Không phải bỏ Tết cổ truyền mới là hội nhập!

(PLO) - Khi chỉ còn gần một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất, câu chuyện “bỏ Tết ta, gộp vào Tết tây” lại được “nhóm” lên với phát biểu của PGS -TS Nguyễn Thị Minh Thái bày tỏ sự ủng hộ quan điểm của  GS Võ Tòng Xuân về việc “chỉ nên ăn Tết cổ truyền theo lịch dương, gộp 2 tết làm một”.
Không phải bỏ Tết cổ truyền mới là hội nhập!

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thái: “Nếu chúng ta ăn 2 cái Tết thì sẽ gây ra phiền nhiễu thế nào, nhất là Tết Âm lịch. Và thẳng thắn nhìn rằng, sự phiền nhiễu đó sẽ cản trở sự phát triển của đất nước. Chúng ta chỉ nên ăn một cái Tết trong năm thôi. Nghỉ Tết thay vì nghỉ kéo dài 1 tuần, 10 ngày thì chỉ nên nghỉ đúng 3 ngày trọn vẹn. Điều này vừa tiết kiệm thời gian, tránh lãng phí, gây mệt mỏi, phiền hà cho nhiều người”. 

Quan điểm “Tết “hội nhập” không thể bằng các giá trị văn hóa dân tộc”

Hơn 10 năm trước, GS Võ Tòng Xuân đã nêu ra vấn đề làm “dậy sóng” dư luận về “Tết hội nhập” với bài viết nhan đề “Tết “hội nhập”, tại sao không?”. Đến nay, trả lời phỏng vấn vtc.vn, GS Võ Tòng Xuân vẫn cho rằng: “Nên thống nhất ăn Tết cùng lúc với các đối tác trên thương trường của chúng ta, chuyển các tập quán ăn Tết âm lịch sang các ngày dương lịch và giảm dần ngày nghỉ Tết âm lịch quá lê thê”, nhất là khi ông nhận thấy “có những tín hiệu báo hiệu sự thay đổi” thông qua nhiều hoạt động tổ chức đón mừng năm mới theo dương lịch giống nhiều nước trên thế giới như lễ hội đếm ngược thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, lãnh đạo Nhà nước có thông điệp đầu năm mới vào ngày 1/1 Dương lịch…

Tuy nhiên, dù ở nhóm ủng hộ hay nhóm không ủng hộ quan điểm này thì quan trọng là phải có cái nhìn từ gốc rễ vấn đề, từ nền tảng văn hóa dân tộc, chứ không thể chỉ nhìn ở những biểu hiện bên ngoài mà đánh giá cái được và mất của Tết cổ truyền trong dòng chảy hội nhập hiện nay.

Được hình thành và tồn tại cùng với sự hưng thịnh của dân tộc, Tết cổ truyền không chỉ là một kỳ nghỉ lễ thông thường mà trên tất cả, Tết cổ truyền là dịp để mỗi người con đất Việt tìm về nguồn cội, tri ân, hiếu kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ và đoàn tụ, sẻ chia sau 1 năm bôn ba trên con đường mưu sinh. Khi làn sóng văn hóa hội nhập đã lan đến tận các ngõ ngách, vào từng gia đình và thấm dần vào mỗi con người, nhất là giới trẻ thì các hoạt động trong dịp Tết cổ truyền là để duy trì những nét văn hóa bản sắc của dân tộc, nuôi dưỡng, chấn hưng truyền thống, lòng tự tôn dân tộc, sự bền vững của cộng đồng làng xã, tình cảm gia đình.

Cũng là “ăn Tết, chơi Tết” nhưng chỉ vào dịp Tết Nguyên đán, các gia đình mới tất bật sắm sửa, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, phần mộ tổ tiên, may quần áo mới, hân hoan làm các món ăn truyền thống để dâng lên tổ tiên trước khi con cháu thụ lộc với mong muốn năm mới “an khang, thịnh vượng, tài lộc, sức khỏe dồi dào”. 

Chỉ vào dịp Tết Nguyên đán mới cảm nhận được sự thiêng liêng của thời khắc giao thừa, giao thoa giữa đất trời trước khi bước sang năm mới trong làn khói hương phảng phất trên bàn thờ tổ tiên. Chỉ vào dịp Tết Nguyên đán, người ta mới thực hiện nhiều nghi lễ văn hóa, trong đó có cả những tập tục, kiêng kỵ đã được các thế hệ truyền lại từ hàng nghìn năm để chào đón một năm mới an lành. Vào dịp Tết Dương lịch, khi nhiều nước trên thế giới tưng bừng đón Tết thì với người Việt cả trong và ngoài nước đều chỉ cảm nhận được niềm vui của một ngày lễ hội như bao lễ hội khác trên thế giới. Còn không khí Tết chỉ thực sự tràn ngập ở Việt Nam và trong tình cảm mỗi người dân là vào dịp Tết Nguyên đán. 

Nếu nói Tết Nguyên đán “rườm rà”, không phù hợp thời hội nhập thì tại sao những người Việt xa xứ không bỏ luôn Tết Nguyên đán mà chuyển sang ăn Tết như người bản địa? Tại sao cứ đến Tết Nguyên đán, dù ở đâu họ cũng hướng về quê hương, cũng cố gắng để có nồi bánh chưng, cành đào/mai, mâm cơm với các món ăn truyền thống Việt Năm cúng tổ tiên và các hoạt động văn hóa dân tộc để “con trẻ không quên cội nguồn dân tộc”? Bởi đơn giản, Tết Nguyên đán chính là hồn cốt của văn hóa dân tộc, chứa đựng những giá trị nhân văn của dân tộc đã được hun đúc từ hàng nghìn đời, tạo nên nền tảng văn hóa của dân tộc Việt Nam, của nền văn minh lúa nước, trước sự đa dạng của văn hóa thế giới. 

