Nhiều dự án lớn của Hà Nội sẽ hoàn thành trong 5 năm tới

(PLO) - Sáng qua 28/9, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã  về tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020 và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm.
Nhiều dự án lớn của Hà Nội sẽ hoàn thành trong 5 năm tới

51 công trình trọng điểm

Giai đoạn 2016-2020, TP Hà Nội xác định danh mục 51 công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư 276.333 tỷ đồng. Trong đó, có 11 công trình chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 và 40 dự án mới giai đoạn 2016-2020. Phân theo hình thức đầu tư, có 31 dự án sử dụng vốn ngân sách và ODA, 20 dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Căn cứ chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND TP đã nghiên cứu, chuyển đổi 6 dự án từ ngân sách sang danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, gồm: Dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long (huyện Hoài Đức); cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 3 kéo dài, đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai; Trung tâm phức hợp y học Bệnh viện Tim Hà Nội tại Tây Hồ; xây dựng khu công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm thành phố Hà Nội.

Đồng thời, ghép một số dự án để đảm bảo tính đồng bộ, gồm: Đường vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng ghép với đường trên cao; Cầu Tứ Liên (BT) ghép với đoạn từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên để giới thiệu kêu gọi đầu tư theo hình thức BT; đường vành đai 4, đoạn từ QL32 đến QL6 ghép với đoạn từ QL6 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ để thành 1 dự án vành đai 4 từ QL32 đến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giới thiệu kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT.

Tính đến tháng 9/2016, 11 dự án chuyển tiếp cơ bản được thực hiện theo tiến độ và phương án được duyệt. Trong đó, dự án Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II hiện đã giải phóng mặt bằng (GPMB) xong toàn bộ khu vực phía Nam (36,26 ha), khu vực phía Bắc và phần đất thổ canh sẽ GPMB xong trong năm 2016. Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đã hoàn thành GPMB 50% khu depo và đoạn trên cao, hoàn thành sơ tuyển 5/5 gói thầu thiết bị và xây lắp, phê duyệt quy hoạch tuyến và các ga (trừ ga C9).

Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã thi công 50% khối lượng đoạn trên cao, 27% các ga trên cao và 90% các công trình hạ tầng kỹ thuật depo đã được thi công… có 2 dự án chậm do vướng GPMB là dự án tiếp nước cải tạo sông Tích và dự án cải tạo trạm bơm Yên Nghĩa. Cũng trong 9 tháng đầu năm nay, thành phố đã phê duyệt, triển khai 3 dự án: Cầu vượt Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái; nút giao Cổ Linh; mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Cần cơ chế đặc thù

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ: Với khối lượng các dự án, công trình trọng điểm như trên đòi hỏi phải quyết liệt trong công tác GPMB, bởi hiện đã có 3-4 dự án đình trệ do vướng GPMB. Cùng với đó, phải đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án hợp tác công - tư (PPP), bởi theo quy định 1 dự án nhóm A có thời gian chuẩn bị từ 750-780 ngày, nếu không có cơ chế đặc thù sẽ không đảm bảo tiến độ. Bên cạnh đó, với các dự án sử dụng vốn vay ODA, Trung ương cần có cơ chế đặc thù cho thành phố về hạn mức giải ngân, hiện nguồn vốn đối ứng của thành phố cũng như vốn cam kết của các đối tác đều đã được đảm bảo.

Về công tác GPMB, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá cao việc thành phố có những đổi mới, đột phá trong công tác này để người dân có nhiều sự lựa chọn hơn, quỹ nhà tái định cư cũng như chất lượng nhà được nâng cao, qua đó tác động tích cực đến tiến độ một số dự án… Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, giai đoạn 2016-2020 khối lượng GPMB của thành phố gấp đôi so với giai đoạn trước, đòi hỏi phải có cách làm mới, đặc biệt là sự quyết tâm, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Bởi nếu thực hiện tốt công tác cấp GCN và GPMB không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố mà còn góp phần duy trì sự ổn định xã hội.

Đối với các dự án, công trình trọng điểm, ông Hải cho rằng trong giai đoạn này, với 51 công trình (nhiều gấp 3 lần so với giai đoạn trước) song vẫn chưa giải quyết hết được thách thức về hạ tầng đô thị. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách ngày càng khó khăn, đòi hỏi quá trình triển khai các dự án này phải quyết liệt hơn, tích cực tháo gỡ khó khăn, nhất là kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có cơ chế đặc thù về quy trình thủ tục, về vốn ODA và các quy hoạch để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. 

Trong cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đánh giá, tiến độ 51 dự án trọng điểm của TP đến nay cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, phấn đấu sau 5 năm sẽ hoàn thành. Đối với nhóm 11 dự án chuyển tiếp, từ nay đến cuối năm, TP sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng 5 dự án, 6 dự án còn lại chuyển sang năm 2017. Nhóm các dự án mới, TP phấn đấu trong tháng 11 tới sẽ khởi công 7 dự án. Trong quá trình triển khai, UBND TP thực hiện sắp xếp, thu gọn các thủ tục liên quan đến quy trình thủ tục; rà soát các dự án sử dụng vốn ngân sách, tăng cường huy động xã hội hóa… Theo đó, đã tiết giảm tổng mức đầu tư từ trên 320 nghìn tỷ đồng xuống còn trên 270 nghìn tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP cũng cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao cho Hà Nội các cơ chế đặc thù, ưu tiên cho các dự án cấp nước, xử lý nước thải, giao thông… Về nhiệm vụ 3 tháng cuối năm, TP sẽ tập trung xử lý ô nhiễm nước tại các hồ, ao trên địa bàn (theo thống kê có khoảng 1.800 ao, hồ các loại); nâng công suất nhà máy nước Hà Đông thêm 30 nghìn m3/ngày đêm và cung cấp nước sạch cho các hộ dân khu vực bãi rác Sóc Sơn, cùng với đó là xã hội hóa việc xây dựng mạng cấp nước sạch tại các huyện ngoại thành…

Đọc thêm