Một quyết định đúng đắn

(PLO) - Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, Chính phủ yêu cầu từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 là 6,7%.
Một quyết định đúng đắn

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trong năm 2017 chưa tăng thuế, phí, lệ phí để tạo thuận lợi, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, Bộ này cần tập trung chỉ đạo các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách.

Phải nói rằng, đó là quyết định sáng suốt.

Ai cũng biết thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách, thực hiện nghĩa vụ thuế là yêu nước. Tuy nhiên, cần nhận ra rằng: do quản lý nhà nước về thuế quá yếu kém nên chúng ta thất thu thuế nghiêm trọng. Điều thứ hai cần nhận ra: chúng ta thất thoát và lãng phí nghiêm trọng (chưa nói đến sự phá hoại của “nội xâm” là tham nhũng). Ngân sách nhà nước không “căng như dây đàn” mới là chuyện lạ.

Khi Bộ Tài chính trình “đề án” tăng thuế VAT, một số chuyên gia cho rằng việc cần thiết bây giờ là kích thích tiêu dùng, tăng tích lũy của người dân, gia tăng đầu tư… Tăng thuế nên là biện pháp cuối cùng được áp dụng để tăng thu cho ngân sách, bởi đây là công cụ tài chính mạnh, đi ngược lại mục tiêu của Chính phủ. Thậm chí có chuyên gia phân tích, từ nay, kể cả năm 2018 - 2019 cũng chưa nên đặt vấn đề tăng thuế.

Chuyên gia kinh tế này nhận định, hiện có nhiều phương thức đảm bảo nguồn thu của Nhà nước. Mức thuế huy động trong điều kiện hiện nay là phù hợp. Không nên đặt vấn đề tăng mức huy động thuế, phí. Thay vào đó, cần đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chi công, chống lãng phí, huy động những kênh đầu tư mang tính xã hội hoá...

Kiểm soát chi và chống thất thu thuế là hai vấn đề “mấu chốt” bảo đảm nguồn thu của ngân sách thì chúng ta quá yếu kém.

Lãng phí ở Việt Nam có lẽ chiếm ngôi “đầu bảng” của thế giới. Còn thất thu thuế thì sao? Khu vực kinh tế nhà nước (chính thức) ngày càng thu hẹp, trong khi khu vực kinh tế tư nhân, cá thể (phi chính thức) ngày càng phát triển; tuy nhiên công tác quản lý thuế ngày càng tỏ ra không theo kịp tình hình. 

Theo World Bank, với quy mô khu vực kinh tế phi chính thức từ 17,6% GDP đến 35,7% GDP thì mức độ thất thoát nguồn thu thuế tương ứng từ 3,5% GDP đến 6,1% GDP. Tương tự, tương ứng với mức độ tham nhũng từ thấp đến cao thì số thất thoát thuế từ hơn 0,2% GDP đến gần 2% GDP. Đáng tiếc là hiện Việt Nam chưa có đánh giá chính xác về quy mô khu vực kinh tế phi chính thức cũng như mức độ tham nhũng.

Bên cạnh các nhiệm vụ lớn nói trên vấn đề chính sách lớn là tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong quyết định các nguồn thu, khoản thu đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, giảm sự phụ thuộc vào “bầu sữa” Trung ương, khắc phục tình trạng cát cứ địa phương, giải quyết mâu thuẫn lợi ích giữa các địa phương theo chiều ngang và giữa địa phương với Trung ương theo chiều dọc trong phát triển kinh tế - xã hội và quản lý tài chính ngân sách, giảm mạnh biên chế... là những vấn đề phải rốt ráo giải quyết.

Tăng thuế là hạ sách nếu như không muốn thúc đẩy tăng trưởng.

Đọc thêm