Phòng chống tham nhũng: Phải có cơ chế bảo vệ những cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm

(PLO) - Theo ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN), bên cạnh việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp sai phạm, cũng cần có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích những cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Từ đó khơi dậy tinh thần sáng tạo của đội ngũ cán bộ vì dân, vì nước.
Ông Nguyễn Túc cho rằng, trong đấu tranh PCTN, phải có cơ chế bảo vệ những cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm
Ông Nguyễn Túc cho rằng, trong đấu tranh PCTN, phải có cơ chế bảo vệ những cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm

Phục hồi niềm tin vào công tác phòng, chống tham nhũng

Ngay sau hội nghị toàn quốc về công tác PCTN (hội nghị), dư luận và nhân dân vô cùng phấn khởi, tin tưởng, đồng thời mong chờ những nhiệm vụ, giải pháp mà hội nghị đưa ra sẽ có bước chuyển quyết liệt hơn, đem lại khí thế mới trong công cuộc chống “giặc nội xâm” vô cùng phức tạp.

“Có thể nói, từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đến nay, công tác PCTN đã được Đảng và Nhà nước chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội. Trong đấu tranh PCTN, Đảng ta đã thể hiện rõ quyết tâm “nói đi đôi với làm”, xử lý sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng và cũng là biện pháp cảnh tỉnh, răn đe có hiệu quả”, ông Võ Đại Lược, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới chia sẻ.

Cùng tâm trạng phấn khởi, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, kết quả tích cực của công tác PCTN thời gian qua đã giúp nhân dân phục hồi được niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng với công tác PCTN. “Vì sao tôi nói là phục hồi? Vì từ trước tới nay, chúng ta đã có 5 kỳ đại hội bàn về công tác PCTN nhưng chỉ thực sự có kết quả rõ nét nhất từ sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đến nay. Kết quả này không chỉ lấy lại niềm tin của nhân dân mà còn khiến cho những người đã trót nhúng chàm phải chùn bước và những người có ý định tham ô, tham nhũng phải giật mình”.

Một trong những nhân tố góp phần làm nên thành công trong cuộc đấu tranh PCTN chính là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp. Do đó, ông Lược đánh giá cao những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp mà hội nghị toàn quốc về PCTN đưa ra, trong đó nhấn mạnh đến vai trò gương mẫu của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

“Theo tôi, đây là giải pháp đúng và trúng. Với tư cách là người đứng đầu, anh phải kiểm soát được “lính tráng” của anh đã làm gì và phải chịu trách nhiệm nếu để cơ quan, đơn vị mình xảy ra tham nhũng”, ông Lược nói và cho rằng, để thuận lợi trong quá trình thực hiện, giúp việc đấu tranh PCTN hiệu quả hơn, chủ trương này cần được cụ thể hóa một cách rõ ràng, cụ thể tại các văn bản luật, có thể là văn bản luật chuyên ngành hoặc Nghị định, Thông tư, trong đó quy định rõ: nếu để cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm như thế nào?.

Phân tích kỹ hơn về nội dung này, ông Nguyễn Túc nhận định: Nếu người đứng đầu chuẩn mực và liêm khiết thì dứt khoát họ không để cho cơ quan, đơn vị xảy ra tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt. Những vụ việc tiêu cực vừa qua đã cho thấy, hoặc là người đứng đầu đã “đầu têu” hoặc đồng tình với những sai phạm đó. Do vậy, muốn PCTN hiệu quả, người đứng đầu phải luôn nêu cao vai trò gương mẫu, phải lo cho thiên hạ trước khi lo đến mình, như Bác Hồ từng nói “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.

Báo chí phải được cung cấp thông tin chính xác

Đồng tình với quan điểm phải cụ thể hóa và ràng buộc giữa trách nhiệm và quyền lực của người đứng đầu, ông Túc cho biết, rất tâm đắc với nhiệm vụ thứ hai mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong phát biểu kết thúc hội nghị. Theo đó, phải tập trung chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN; phấn đấu từ nay đến hết nhiệm kỳ, cơ bản hoàn thành một bước về xây dựng một cơ chế phòng ngừa chặt để không thể tham nhũng. Phải hoàn thiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; các quy định về kiểm soát quyền lực, trách nhiệm người đứng đầu khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn...

“Tôi cũng đánh giá cao phát biểu của Tổng Bí thư khi cho rằng việc đánh giá, nhìn nhận về các sai phạm cần phải đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, phù hợp. Điều này nhắc chúng ta đặc biệt chú ý đến những trường hợp rất dễ sai lầm nếu không xem xét hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm, nhưng chúng ta cũng quan tâm đến những người dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân. Từ đó khơi dậy tinh thần sáng tạo của đội ngũ cán bộ vì dân, vì nước; phải có cơ chế bảo vệ, khuyến khích họ”.

Vẫn lời ông Túc: “Việc làm này rất quan trọng trong tình hình hiện nay, nhất là khi cuộc chiến chống tham nhũng đã trở thành phong trào, thành xu thế trong toàn xã hội; sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước đang chuyển sang giai đoạn mới, cao hơn, ngày càng đi vào chiều sâu, khó khăn, phức tạp hơn so với trước. Chúng ta phải nhìn nhận đúng mức để không làm thui chột những sáng kiến, làm nhụt ý chí của những người cán bộ có tâm huyết và trách nhiệm. Những cán bộ không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm mà trái lại, dám mạnh dạn làm chỉ để hướng tới mục đích cao hơn là có lợi cho Đảng, cho dân thì chúng ta phải bảo vệ họ”.

Cũng theo vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, thời gian qua, các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng cơ quan chức năng trong PCTN và đã đem lại hiệu ứng tích cực. Nhưng muốn báo chí nói chính xác, nói đúng định hướng thì cơ quan chức năng phải chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm. Điều này cũng thể hiện sự công khai, minh bạch của Đảng, Nhà nước trong xử lý tham nhũng. Đừng để nhà báo phải tự mày mò trong biển thông tin. Dù nhà báo có nhiệt tình, nhiệt huyết với nghề nhưng nếu không được cơ quan chức năng cung cấp thông tin một cách chính xác thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bài viết nói riêng và công cuộc PCTN nói chung.

“Quan trọng hơn cả, dù có cơ chế, có tuyên truyền…, nhưng nếu không có sự giám sát chặt chẽ của nhân dân thì vẫn có thể xảy ra lạm quyền. Cho nên tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò giám sát của nhân dân và các tổ chức chính trị- xã hội đối với quyền lực của những đảng viên có chức vụ, đặc biệt là người đứng đầu. Như Bác Hồ từng căn dặn “Có dân là có tất cả”, vì thế trong công cuộc PCTN, chúng ta phải biết dựa vào dân, nghe dân nói, phải biết biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”, ông Túc nói. 

Đọc thêm