Đồng tiền làm lóa mắt
Với việc được cho là đã đầu độc 21 người, bao gồm cả mẹ đẻ, các con và chồng của mình, cho đến nay, Mary Ann Cotton vẫn được ghi nhận là kẻ giết người hàng loạt đầu tiên của Anh.
Theo các ghi chép còn lại, trong suốt 1 thời gian dài từ năm 1852 cho đến năm 1873, người phụ nữ này đã dùng thạch tín để âm thầm đầu độc những nạn nhân của mình, trong đó có 7/13 đứa con do chính bà ta dứt ruột đẻ ra và 4 người chồng, 2 tình nhân khác.
Mary Ann Cotton vốn là y tá, một người luôn tỏ ra quan tâm, chăm sóc tới những người thân của mình. Vì vậy nên dù những người thân của bà ta liên tục qua đời với những triệu chứng rất giống nhau nhưng vẫn chẳng ai mảy may nghi ngờ bà ta có liên quan đến những vụ việc này.
Mãi về sau, khi báo chí vào cuộc khai thác, giới chức Anh mới bắt đầu mở cuộc điều tra và chấm dứt chuỗi hành vi phạm tội kinh hoàng của người phụ nữ này.
Theo kết quả điều tra của cảnh sát khi đó, động cơ của Mary Ann Cotton được xác định chính là tiền, mà cụ thể là tiền bảo hiểm nhân mạng của người thân của bà ta. Năm 1873, người phụ nữ này đã bị kết án tù bằng hình thức treo cổ vì bị buộc tội đầu độc chết con trai.
Sau Mary Ann Cotton, một loạt các vụ việc phụ nữ đầu độc người chồng và người tình của mình để chiếm đoạt tiền bảo hiểm cũng đã được phát giác, khiến dư luận vô cùng tức giận.
Ở châu Á, năm 2014, cảnh sát Nhật Bản đã bắt giữ Isao Kakehi - một phụ nữ khi đó 67 tuổi - bị tình nghi đầu độc chồng bằng cyanua. Cảnh sát Nhật Bản cáo buộc bà Kakehi đã dùng cyanua để giết chết tổng cộng 9 người, bao gồm 4 người chồng và 5 bạn trai.
Đổi lại, trong vòng 2 thập kỷ qua, bà ta được thụ hưởng tổng cộng gần 10 triệu USD tiền bảo hiểm và những tài sản khác của những người đàn ông xấu số từng bị bà ta dụ dỗ vào “lưới tình”.
Cũng trong năm 2014, tòa án Mỹ đã tuyên án tù chung thân không ân xá đối với một phụ nữ tên Marissa-Suzanne Reese Devault về cáo buộc giết chồng. Theo bản án được đọc tại tòa, người phụ nữ này đã có nhân tình nhưng không muốn chỉ bỏ chồng một cách đơn giản.
Thay vào đó, bà ta dùng búa giết chết người chồng khi ông này còn đang say ngủ rồi dựng hiện trường giả bị chồng đánh đập nên đã tự vệ quá mức dẫn đến việc người chồng tử vong.
Trong toan tính của bà ta, nếu âm mưu được thực hiện thành công, bà ta vừa có thể bỏ được chồng để đến với người tình vừa được nhận tiền bảo hiểm nhân mạng trị giá lên đến 1,25 triệu USD của chồng để lại.
Năm 2009, một phụ nữ khác tên Susan Diane Hendricks vì mờ mắt trước món tiền bảo hiểm nhân mạng kếch sù nên cũng đã nhẫn tâm ra tay giết chết 2 người con trai do mình dứt ruột đẻ ra, người chồng từng đầu ấp tay gối bao năm và cả người mẹ kế của mình, thậm chí toan tính đổ tội cho người con trai vắn số nhưng không thành.
Trước hơn nữa, năm 2001, một phụ nữ tên Barbara Purcell cũng bị người chồng tên Larry giết chết, mà nguyên nhân sâu xa cũng là vì tiền bảo hiểm.
Vào tù vì lòng tham
Ngoài việc giết người thân để chiếm đoạt tiền bảo hiểm, các điều tra viên và chính các công ty bảo hiểm nhân thọ cho biết họ vẫn đang phải chật vật với cuộc chiến âm thầm nhưng liên tục nhằm ngăn chặn tình trạng những khách hàng không trung thực giả chết để đòi tiền bảo hiểm.
“Các công ty bảo hiểm nhân thọ luôn được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ về những vụ giả chết” – ông James Quiggle, người phát ngôn Liên minh chống gian lận bảo hiểm, một liên minh bao gồm các nhóm người tiêu dùng, công ty bảo hiểm và các cơ quan của chính phủ, cho biết.
Trường hợp giả chết để trục lợi bảo hiểm điển hình có thể kể đến là vụ việc của John Darwin – một giáo viên người Mỹ. Ngày 21/3/2002, người đàn ông này đi xuồng ra biển chơi rồi đột ngột mất tích dù điều kiện thời tiết hôm đó vô cùng thuận lợi. Khi chiếc xuồng của Darwin được tìm thấy cũng là lúc vợ của ông ta yêu cầu được thanh toán tiền bảo hiểm nhân thọ trị giá hàng triệu USD của chồng.
Chuyện sẽ không đáng nói nhiều nếu như 5 năm sau đó, tháng 12/2007, cảnh sát không tình cờ phát hiện ra và bắt giữ Darwin khi ông này từ Panama về nước vì nhớ con bằng giấy tờ tùy thân giả. Tháng 7/2008, Darwin và vợ là Anne Darwin đã bị kết án 6 năm tù giam mỗi người vì hành vi gian dối này.
|
Hai vợ chồng John và Anne Darwin |
Năm 2012, ông Raymond Roth cũng được trình báo đã bị mất tích ở bãi biển Jones, bang New York. Ngay sau đó, cảnh sát đã huy động lực lượng “xới” tung vùng biển gần bãi biển nói trên hòng tìm kiếm ông ta nhưng không thành. Tuy nhiên, trong lúc cuộc tìm kiếm vẫn đang được tiến hành thì 4 ngày sau đó, Roth lại bị cảnh sát “tóm” khi đang lái xe ở Nam Carolina.
Tại cơ quan điều tra sau đó, người này thừa nhận giả mất tích để vợ và con trai ông ta được hưởng tiền bảo hiểm khoảng 410.000 USD.
Đến năm 2014, người đàn ông này đã bị buộc tội âm mưu lừa đảo với bản án 3 tháng tù giam, 5 năm quản chế và phải trả toàn bộ chi phí của cuộc tìm kiếm – bao gồm 27.445 USD cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ và 9.109 USD cho Sở cảnh sát Nassau. Con trai ông ta ban đầu bị cáo buộc có liên quan đến âm mưu của cha nhưng sau đó được trắng án.