Giải pháp mới thu hẹp khoảng cách hưởng lương hưu

(PLO) - Nhiều ý kiến cho rằng cách tính lương hưu hiện nay của chúng ta còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng mà chưa chú ý thỏa đáng tới nguyên tắc chia sẻ để thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa những người hưởng lương hưu. Bởi vậy, hiện đang có người lương hưu tới hơn 100 triệu đồng/tháng nhưng lại cũng có những người hưởng lương hưu dưới 1,3 triệu/tháng, không đủ đảm bảo mức sống tối thiểu của người dân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cùng với nội dung về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp và cải cách chính sách tiền lương thì cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong 3 nội dung lớn được Hội nghị Trung ương 7 xem xét, quyết định lần này. Đề án đưa ra nhiều đề xuất được đánh giá là đột phá nhằm hướng tới mục tiêu phát triển lĩnh vực BHXH trở thành một động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Tính toán kỹ tốc độ tăng tuổi nghỉ hưu

Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của Đề án là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Doãn Mậu Diệp, chính sách BHXH hiện chưa có những điều chỉnh phù hợp để thích ứng với quá trình già hóa dân số. Tuổi thọ bình quân của người dân Việt Nam thời gian qua đã tăng nhanh nhưng tuổi nghỉ hưu được quy định từ năm 1960 vẫn không thay đổi, tạo áp lực cho khả năng cân đối quỹ BHXH, cũng như thách thức về thiếu hụt nhân lực trong tương lai.

“Dự báo đến năm 2035, số người bước vào tuổi lao động là 1,5 triệu người, ra khỏi tuổi lao động là 1,26 triệu người, lực lượng lao động tăng thêm hơn 250 ngàn người… Nói cách khác, số tăng người ở độ tuổi nghỉ hưu sẽ gấp nhiều lần số tăng của lực lượng lao động và chắc chắn Việt Nam sẽ thiếu hụt lao động trong tương lai. Do đó, việc mở rộng độ tuổi lao động hay nói cách khác là nâng tuổi nghỉ hưu như các nước đã và đang làm là cần thiết”, ông Diệp cho biết.

Theo ông Diệp, Đề án Cải cách chính sách BHXH đề xuất thời gian điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu từ ngày 1/1/2021. Dự kiến, người lao động bình thường, trong điều kiện lao động bình thường sẽ tăng thêm mỗi năm 3 tháng hoặc 4 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Những đối tượng lao động đặc thù có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn tương tự như hiện nay.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, nhất là tăng tuổi nghỉ hưu của nữ. “Chúng tôi đề nghị từ lâu rồi nhưng cuối cùng chỉ được từ Thứ trưởng trở lên và tương đương”, bà Doan cho biết. Tuy nhiên, theo nguyên Phó Chủ tịch nước, phương án mỗi năm tăng 3 tháng như được nêu trong Đề án là quá chậm vì với tốc độ như vậy thì sau 20 năm sau mới tăng tuổi nghỉ hưu được 5 năm. 

Tán thành việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình cụ thể đối với những đối tượng khác nhau, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động, Xã hội, (Bộ LĐ,TB&XH) Nguyễn Thị Lan Hương cũng cho rằng người dân không nên có quan điểm muốn về hưu sớm. Bởi theo bà, việc thụ thuộc quá nhiều vào 75% tiền lương khi về hưu sẽ khiến cuộc sống của nhiều người gặp khó khăn.

“Nhiều người không làm việc này thì sẽ làm việc khác để luân chuyển thị trường lao động. Về hưu không phải về an dưỡng, về hưu họ vẫn phải đối mặt với nghèo đói. Trong khi đó, khi đi làm họ sẽ được hưởng không những lương mà còn phụ cấp việc làm, phụ cấp lao động…”, bà Hương phân tích.

Hướng tới BHXH đa tầng

Có thể nói, chính sách BHXH của chúng ta thời gian qua chưa hướng đến sự bao phủ toàn dân. Hệ thống BHXH về cơ bản là thiết kế đơn tầng, chủ yếu là tầng BHXH do Nhà nước tổ chức. Bên cạnh đó, quy mô tham gia BHXH còn thấp, mới đạt khoảng 29% trong khi mục tiêu đề ra là đến năm 2020, cả nước có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH.

