Thiên nhiên bị tàn phá kéo các đại dịch đến gần
Chưa bao giờ Việt Nam có số ca COVID-19 cao như hiện nay. Tình hình dịch bệnh diễn biến vô cùng phức tạp, con số tử vong không dừng lại.
Ở thời điểm này, cả nước đang nỗ lực đấu tranh với đại dịch, từ đội ngũ y, bác sỹ tuyến đầu cho đến mọi người dân đang nghiêm chỉnh chấp hành quy định chống dịch. Nhiều người hoang mang, trăn trở trước câu hỏi lớn: “COVID-19 thực sự bắt nguồn từ đâu?” và “Làm thế nào để ngăn chặn đại dịch tiếp theo?”.
Đây là câu hỏi cần có câu trả lời vì thực tế nghiên cứu tiến trình các đại dịch trong lịch sử cho thấy sự thật khủng khiếp là các đại dịch ngày càng gần nhau hơn. Nếu như trước đây, phải vài trăm năm hay vài chục năm mới có một đại dịch thì chỉ tính từ thập kỷ 60 đến nay, chúng ta đã trải qua 9 đại dịch kinh hoàng gồm: Marburg (1967), Ebola (1976), Nipah (1999), Sars (2002), H5N1 (2003), Mers (2012), H7N9 (2013), H1N1 (2009), Covid-19 (2019). Điều này cho thấy đại dịch tiếp theo có thể xảy ra trong thời gian ngắn sắp tới. Và với tốc độ tàn phá thiên nhiên như hiện nay, các đại dịch dự báo càng gần nhau và khốc liệt hơn.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 70% các bệnh truyền nhiễm ở người trong thời gian gần đây là bệnh có nguồn gốc động vật. Hơn 850.000 loài virus gây bệnh mà chúng ta chưa biết, trong tổng số 1,7 triệu loại virus chưa được phát hiện có thể đang tồn tại trong thiên nhiên hoang dã. Việc tàn phá thiên nhiên, làm tăng cơ hội con người tiếp xúc với virus và do vậy càng dễ xảy ra đại dịch. Cho đến nay, nguồn gốc xuất phát của COVID-19 dù chưa thể làm rõ nhưng một phần nguyên nhân trong đó bắt đầu từ việc con người khai thác thiên nhiên quá nhiều và trong quá trình đó tiếp xúc với các virus mới, trong đó có chủng Corona gây ra COVID-19.
Trồng rừng ngăn ngừa đại dịch
Bức tranh toàn cảnh về hiện trạng rừng Việt Nam đến ngày 31/12/2017 cho thấy, Việt Nam có tổng diện tích che phủ rừng là 41,45%, tương ứng với 14.415.381ha, trong đó, rừng tự nhiên chiếm khoảng 70,8%, còn lại là rừng trồng. Tại rất nhiều địa phương, diện tích rừng tự nhiên đang bị suy giảm mạnh. Nhiều khu rừng là rừng nghèo kiệt. Các khu rừng trồng phần lớn là rừng nghèo loài, không có tầng tán, không có giá trị sinh thái cao như rừng tự nhiên.
Diện tích rừng bị suy giảm đồng nghĩa với việc các loài thực vật bị khai thác phục vụ nhu cầu con người, các loài động vật hoang dã mất nơi sinh sống phải di chuyển vào khu vực dân cư. Từ đó virus sẽ thoát ra khỏi khu rừng và lây lan dịch bệnh cho con người, thông qua các vật chủ đầu tiên là các loài động vật hoang dã.
Phục hồi hệ sinh thái thông qua việc trồng rừng là một trong những giải pháp để ngăn chặn đại dịch tiếp theo. |
Do đó, phục hồi hệ sinh thái thông qua việc trồng rừng là một trong những giải pháp để ngăn chặn đại dịch tiếp theo. Thấy được tầm quan trọng của việc trồng rừng ngăn ngừa đại dịch tiếp theo, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia (được Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) thành lập năm 2016 với sự quy tụ của các nhà bảo tồn tâm huyết) đã quyết tâm đẩy mạnh chiến dịch, nỗ lực trồng rừng ngay trong thời kỳ Covid đỉnh điểm này.
