Tiên nữ giữa biển Đông

(PLO) - Nằm cách đảo chìm Tiên Nữ không xa, Trạm hải đăng Tiên Nữ như nghiêng nghiêng trước ống kính phóng viên trong dập dềnh sóng vỗ mạn xuồng... 
Hải đăng Tiên Nữ
Hải đăng Tiên Nữ

Ở Trường Sa có 9 trạm hải đăng và trạm thường mang tên của đảo: Trạm hải đăng An Bang, Song Tử Tây, Đá Tây, Nam Yết, Sinh Tồn... Cùng quân, dân huyện đảo, những “Nhà đèn” đã góp phần khẳng định chủ quyền Tổ quốc ở Trường Sa…

Đón chúng tôi trên trạm chừng gần 2 chục mét vuông là các cán bộ, nhân viên và theo sau là những chú chó. Dường như “Nhà đèn” khá lâu rồi mới có khách nên những chú chó nhảy cẫng lên, mừng quýnh, có chú còn cao giọng sủa. Cái giọng sang sảng trong mênh mang biển trời làm tôi thấy Trường Sa gần gũi và ấm áp.

Anh em gọi đó là con “Lưu ngoác”. Hỏi ra mới biết, chó ở đây được yêu mến đặt theo tên người. Chú chó này sủa to nhất, cũng tựa như cái giọng oang oang của Trạm trưởng Vũ Sỹ Lưu nên cả người và chó đều có chung một biệt danh như vậy. Một chú chó khác thì mang tên “Việt ngố”…

Đang mạch chuyện về biệt danh của người, của chó, anh Vũ Sỹ Lưu quay sang tôi phân trần: “Em bảo, ở nơi đầu sóng, ngọn gió này, nhất là những lúc mưa bão, sóng to, gió lớn, nếu không nói to thì làm sao mà át được tiếng sóng, làm sao mà nghe thấy lời của nhau. Với lại, ở đảo lâu thì ngố nhiều thứ cũng là phải…”.

Chẳng phải đến lúc anh Lưu nói chúng tôi mới biết cái chuyện ở đảo lâu nên… ngố, nhưng nghe người đàn ông đã ngoài 50 tuổi trần tình một cách rất thật thà thì cứ thấy thương đến nghẹn lời. Ngố thông tin, ngố chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện học hành của con cái, rồi cả chuyện vợ chồng nữa.

Chỉ một vài năm thôi xa đất liền đã thấy mọi thứ đều vụng dại, huống hồ như anh Lưu, hơn 20 năm gắn bó với biển đảo, đã qua cả 9 trạm hải đăng. Anh Lưu bảo, thực ra tổ chức cũng quan tâm, cứ 9 tháng lại cho về đất liền “giải ngố” một lần. Những ngày bên vợ, thường luôn ý thức để đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên nhưng nhiều khi cái khí chất của “lính đảo” trỗi lên, vẫn nói oang oang, đi đứng thì cứ như xuống tấn.

Buồn cười nhất là chuyện tắm giặt. Ở đảo, tắm trong chậu như em bé quen rồi, về đất liền được tắm trong không gian rộng rãi hơn nhưng cứ thấy nó chống chếnh làm sao ấy, nước vẫn dùng dè. 

Tiếng là “ngố” vậy nhưng nói đến công việc thì những con người bình dị ấy bỗng sinh động và nhanh nhẹn hẳn lên. Giới thiệu về cây đèn biển, Hoàng Văn Tuyến – nhân viên trên Trạm - cho biết, đèn có cấu tạo như một thấu kính quay, bao gồm dây tóc, bóng đèn, hệ thống đỡ bóng đèn, pha quay, thấu kính, lồng đèn. Hải đăng có thể chiếu xa được 15 hải lí; trời trong, ánh sáng đèn rõ hơn, trời mù thì tầm chiếu cũng hạn chế.

Hàng ngày, hải đăng được thắp khoảng 12 tiếng, từ 17h30 hôm trước đến 5h30 phút ngày hôm sau. Để những con tàu nhận diện được các điểm đảo, các nhà đèn trên biển ở Trường Sa thường được phân biệt với nhau bởi các yếu tố như chu kỳ chớp, nhóm chớp, hệ thống pha quay hay màu sơn của đèn.

Để chúng tôi hiểu rõ hơn về đặc trưng của “Nhà đèn”, Lê Huy Tân, một nhân viên “Nhà đèn” Tiên Nữ giải thích: “Ví như về chu kỳ chớp, có đèn chớp 10 giây, “Nhà đèn” khác lại chớp 12, 15 giây. Hoặc về nhóm chớp, có “Nhà đèn” có nhóm chớp: 2 + 1, có “Nhà đèn” lại chớp theo nhóm: 3 + 1…”.

Mỗi “Nhà đèn” có một đặc trưng nhưng có điểm chung là để những cây hải đăng luôn được thắp sáng trên biển thì cán bộ, nhân viên, bên cạnh việc phải được đào tạo cơ bản nghiệp vụ về máy, về đèn, trang bị các kỹ năng khác như học cách sơ, cấp cứu người khi bị ngã, bị chuột rút khi ở dưới nước, cách chống say nắng, say sóng…

Đặc biệt, để đèn hoạt động được ở nơi bốn bề sóng nước, hơi muối xâm nhập mạnh, nhân viên “Nhà đèn” phải chăm sóc đèn như những bà mẹ chăm con nhỏ; phải lau chùi, bảo quản, bảo dưỡng chu đáo, tỉ mỉ. 

Anh Lưu cho biết, vào mùa mưa bão thì nguy hiểm nhưng mùa biển lặng, Trường Sa đẹp một cách huyền bí, như cái tên Tiên Nữ mà người ta vẫn gọi. Những lúc ấy dù nước ngọt phải dùng tiết kiệm, rau xanh phải ăn dè, ban ngày trời nắng như đổ lửa nhưng đêm đến ngồi ngắm sao trời trong mênh mông đại dương vẫn thấy đời thi vị lắm. Càng tự hào hơn khi mình được làm “ngọn hải đăng” thắp sáng niềm tin giữa muôn trùng sóng vỗ, được cùng quân, dân trên huyện đảo Trường Sa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc... 

Đọc thêm