"Di sản quý nhất mà Bác Hồ để lại là chữ DÂN”

(PLO) - Nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 – 11/6/2018), ông Nguyễn Hữu Châu, Trưởng ban Công tác Mặt trận Khu phố 4, phường 7, quận 3, TP HCM; Ủy viên Hội đồng Tư vấn về văn hóa xã hội UBTƯ MTTQVN có bài viết gửi PLVN thể hiện tâm niệm của mình về phong trào. PLVN xin giới thiệu:

Ông Nguyễn Hữu Châu, Trưởng ban Công tác Mặt trận Khu phố 4, phường 7, quận 3, TP HCM; Ủy viên Hội đồng Tư vấn về văn hóa xã hội UBTƯ MTTQVN.
Ông Nguyễn Hữu Châu, Trưởng ban Công tác Mặt trận Khu phố 4, phường 7, quận 3, TP HCM; Ủy viên Hội đồng Tư vấn về văn hóa xã hội UBTƯ MTTQVN.

“Sinh thời Bác Hồ có rất nhiều ý kiến về thi đua yêu nước. Những điều tôi tâm đắc nhất là: “Phát động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở các khu dân cư. Thi đua phải lấy tinh thần yêu nước làm gốc, lấy công việc hàng ngày làm nền tảng, mọi việc đều phải thi đua, toàn dân đoàn kết một lòng, phát huy tài năng, sáng tạo. Thi đua là để phục vụ Tổ quốc, nhân dân tốt hơn nên phải thực chất; khắc phục “bệnh” thành tích, hình thức, lãng phí đề cao tính trung thực, cần kiệm liêm chính”. Di sản quý nhất mà Bác Hồ để lại là chữ “dân”, đó là cái gốc của mọi phong trào cách mạng.

UBTƯ MTTQVN đã triển khai cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Cuộc vận động gồm năm tiêu chí thi đua với rất nhiều vấn đề cụ thể như: giảm nghèo bền vững, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng môi trường xanh sạch, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh. 

Là Trưởng ban Công tác Mặt trận (CTMT) KP4, phường 7, quận 3, TP HCM, tôi cố gắng tham gia đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận ở tận khu dân cư từ năm tiêu chí thi đua của cuộc vận động nói trên. Với ý thức thi đua lấy tinh thần yêu nước, yêu dân làm gốc, lấy công việc hàng ngày làm nền tảng như Bác Hồ dạy, qua nghiên cứu, khảo sát thực tế dài ngày, tôi nhận thấy địa bàn khu phố quá rộng khó có thể sát dân, sát từng gia đình. 

Đi sâu thêm một bước thì phát hiện hệ thống chính quyền có bốn cấp, hai nấc: Trung ương, tỉnh thành, quận huyện, phường xã, nấc khu phố và nấc tổ dân phố, trong khi hệ thống Mặt trận có năm cấp: Mặt trận Trung ương, Mặt trận tỉnh thành, Mặt trận quận huyện, Mặt trận phường xã, Ban CTMT khu phố. 

Ngoài ra, thực tế cho thấy theo Luật Mặt trận, Mặt trận là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân không thể dừng ở nấc khu phố mà phải đến tận nấc tổ dân phố, để hoạt động của Mặt trận ở cơ sở thực sự sâu sát gắn bó với đời sống nhân dân ở khu dân cư. Do đó, việc hình thành tổ CTMT ở nấc tổ dân phố là hợp lý. 

Sinh thời, nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã từng nhấn mạnh: “Mối quan hệ giữa Mặt trận, đoàn thể, chính quyền phải luôn luôn được thắt chặt; phải phối hợp và thống nhất hành động giữa các đoàn thể và tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc trong mọi công tác và trong các cấp cho đến tận phường, xã, ấp, tổ dân phố: Đó là cách để gần dân, gần gia đình nhất để chăm lo đời sống cộng đồng ở bất cứ nơi đâu, chứ không thể tự bó tay chỉ vì hình thức tổ chức. Phải từ thực tế mà sáng tạo, có gan đề ra ý kiến, có gan làm việc như Bác Hồ dạy”.

