cơ quan điều tra với các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Hải quan, Thuế để ngay trong quá trình thanh tra, kiểm toán, kiểm tra nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sẽ kịp thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra, xử lý, không phải chờ kết luận thanh tra, kiểm tra…” 
Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình:
“Trong thời gian tới, chúng tôi xác định giảm tỷ lệ án hủy, sửa bằng các giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, phát huy vai trò của Luật sư, Kiểm sát viên, xóa bỏ quan niệm “án tại hồ sơ”; nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ tòa án, Thẩm phán. Đảm bảo áp dụng pháp luật thống nhất, giảm tình hình tồn đọng giám đốc thẩm, tái thẩm (trong thời hạn luật định)”.

Đọc thêm