Xây dựng Chính phủ điện tử: Cần quyết tâm và “kỷ luật sắt”

(PLO) - Hiện Việt Nam đang trong quá trình phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) nhưng vẫn rất chậm so với thế giới. Để xây dựng CPĐT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu các bộ, ngành, địa phương phải biết cách tổ chức, phân công công việc, đôn đốc triển khai một cách hợp lý và phải có “kỷ luật sắt” trong tổ chức thực hiện.
Nhiều cơ quan bộ, ngành sử dụng chứng thư số trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Ảnh minh họa
Nhiều cơ quan bộ, ngành sử dụng chứng thư số trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Ảnh minh họa

Các nước không chờ chúng ta

Việc đưa công nghệ thông tin và truyền thông kỹ thuật số vào các tổ chức khu vực công –  hay còn gọi “CPĐT”, có nhiều tác động tích cực đến cách thức các dịch vụ công được phân phối liên quan. CPĐT có thể nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước để chống tham nhũng và tăng cường tính dân chủ.

CPĐT đang hướng đến CP số dựa trên 3 nền tảng: Người dân là trung tâm, CP là nền tảng, Dữ liệu là cốt lõi. Để dữ liệu là cốt lõi, công chức dùng dữ liệu cho việc xây dựng chính sách quy hoạch, ra quyết định nhanh, chính xác trên cơ sở dữ liệu; người dân sử dụng dịch vụ công hoàn toàn số; doanh nghiệp (DN) phát triển các ứng dụng sử dụng tài nguyên của CP như: dữ liệu, APIs (giao diện lập trình ứng dụng),…

Thế nhưng, Báo cáo của Văn phòng CP đánh giá vẫn còn khá nhiều tồn tại, trong đó hệ thống nền tảng kết nối, liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu (NGSP) triển khai chậm, các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu điện tử (LGSP) tại các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành.

Một số cơ sở dữ liệu quốc gia nền tảng xây dựng CPĐT như dân cư, đất đai quốc gia, tài chính còn chậm triển khai dẫn đến việc chia sẻ, dùng chung các hệ thống thông tin chưa được thực hiện. Đặc biệt, việc triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư “giậm chân tại chỗ”. 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, bao gồm xử lý, trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử trong nội bộ và giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế; hệ thống quản lý văn bản và điều hành của một số bộ, ngành, địa phương khác nhau, chưa thực hiện kết nối, liên thông, gửi nhận văn bản điện tử. 

Dịch vụ công trực tuyến được thiết kế riêng lẻ, rời rạc, chưa thân thiện, chưa lấy người dân, DN làm trung tâm. Mặc dù số lượng dịch vụ công mức 3, mức 4 triển khai tại các bộ, ngành, địa phương ngày càng tăng, những số lượng hồ sơ trực tuyến theo từng dịch vụ rất thấp, thậm chí nhiều dịch vụ không phát sinh hồ sơ trực tuyến. Quy trình giải quyết thủ tục hành chính vẫn từ giấy đến điện tử, điện tử đến giấy gây phiền hà thêm cho người dân, DN và cả công chức thực hiện.

Chỉ ra con số đáng suy ngẫm thực tế tại các bộ ngành, địa phương, Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) dẫn chứng kết quả tổng điều tra kinh tế năm 2017 của Tổng cục Thống kê chỉ có 36% các đơn vị kinh tế hành chính sự nghiệp sử dụng máy tính và internet để điều hành các tác nghiệp, 1,2% tổng số cơ sở cung cấp hoàn chỉnh dịch vụ công trực tiếp mức độ 4.

“Điều đó cho thấy mặc dù người đứng đầu CP nóng lòng hối thúc tốc độ thực hiện CPĐT một trong những nền tảng cho cách mạng lần này vẫn còn rất chậm thì làm thế nào để chúng ta vượt lên chính mình và không bị các nước bỏ lại phía sau”, ông Nhân bày tỏ. 

Không phải “mạnh ai nấy làm”

Trước vấn đề này, tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về CPĐT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban băn khoăn: “Phải chăng rào cản đầu tiên hiện nay chính là từ những người làm việc tại cơ quan hành chính? Thiếu quyết tâm của người đứng đầu, hay do ngại sử dụng công nghệ thông tin, sự né tránh của cán bộ, công chức để không phải minh bạch, công khai công việc hay thiếu về thể chế, chính sách hay tồn tại những quy định bất hợp lý, gây khó khăn trong việc triển khai?”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng, những tồn tại, bất cập hiện nay còn có nguyên nhân là chưa phát huy vai trò người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện. Cơ chế bảo đảm thực thi chưa đủ mạnh. Nhiều cơ quan, địa phương còn coi nhẹ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành. Việc triển khai mang nặng tính hình thức, thói quen giấy tờ chưa được khắc phục. 

Do đó, theo Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP chịu trách nhiệm triển khai CPĐT ở phạm vi bộ, ngành, địa phương mình quản lý. “Phải có đầu mối, một người chỉ huy thống nhất, không để nhà nhà, người người, ngành ngành làm dự án đầu tư công nghệ thông tin, làm các cơ sở dữ liệu khác nhau”, Thủ tướng nêu rõ và mong muốn các ngành, các cấp cùng “xắn tay áo” vào xây dựng thành công CPĐT, chứ không phải “mạnh ai nấy làm”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương phải biết cách tổ chức, phân công công việc, đôn đốc triển khai một cách hợp lý và phải có “kỷ luật sắt” trong tổ chức thực hiện, không để kéo dài, “đổ qua, đổ lại một số công việc”, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong xây dựng CPĐT.

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho biết, thực hiện Khung Kiến trúc CPĐT, đến nay đã có trên 50 bộ, ngành, địa phương triển khai nghiên cứu và xây dựng Kiến trúc CP/Chính quyền điện tử.
Theo đó, đến nay đã xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN. 100% các bộ, ngành, địa phương có trang/cổng Thông tin điện tử. Về dịch vụ công trực tuyến, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được các bộ, ngành cung cấp hiện nay là 1.551 dịch vụ; các địa phương cung cấp hiện nay là 45.374 dịch vụ. Các bộ, ngành, địa phương đã bước đầu thiết lập các Trung tâm dữ liệu, tuy nhiên ở các quy mô rất khác nhau. 

Đọc thêm