Chính từ thực tế mà theo sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Linh những năm 1980, Ban Chỉ đạo thí điểm, trong đó có tôi đã xây dựng mô hình “nhà ở cho người nghèo” với sự ra đời của Ban CTMT khu phố ở phường 21, quận Bình Thạnh. Mô hình này được nhân ra cả quận Bình Thạnh rồi lan rộng 17 quận, huyện toàn TP HCM. 

Từ mô hình sáng tạo này, UBTƯ MTTQVN đã chỉ đạo nhân mô hình ra cả nước. Cũng từ đây manh nha ra đời tổ công tác mặt trận. Tuy nhiên ở phía trước còn lắm khó khăn, trở ngại. Không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số thành viên của Ban CTMT KP4 chưa thực sự “thông” vì cho rằng đã có Ban điều hành tổ dân phố, tại sao phải lập tổ công tác mặt trận, chỉ thêm cồng kềnh, người đâu mà làm.

***

Tuy nhiên, ngay từ cơ sở thì chính quyền và Mặt trận có vai trò khác nhau, có mối quan hệ phối hợp. Có những công việc cán bộ đại diện chính quyền không làm thay được cán bộ Mặt trận, trái lại cần phải phát huy vai trò Mặt trận từ cơ sở, cũng chính là phát huy tinh thần thi đua yêu nước sinh động, thiết thực ngay từ cơ sở, phù hợp với tư tưởng yêu nước Hồ Chí Minh. Những người tình nguyện tham gia CTMT ở tổ dân phố không thuộc diện biên chế cồng kềnh của bộ máy chính quyền. 

Tình hình thực tiễn ở địa bàn tổ dân phố là: 

Thứ nhất, về phía tổ CTMT:  

a) Mọi tầng lớp kể cả các dân tộc, các tôn giáo; mọi thành viên của Mặt trận và các đoàn thể dù làm việc ở đâu cũng về khu dân cư sinh sống với gia đình, cộng đồng; họ đều là đối tượng vận động của Mặt trận. 

b) Mỗi một gia đình thực chất là Mặt trận thu nhỏ với đầy đủ thành phần ở các tổ chức khác nhau: Ông và cha là thành viên của Mặt trận, Người cao tuổi hay Cựu chiến binh; bà và mẹ là thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ hay Hội Khuyến học; các con cháu là thành viên của Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên hay Đội thiếu niên tiền phong. 

c) Ban CTMT KP4 có đến 11 thành viên; và một số thành viên Ban CTMT kiêm tổ trưởng tổ CTMT (mỗi tổ gồm nhiều thành viên Mặt trận và các đoàn thể). Họ sẵn sàng đi vào từng gia đình bất cứ lúc nào mà không đòi hỏi quyền lợi gì; phần lớn là cán bộ hưu trí nên chỉ nghĩ nhiều đến cống hiến; ngay việc lập lại trật tự lòng lề đường họ có điều kiện tham gia nhiều hơn, dài ngày hơn so với cán bộ, nhân viên đương chức.   

Thứ hai, về phía Ban điều hành tổ dân phố: Theo quy định có ba thành viên nhưng do khó tìm nhân sự nên thực tế thường chỉ có hai thành viên. Mỗi tổ dân phố có quá nhiều hộ gia đình nên BĐH tổ dân phố gặp nhiều khó khăn trong “quản lý”, trong tiếp cận các thành viên trong mỗi hộ. 

Theo quy định, tổ dân phố họp 3 tháng/1 lần nên khó có điều kiện liên lac thường xuyên với các hộ. Các cuộc họp của tổ dân phố thường chỉ có 40 - 50% hộ đại diện các hộ tham dự.Việc BĐH tổ dân phố mời các hộ tham gia các phong trào cũng gặp khó khăn. 

