Thủ tướng gợi mở giải pháp giảm thiệt hại thiên tai cho từng vùng, miền

(PLO) - Tại Hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai, hôm nay, 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gợi mở những giải pháp cụ thể để hạn chế thiệt hại do thiên tai đối với từng vùng miền và các đô thị lớn trên cả nước.
Thủ tướng gợi mở giải pháp giảm thiệt hại thiên tai cho từng vùng, miền

Thủ tướng cho rằng, là đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, Việt Nam có truyền thống kiên cường chống giặc bão lũ, giặc hạn hán để bảo vệ cuộc sống yên lành cho mọi người dân.

Tuy nhiên, dù chúng ta đã nỗ lực nhưng thiệt hại do thiên tai còn rất lớn. Do vậy, theo Thủ tướng, Hội nghị này rất quan trọng, với sự tham gia rất đông lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành, tổ chức trong và ngoài nước, các nhà khoa học, chuyên gia để bàn những biện pháp sát thực, sáng tạo giải quyết vấn đề này. "Chính phủ sẽ lắng nghe, tiếp thu tối đa, từ đó hình thành Nghị quyết của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai", Thủ tướng cho biết.

Người chủ trì Hội nghị đồng thời gợi mở những giải pháp cụ thể để phòng chống thiên tai hiệu quả hơn đối với các vùng miền. Trong đó, theo Thủ tướng, với khu vực miền núi bao gồm phía bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên, sạt lở đất, lũ quét, an toàn hồ đập, di dời dân là những vấn đề cần lưu ý nhiều trong chỉ đạo. "Phải làm rõ quy trình vận hành liên hồ", Thủ tướng nói.

Đối với vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, phải bảo đảm an toàn các công trình phòng chống thiên tai, trong đó có hệ thống đê, “đừng để tình trạng ổ mối to như cái trống ở đê mà không biết, khi mưa rồi bục ra rồi chạy không kịp”. Không để “mất bò mới lo làm chuồng” trong công tác bảo vệ đê điều. "Phải bảo đảm an toàn cho toàn vùng, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, có độ dốc lớn, do đó vấn đề an toàn hồ đập, quy trình liên hồ, xả lũ, khu vực neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản cần chú ý.

Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ với tinh thần “thuận thiên” trong ứng phó biến đổi khí hậu.

Đối với trên biển và ven biển, không được chủ quan, quy trình tàu vào-ra phải kiểm soát chặt chẽ, kết hợp giữa biên phòng và lực lượng phòng chống bão lụt ở địa phương, “đừng để tình trạng gọi mãi mà tàu không về”. Cần có phương án ứng phó trong tình huống xảy ra siêu bão.

Đối với các đô thị lớn, phải rà soát tiêu chuẩn, khả năng tiêu thoát nước, đặc biệt, hạn chế tối đa việc san lấp hồ để tạo mặt bằng xây dựng, giảm không gian chứa nước. Quan tâm việc chăm sóc cây xanh trong thành phố, không để tình trạng cây xanh đổ gây chết người như một số trường hợp đã xảy ra.

Thông tin từ Tổng cục Phòng chống thiên tai, tại Việt Nam, 20 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm trên 400 người chết và mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 1-1,5% GDP và ảnh hưởng đến môi trường, điều kiện sống cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, đồng thời tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước. Thiệt hại trên biển đã giảm, tuy nhiên thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi hiện có xu hướng gia tăng.

Năm 2017 - là năm có số lượng bão kỷ lục, với 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới. Thiên tai năm 2017 đã làm 386 người chết, 8.166 nhà bị đổ, trôi; 610.000 nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp. Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỷ đồng (tăng 300% so với trung bình nhiều năm).

Sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân tại các khu vực ven sông, ven biển, đặc biệt tại đồng bằng sông Cửu Long và dải ven biển một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Bình Thuận, Cà Mau.

Hiện nay, trên cả nước hiện có 2.055 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 2.710 km, trong đó có 91 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 218 km; 735 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 911 km; 1.229 điểm sạt lở còn lại với tổng chiều dài 1.581 km.

Hạn hán, xâm nhập mặn trong những năm gần đây diễn ra ngày càng phức tạp cả về phạm vi và cường độ, đặc biệt là đợt hạn lịch sử diễn ra từ nửa cuối năm 2014 đến giữa năm 2016 trên diện rộng tại 18 tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long đã gây tác động rất lớn đến đời sống kinh tế xã hội, môi trường sinh thái trong khu vực, nhất là về sản xuất nông nghiệp, đã có trên 2 triệu người bị ảnh hưởng, thiệt hại về kinh tế trên 15.700 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn nhiều thiên tai khác đã và đang có chiều hướng gia tăng như gió mạnh trên biển, rét đậm, rét hại, dông lốc, sét, nắng nóng... cũng gây thiệt hại lớn về người, tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân.

Đọc thêm