Không chỉ vậy- theo ông Doãn Mậu Diệp, cách tính lương hưu hiện nay còn nặng về nguyên tắc đóng - hưởng mà chưa chú ý thỏa đáng tới nguyên tắc chia sẻ để thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa những người hưởng lương hưu, dẫn tới tình trạng chênh lệch về mức lương hưu quá lớn giữa những người thụ hưởng lương hưu. Vì vậy, hiện đang có người lương hưu tới hơn 100 triệu đồng/tháng nhưng lại cũng có những người hưởng lương hưu dưới 1,3 triệu/tháng, không đủ đảm bảo mức sống tối thiểu của người dân. Mỗi lần điều chỉnh lương hưu khoảng 7%/năm, dẫn đến chênh lệch tuyệt đối về mức lương hưu lại càng lớn. 

Trong bối cảnh như vậy, theo ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ,TB&XH), Ban soạn thảo Đề án đã thiết kế hệ thống BHXH đa tầng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. “Tầng thứ nhất là lương hưu xã hội. Những người cao tuổi đến độ tuổi nhất định, không có cơ hội để đóng góp, không có BHXH hoặc trợ cấp hàng tháng thì ngân sách nhà nước sẽ cung cấp cho họ một khoản lương hưu, gọi là lương hưu xã hội. Tầng thứ 2 là BHXH cơ bản. Người lao động đi làm có thu nhập thì đóng BHXH, người lao động sẽ được hưởng lương hưu trên tiền lương lúc đang làm việc. Những người có lương cao hơn thì tham gia tầng thứ 3 là tầng hưu trí bổ sung. Lúc đó hoàn toàn dựa vào việc thoả thuận, thương lượng giữa người lao động và người sử dụng lao động để có lương hưu cao hơn”, ông Giang cho biết. Theo ông Giang, thông qua BHXH đa tầng, chúng ta hướng tới BHXH toàn dân để trong tương lai tất cả những người cao tuổi đều có lương hưu. 

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng chính sách BHXH hiện hành đang có sự bất bình đẳng giữa tự nguyện và bắt buộc. Với nhận định nếu không thu hút được đối tượng lao động phi chính thức thì khó đạt mục tiêu phấn đấu có 50% người lao động tham gia BHXH, bà Hương đề nghị việc xây dựng BHXH đa tầng cần chú trọng đến phương pháp chia sẻ trong khu vực phi chính thức. “Hiện nay BHXH cho khu vực phi chính thức chưa có cửa. Có một nguyên tắc chưa được nói đến, đó là nguyên tắc bình đẳng. BHXH tự nguyện đang bị bất bình đẳng với BHXH bắt buộc. 70% lao động là nữ ở khu vực phi chính thức nhưng không có chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn và một số chế độ khác. Như vậy BHXH tự nguyện không bao giờ phát triển được”, bà Hương nói.

Ngoài các nội dung trên, Đề án còn có 5 nội dung khác được cho là sẽ tạo đột phá. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH (hiện tối thiểu là 20 năm) để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho người có thời gian ngắn bảo lưu, người ở độ tuổi trung niên (45 - 50 tuổi) mới tham gia BHXH có thể hưởng chế độ hưu trí, không phụ thuộc và ngân sách nhà nước. Tán đồng với nội dung này, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng việc rút ngắn điều kiện và thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu sẽ tạo cơ hội cho nhiều người tham gia BHXH. Đồng thời, việc này cũng sẽ không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, bởi  Nhà nước đã có sự tính toán rất kỹ trước khi áp dụng.

Cải cách hay tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách BHXH?

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII vừa diễn ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Trung ương “Tập trung xác định, làm rõ những quan điểm, mục tiêu đổi mới; nội dung cải cách, nhất là các vấn đề như mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; bảo đảm cân đối tài chính BHXH trong dài hạn; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách BHXH; kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với tiền lương của người đang làm việc; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu... Chú ý đến cả khu vực công và tư; người đang làm việc và người đã nghỉ hưu; nơi có quan hệ lao động và nơi chưa có quan hệ lao động, nhất là đối với nông dân, người nghèo, người yếu thế trong xã hội”.

Tổng Bí thư cũng đề nghị căn cứ vào phạm vi, tính chất, mức độ đổi mới trong nội dung Đề án, tính đồng bộ với Đề án cải cách chính sách tiền lương và tạo sự đồng thuận xã hội giữa người đang làm việc và người đã nghỉ hưu để thống nhất quyết định ban hành Nghị quyết của Trung ương về cải cách hay chỉ là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách BHXH.

Đọc thêm