Lý do đơn giản mà các hộ nêu ra là: theo quy định của pháp luật, dù là cán bộ nhân viên Nhà nước hay tư nhân phải bảo đảm 8 giờ làm việc trong ngày; ngoài ra, họ có quyền và lợi ích chính đáng để dành thời gian chăm lo cho gia đình. Có người làm tổ trưởng tổ dân phố 20 năm thường than phiền rằng ít khi mời được một cư dân đi thăm một người cao tuổi bị bệnh nặng dù ở gần nhà.

Từ thực tiễn trên cho thấy việc lập tổ CTMT là rất cần thiết. Tổ CTMT cùng ban điều hành tổ dân phố tạo sức mạnh tổng hợp, chăm lo tốt hơn cuộc sống cộng đồng ở khu dân cư. Đông đảo các thành viên của Mặt trận, các đoàn thể ở địa bàn tổ dân phố, trong đó có nhiều đảng viên còn thực hiện tốt nhiệm vụ làm cầu nối giữa Đảng và các tầng lớp nhân dân.Và Đảng coi đây là một trong những tiêu chí quan trọng mà đảng viên phải hoàn thành.

***

Sự giải thích có lý có tình của tổ chỉ đạo thí điểm tại KP4, phường 7, quận 3 cuối cùng đã nhận được sự đồng tình của mọi người. Kể cả bốn chi bộ trong KP4 cũng tán thành. Chẳng những thế, họ còn tự nguyện góp tiền vào quỹ hoạt động của Ban CTMT KP4 và các tổ CTMT. Hơn nữa họ là cán bộ không chuyên trách, không phải tốn biên chế. Để tạo điều kiện cho các tổ CTMT hoạt động thuận lợi, tổ chỉ đạo thí điểm đã thảo một số văn bản cần thiết như: Kế hoạch thí điểm tổ CTMT, Quy chế hoạt động của tổ CTMT... 

Nhiệm vụ chính của mỗi tổ CTMT là thực hiện chức năng, nhiệm vụ của MTTQVN gắn liền bước đầu với một vấn đề thiết thực trong năm tiêu chí thi đua thuộc cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Cho đến nay, qua gần hai năm thí điểm, với tinh thần thi đua yêu nước, cả bốn tổ CTMT (A, B, C, D) tại Ban CTMT KP4, phường 7, quận 3 đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, phát huy vai trò thực chất.

Đánh giá chung, các tổ CTMT đã hoạt động thi đua thiết thực, sáng tạo, có hiệu quả, đổi mới phương thức hoạt động hướng về cơ sở; thể hiện tinh thần thi đua yêu nước: đoàn kết, gần dân, lắng nghe dân, nói đi đôi với làm. Tạo sức mạnh tổng hợp của cơ chế “Đảng lãnh đạo bằng nghị quyết, chính quyền quản lý bằng luật pháp, Mặt trận vận động bằng phong trào đi đôi giám sát phản biện xã hội, nhân dân phát huy quyền làm chủ bằng lợi ích và nghĩa vụ”. 

Sự phối hợp giữa Mặt trận và các đoàn thể, giữa Mặt trận và chính quyền bước đầu thực hiện theo đúng chức năng của mỗi tổ chức, giảm dần việc chồng chéo, trùng lắp nhiều tầng nhiều nấc, dàn trải, hiệu quả thấp. Từng bước khắc phục “bệnh” hình thức, thành tích mà Bác Hồ cho là nói dối, có tội với Đảng, Nhà nước và nhân dân. 

Điều đáng trân trọng không phải chỉ việc làm được của các tổ CTMT mà chính là giá trị của lợi ích đem lại cho cộng đồng. Mong rằng cùng với các chuyên gia, nhà hoạt động xã hội, Mặt trận TƯ chỉ đạo Mặt trận các cấp thí điểm mô hình tổ CTMT vì lợi ích đời sống xã hội của cộng đồng ở khu dân cư mà trước đây nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã lãnh đạo, chỉ đạo thành công. Trên đây chỉ là chỉ những kết quả bước đầu cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa/.

Đọc thêm