Đừng để “tây hóa” tết Cổ truyền!

Chính sự khác biệt này giữa Tết Nguyên đán với Tết tây khiến cho việc chuyển thời điểm ăn Tết sang cùng với Tết Dương lịch là điều không thể. Bời ở những thời điểm khác nhau, tinh thần và không khí của sự kiện là không thể giống nhau. Đấy là chưa nói đến những giá trị văn hóa đã “ăn sâu bén rễ” trong tâm thức người Việt mỗi độ Tết đến Xuân về. Thậm chí có ý kiến còn nhấn mạnh, “chối bỏ Tết Nguyên đán cũng là một hành động góp phần cổ súy cho việc chối bỏ tổ tiên mình. Đây là một phi giá trị không thể chấp nhận được”. 

Nhìn thực tế thì thấy rằng, nguyên nhân khiến một số ý kiến đồng tình với quan điểm “Tết hội nhập” của GS Võ Tòng Xuân là do sự biến tướng, lợi dụng các hoạt động văn hóa dịp Tết dẫn đến làm méo mó, làm giảm giá trị của Tết Nguyên đán. Đó là việc lợi dụng các lễ hội để “kiếm chác, chặt chém”, đó là tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi…”, đó là những tệ nạn ăn chơi, nhậu nhẹt, cờ bạc, mê tín dị đoan… “núp bóng” các hoạt động văn hóa…, đó là việc biếu xén làm mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng, hối lộ… khiến việc ăn Tết trở nên rình rang, tốn kém, mất an toàn, ảnh hưởng đến năng suất lao động.

Trả lời trên VOV, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đã cho rằng, kỳ nghỉ Tết dài giúp giữ gìn truyền thống, văn hóa ăn Tết có từ ngàn xưa. Nhưng, thiệt hại về kinh tế, xã hội thì rất lớn bởi kỳ nghỉ Tết dài tạo ra nhiều hệ lụy như khiến con người trì trệ trong công việc, lười biếng không muốn trở lại với công việc. Ngoài ra, bia rượu quá nhiều là một tệ nạn, khiến người lao đông mệt mỏi khi đi làm trở lại. Trong ngày đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết dài ngày, các cơ quan uể oải, họ đến chỉ để chúc Tết. Ngoài doanh nghiệp sản xuất vẫn phải làm đều, rất nhiều doanh nghiệp khác, kể cả ngân hàng rất trì trệ. Chưa kể thiệt hại về xã hội là tai nạn giao thông.

Tuy muốn nhập “Tết ta vào Tết tây” nhưng GS Võ Tòng Xuân cũng khẳng định: “Những thứ thuộc về bản sắc dân tộc (lễ nghi, thủ tục như cúng tổ tiên, chúc mừng năm mới, mừng tuổi người lớn, lì xì trẻ con…) phải gìn giữ, phát huy nhưng giữ ở mức độ nào đó thôi chứ nguyên xi thì sẽ không thể hội nhập được. Quan điểm của tôi về lễ hội là nên gói gọn, không rườm rà, không ảnh hưởng đến kinh tế và bản sắc văn hóa”. Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến không đồng tình “gộp Tết” mà chỉ cho rằng, nên giảm thời gian nghỉ Tết để bắt đầu năm làm việc mới sớm hơn, tránh tâm lý uể oải sau một kỳ nghỉ quá dài. 

Theo Th.S Hoàng Thị Tố Nga, ngày nay người dân ăn Tết đã có phần đổi khác hơn so với trước kia, dường như dân ta ăn Tết  “tây hoá” dần đi. Nhưng khi hội nhập, chúng ta phải chấp nhận những sản phẩm văn hóa mới trong đời sống. Vấn đề ở đây là chúng ta phải làm chủ được quá trình tiếp xúc với văn hóa phương Tây để Tết cổ truyền của người Việt vẫn giữ được bản sắc riêng của mình mà không bị “ Tây hoá”, để Tết Nguyên đán mãi là nét văn hoá đặc sắc của dân tộc Việt Nam với những phong tục tốt đẹp và đậm tính nhân văn mà chúng ta cần giữ gìn và phát huy. Trả lời zing.vn hồi tháng 1/2017, PGS.TS Lê Quý Đức (nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, Tết cổ truyền mang giá trị thiêng liêng, gắn với tâm thức người Việt nên không thể bỏ được. 

Ngay cả giới trẻ cũng rất nhiều người không đồng tình với việc bỏ Tết Nguyên đán. Bạn Lê Khánh Linh – sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ, mặc dù không hiểu hết những thủ tục, quy định của ngày Tết và cũng muốn hiện đại hóa Tết Nguyên đán nhưng Tết Nguyên đán chính là hồn văn hóa Việt. Bỏ Tết Nguyên đán sẽ khiến con người như mất đi chỗ dựa để tìm về nguồn cội, dễ bị hòa vào dòng chảy văn hóa hội nhập và dần dần không còn cảm nhận được những giá trị tinh thần quý giá được hun đúc trong những nét văn hóa của Tết cổ truyền. Theo họ, có thể bỏ những phong tục rườm rà, rút ngắn ngày nghỉ Tết, nhưng không thể bỏ Tết cổ truyền.

Cùng với đó, toàn xã hội phải chung tay để đẩy lùi, xóa bỏ những tệ nạn, những hành vi dung tục hóa Tết, lợi dụng Tết để Tết Nguyên đán thực sự phát huy những giá trị trong đời sống người Việt hiện đại, là căn cơ cho mỗi người Việt trên con đường hội nhập ngày càng sâu rộng với văn hóa thế giới.

Đọc thêm