Không vì 'bệnh thành tích' mà bỏ qua sai phạm trong thi cử

(PLO) - Chủ trì phiên họp Chính phủ hôm qua (31/7), đánh giá về những tiêu cực tại kỳ thi THPT quốc gia diễn ra tại một số địa phương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự cố này ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin xã hội. Thủ tướng cũng khẳng định: Chính phủ không vì “bệnh thành tích” mà bỏ qua việc này. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.

Nêu rõ các biện pháp quản lý hồ đập, công trình thủy lợi

 Đánh giá bức tranh kinh tế tháng 7, Thủ tướng nhìn nhận, có chuyển biến tích cực, kết quả tháng 7 khả quan hơn tháng 6. Với những tín hiệu tích cực của kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho biết, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao và dự báo tốt về triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ABD) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng 7,1%, Standard Chartered dự báo tăng 7%, lạm phát quanh mốc 4%. Chi ngân sách và nợ công trong tầm kiểm soát…  

Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra không ít yếu kém, khó khăn, thách thức đối với kinh tế. Trước hết là tình hình thời tiết, mưa bão, lũ lụt tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, nhất là nông nghiệp, ngay sát Hà Nội cũng ngập úng kéo dài. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu về vấn đề này, nêu rõ các biện pháp, nhất là quản lý hồ đập, công trình thủy lợi. 

Cho rằng sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn, Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, Tư lệnh các ngành đề xuất giải pháp tháo gỡ, nhất là giảm các điều kiện kinh doanh, tiếp cận tín dụng, đất đai, các loại phí, chi phí logistic.

Một tồn tại nữa là tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt triển khai theo lộ trình. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đưa ra các biện pháp cụ thể và cho rằng, sắp tới đây, Thường trực Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị toàn quốc về doanh nghiệp nhà nước; đồng thời giao Văn phòng Chính phủ đôn đốc chuẩn bị tốt cho Hội nghị.

Mặc dù chỉ số CPI tháng 7 giảm nhẹ, theo Thủ tướng, sức ép lạm phát còn lớn, nhất là trong bối cảnh lãi suất thế giới đang tăng, tỷ giá tăng, xu hướng tăng giá hàng hóa cơ bản và đặc biệt căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang diễn ra… Thủ tướng đề nghị Tổ điều hành kinh tế vĩ mô báo cáo cụ thể về vấn đề này. “Nếu chỉ lo tăng trưởng mà không lo lạm phát thì không ổn định, nhất là đời sống công nhân, nông dân”.

Điều tra, truy tố đối tượng đã bỏ hàng phế liệu vào Việt Nam

Liên quan đến các tiêu cực tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua tại một số địa phương gây bức xúc dư luận, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT có những giải pháp cụ thể trước mắt, đặc biệt giải pháp trung và dài hạn. Thủ tướng đề nghị làm rõ câu chuyện kỳ thi “2 trong 1” trong kỳ thi vừa rồi, có bất hợp lý không và phải thảo luận một cách dân chủ, cởi mở.

“Sự cố này ảnh hưởng đến niềm tin xã hội rất lớn, biện pháp xử lý rốt ráo quyết liệt của hệ thống chính trị, cơ quan chức năng đang đặt ra đối với các bộ, ngành và các địa phương vi phạm. Chính phủ không vì “bệnh thành tích” mà bỏ qua việc này. Chúng tôi xem xét việc thi THPT và thi đại học một cách nghiêm túc để kết luận những vấn đề đặt ra tại phiên họp này rõ ràng, để yên dân” - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành xử lý tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp FDI, tình trạng bán và lấn chiếm hàng nghìn ha rừng, triển khai chương trình tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, vấn đề phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, giải quyết tình trạng xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng.

Liên quan tới vụ tai nạn thảm khốc giữa xe container và xe chở đám cưới khiến 13 người chết tại Quảng Nam, Thủ tướng chỉ đạo cần rút ra kết luận sau vụ việc, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể quan tâm vấn đề này với phương châm “Tính mạng con người là trên hết”. 

Một vấn đề khác mà dư luận bức xúc, đó là tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam với hơn 6.000 container, nhất là tại Cảng Cát Lái và Hải Phòng, Thủ tướng cho biết đã họp và chỉ đạo về vấn đề này, kiên quyết không để Việt Nam là bãi thải phế liệu.

“Chúng tôi đã giao ngành Công an điều tra, truy tố kịp thời những chủ hàng đã bỏ hàng phế liệu vào Việt Nam, trốn tránh trách nhiệm. Phải điều tra, khởi tố nhanh đối tượng này để ngăn chặn có hiệu quả. Đồng thời chúng ta sửa lại một số văn bản quy phạm pháp luật để hạn chế tối đa những phế liệu không vào Việt Nam, trừ một số phế liệu là nhu cầu thực sự của sản xuất nhưng phải được kiểm soát chặt chẽ”, Thủ tướng nêu rõ.

Đọc thêm