Khát vọng đất nước phồn vinh, hạnh phúc

(PLVN) - Báo cáo chính trị Đại hội XIII nêu hệ quan điểm chỉ đạo với 5 quan điểm cơ bản, nhấn mạnh quan điểm có tính nguyên tắc; về chiến lược tổng thể phát triển đất nước; về động lực phát triển; nguồn lực phát triển; về nhân tố hàng đầu quyết định thành công. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hệ quan điểm được kết cấu chặt chẽ, có quan hệ mật thiết với nhau, tạo thành một hệ quan điểm thống nhất, bao quát những tư tưởng chỉ đạo lớn đối với toàn bộ công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới.

Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng

Nhận thức sâu sắc sự nguy hại và hậu quả nghiêm trọng của việc xa rời nền tảng tư tưởng, mục tiêu đường lối cách mạng; từ nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay, Báo cáo chính trị đặt lên hàng đầu quan điểm: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Đây là quan điểm có tính nguyên tắc, bất di bất dịch, thể hiện bản lĩnh vững vàng của Đảng. 

Về chiến lược tổng thể phát triển đất nước nhanh, bền vững, Báo cáo chính trị Đại hội XIII xác định: Công cuộc đổi mới đã trải qua 35 năm, ngày càng đi vào chiều sâu, đòi hỏi phải triển khai toàn diện, đồng bộ hơn các nhiệm vụ trên các lĩnh vực, các địa bàn, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, liên kết chặt chẽ các quốc gia, hướng đến những giá trị chung.

Đất nước cần và có thể phát triển nhanh, bền vững hơn vì lợi ích cao nhất của quốc gia - dân tộc phù hợp với lợi ích chung của nhân loại. Muốn vậy, phải xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển tổng thể đất nước, vừa bảo đảm tính toàn diện, vừa tập trung vào những lĩnh vực, nhiệm vụ cốt yếu, tạo thành sự gắn kết đồng bộ, thống nhất, hiệu quả của toàn bộ công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. 

Báo cáo chính trị xác định quan điểm: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.

Phát huy nguồn lực quốc gia

Về động lực phát triển, so với trước đây, nhận thức của Đảng về động lực phát triển được nâng lên tầm mức mới. Về nhân tố dân tộc, đồng thời với lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Báo cáo chính trị nhấn mạnh ý chí tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc - nguồn năng lượng nội sinh to lớn và động lực trung tâm của quốc gia - dân tộc trên con đường đi tới tương lai.

Về nhân tố chính trị, kế thừa vấn đề phát huy dân chủ, Báo cáo chính trị bổ sung vấn đề bồi dưỡng sức dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Nhân tố con người được gắn kết với nhân tố văn hóa, được bổ sung nội dung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài. Nhân tố khoa học - công nghệ được đề cao, nhấn mạnh, gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Báo cáo chính trị Đại hội XIII cũng xác định huy động, sử dụng, phát huy hiệu quả các nguồn lực là điều kiện tiên quyết cho phát triển đất nước.

Nguồn lực quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cần được nhìn nhận theo tư duy và cách tiếp cận mở, gắn nguồn lực trong nước với nguồn lực ngoài nước theo tinh thần giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy tự lực, tự cường, đồng thời tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, kết hợp hài hòa nội lực và ngoại lực, sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

“Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.

Đặc biệt, từ những nhận thức sâu sắc đúc kết từ thực tiễn xây dựng Đảng đã được khái quát thành quan điểm thứ năm: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vu, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Đây chính là quan điểm về những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. 

Đọc thêm