Khu Bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai là địa điểm được Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia thực hiện việc trồng rừng. Nơi đây không chỉ thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, là khu rừng đầu nguồn quan trọng, điều tiết và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu cho hàng chục triệu người dân tại TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ mà còn gắn với câu chuyện rất đau lòng về loài voi.
Chuyện là, rừng Đồng Nai vốn là nơi sinh sống của một trong những quần thể voi hoang dã cuối cùng tại Việt Nam, với số lượng khoảng 16-21 con, trong tổng số 50-100 con voi hoang dã cuối cùng tại Việt Nam. Năm 2010, bảy cá thể voi hoang dã tỉnh Đồng Nai bị giết hại vì không kiếm đủ thức ăn trong rừng do diện tích rừng bị thu hẹp, voi phải ra khu vực ruộng trồng cây điều, xoài của người dân kiếm ăn và đã bị đầu độc chết.
Để bảo vệ những con voi hoang dã, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai đã lắp đặt 50km hàng rào điện tử ngăn không cho voi ra khu vực nương rẫy kiếm ăn. Tuy nhiên, người ta vẫn thường xuyên thấy bầy voi ra kiếm ăn ở khu vực gần hàng rào điện tử và tìm cách vượt ra ngoài. Câu chuyện cho thấy một chân lý rằng, việc khôi phục rừng, trả lại nguồn thức ăn dồi dào cho đàn voi và các loài hoang dã khác là giải pháp lâu dài và triệt để bảo tồn sự đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên.
Phục hồi hệ sinh thái thông qua việc trồng rừng là một trong những giải pháp để ngăn chặn đại dịch tiếp theo. |
“Việc trồng rừng ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai không chỉ góp phần ngăn đại dịch tiếp theo mà còn hướng đến bảo vệ một trong những quần thể voi cuối cùng tại Việt Nam, cũng như bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, cải thiện chức năng sinh thái của rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu” - bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Gaia cho biết.
Được biết, 2.000 cây gỗ lớn bản địa trên diện tích 4ha tại rừng Đồng Nai đã được trồng thuộc 7 loài gồm: chiêu liêu, giáng hương, ươi, dầu, gõ đỏ, gõ mật, bằng lăng đã được trồng thành công với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ của Trung tâm Gaia, Khu Bảo tồn Thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và người dân địa phương.
Khu rừng sẽ tiếp tục chăm sóc và giám sát trong 4 năm để đảm bảo tỷ lệ sống cao nhất. Tới đây là gần 10.000 cây gỗ lớn tại Thanh Hóa sẽ được trồng trong khuôn khổ chiến dịch “Trồng rừng ngăn đại dịch tiếp theo” do Trung tâm Gaia phát động tháng 6/2021. Chiến dịch đã lan tỏa với hàng trăm ngàn lượt người trên mạng xã hội mỗi tuần và nhận được nhiều sự ủng hộ, đóng góp cây trồng.
Tại sao trồng rừng lại ngăn được đại dịch?
Chia sẻ tại một buổi nói chuyện trực tuyến về COVID-19 và việc phục hồi thiên nhiên, bà Đỗ Thị Thanh Huyền - nhà sáng lập, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia cho biết: “Phục hồi thiên nhiên là giải pháp tốt nhất, bền vững nhất để ngăn chặn đại dịch tiếp theo. Vì các loài virus sống trong cơ thể các loài động, thực vật hoang dã, vốn đang yên ổn trong các khu rừng.
Khi chúng ta phá rừng, các loài động vật hoang dã mất nơi sinh sống phải di chuyển vào khu vực dân cư, các loài thực vật bị khai thác phục vụ nhu cầu con người, virus sẽ thoát ra khỏi khu rừng và lây lan dịch bệnh cho con người, thông qua các vật chủ đầu tiên là các loài động vật hoang dã.
Việc trồng rừng sẽ làm tăng đa dạng sinh học, tạo môi trường sống an toàn cho các loài động, thực vật hoang dã và do vậy tăng khả năng kháng bệnh, ngăn ngừa đại dịch không chỉ với thiên nhiên mà với cả con người”.