Trừ điểm giấy phép lái xe sẽ hoàn toàn tự động

(PLVN) - Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, theo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, việc trừ điểm giấy phép lái xe sẽ hoàn toàn tự động từ ngày 01/01/2025 và được kết nối với VneID, Cổng dịch vụ công quốc gia.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 6 luật. (Ảnh: PV)

Ngày 22/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 6 luật vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 6 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 gồm: Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Điều khiển trật tự, an toàn giao thông bằng các công cụ, phương tiện thông minh

Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an giới thiệu về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. (Ảnh: PV)

Giới thiệu về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Trung tướng Lê Quốc Hùng - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Luật có bố cục gồm 9 chương với 89 điều, tiếp tục kế thừa các hành vi bị nghiêm cấm từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trong đó quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhằm thiết lập văn hóa về giao thông, giảm thiểu xảy ra tai nạn giao thông.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định về trừ điểm giấy phép lái xe với người vi phạm trật tự an toàn giao thông. Để chuẩn bị cho việc thực hiện chế tài này, Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an đã và đang mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó, có quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính bị trừ điểm giấy phép lái xe. Việc trừ điểm giấy phép lái xe sẽ hoàn toàn tự động từ ngày 01/01/2025 và được kết nối với VneID, Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trả lời câu hỏi của Báo Pháp luật Việt Nam về Trung tâm chỉ huy giao thông thông minh, Thứ trưởng Hùng nhấn mạnh, Luật dành hẳn 1 điều là Điều 75 quy định về Trung tâm này. Bộ Công an đã có quá trình chuẩn bị lâu dài và đến nay đã có cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông rất đồ sộ, được kết nối, chia sẻ trong lực lượng Công an từ Trung ương đến địa phương cũng như kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Vì vậy, khi Luật có hiệu lực thi hành, Thứ trưởng Hùng khẳng định, Bộ Công an đủ sức điều khiển trật tự, an toàn giao thông trên phạm vi toàn quốc bằng các công cụ, phương tiện thông minh.

Dẫn chứng khi ra nước ngoài sẽ thấy đoàn xe ưu tiên đến đâu thì hệ thống tín hiệu giao thông chuyển sang làn xanh, tạo điều kiện di chuyển thuận lợi, hạn chế tác động đến các phương tiện khác cùng tham gia giao thông trên một tuyến đường, Thứ trưởng cho biết: Bộ Công an sẽ thiết kế quy định về Trung tâm này tại Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an, về sau sẽ tích hợp thêm các dữ liệu từ Bộ Giao thông vận tải về quản lý phương tiện đăng kiểm, quản lý phương tiện thi, cấp giấy phép lái xe… vào Trung tâm chỉ huy giao thông thông minh.

Nhiều quy định mới về Thẩm phán

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến giới thiệu về Luật Tổ chức TAND năm 2024. (Ảnh: PV)

Tại họp báo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật Tổ chức TAND năm 2024 gồm 9 chương, 152 điều; giảm 2 chương nhưng tăng 54 điều so với Luật năm 2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025. Trong đó, Luật 2024 sửa đổi, bổ sung 101 điều, bổ sung mới 48 điều và giữ nguyên 3 điều.

Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho hay, Luật vừa ban hành có nhiều điểm mới đáng chú ý liên quan đến chế định về Thẩm phán.

Theo đó, về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC, Luật thông qua bổ sung tiêu chuẩn về độ tuổi (từ đủ 45 tuổi trở lên) và phải có từ đủ 20 năm trở lên công tác tại Tòa án, trong đó có từ đủ 10 năm trở lên làm Thẩm phán TAND.

“Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng phải có từ đủ 5 năm trở lên làm Thẩm phán TAND”, Phó Chánh án TANDTC nhấn mạnh.

Ngoài ra, Luật cũng bổ sung trường hợp luật sư, giảng viên đại học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, bảo đảm quy trình theo quy định thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán TANDTC; bổ sung quy định về giới hạn số lượng Thẩm phán TANDTC được tuyển chọn, bổ nhiệm từ nguồn ngoài Tòa án không quá 2 người.

Về thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt mà phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam quan tâm, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết Luật Tổ chức TAND 2024 đã quy định thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, TAND sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, TAND sơ thẩm chuyên biệt Phá sản để bảo đảm tính chuyên môn hóa và sự chuyên sâu trong hoạt động xét xử vụ việc sở hữu trí tuệ, phá sản, bảo đảm tính độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử các vụ án hành chính.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, số lượng từng loại vụ việc mà Tòa án có thẩm quyền giải quyết, cơ sở vật chất, nhân lực, TANDTC đang nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị đủ các điều kiện cần thiết và xây dựng phương án đề xuất, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo ông Tiến, dự kiến có thể thành lập các Tòa án này sau khi Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Phá sản được sửa đổi, bổ sung và số lượng, trụ sở, phạm vi thẩm quyền của từng TAND sơ thẩm chuyên biệt cũng đang được TANDTC xây dựng phương án.

Tạo nguồn lực cho công nghiệp quốc phòng, an ninh

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam giới thiệu Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. (Ảnh: PV)

Cũng tại họp báo, giới thiệu về những nội dung cơ bản của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Hoài Nam cho biết: Luật gồm 7 chương với 86 điều, được xây dựng và ban hành nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài, bao gồm cả đảm bảo cơ chế, chính sách đặc thù cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công nghiệp quốc phòng.

Luật quy định chính sách của Nhà nước về công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp theo quy định của luật là: Ưu tiên bảo đảm ngân sách, có chính sách, cơ chế đặc thù cho công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Xây dựng, phát triển cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh nòng cốt tinh, gọn, mạnh, hiệu quả, tiên tiến, hiện đại; gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, thiết kế, chế tạo với sản xuất, sửa chữa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.Ưu tiên nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, an ninh.

Đồng thời, huy động tối đa nguồn lực của công nghiệp quốc gia, xây dựng và phát triển công trình hạ tầng phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; thu hút, đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh. Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh theo hướng lưỡng dụng, gắn kết chặt chẽ, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp...

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

Đọc thêm