Hưởng từ 40-100 triệu đồng/quả thận được giao dịch thành công
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Giám đốc CA TP Hà Nội (ngày 23/4/2018) về việc xác minh, điều tra ổ nhóm nghi vấn hoạt động mua bán mô, bộ phận cơ thể người (thận), Phòng CSHS - CATP đã nhanh chóng triển khai lực lượng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ làm rõ đường dây môi giới bán thận có quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Văn Phương (SN 1989, trú tại huyện Lạng Giang, Bắc Giang) về tội "Mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người".
Theo cơ quan Công an, hoạt động buôn bán thận được xác định diễn ra tại Hà Nội, Huế, TP HCM, thậm chí đã có đường dây đưa người ra nước ngoài để bán thận. Trước đó, tháng 8, một đường đây hoạt động mua bán thận gồm 4 đối tượng cũng đã bị Phòng CSHS - CA TP Hà Nội triệt phá. Các đối tượng trong đường dây này đã môi giới mua bán thận cho khoảng 40 người trên địa bàn TP Hà Nội.
Sau một thời gian tập trung điều tra, xác minh, lực lượng Chống tội phạm mua bán người, Phòng CSHS - CATP Hà Nội đã xác định cầm đầu đường dây môi giới mua bán thận này là Trần Văn Phương. Giúp sức cho Phương còn có các đối tượng gồm Lê Thùy Linh (SN 1996, ở huyện Phú Giáo, Bình Dương); Hoàng Ngọc Tiến (SN 1988, ở huyện Đông Hà, Quảng Trị); Phan Văn Hùng (SN 1991, ở huyện Yên Thành, Nghệ An); Phạm Xuân Thính (SN 1990, ở huyện Nam Sách, Hải Dương) và Nguyễn Văn Mỹ (SN 1993, ở huyện Đức Cơ, Gia Lai).
Theo tài liệu của cơ quan công an, trong đường dây này, Hùng và Tiến được giao nhiệm vụ đưa đón người mua bán thận đi xét nghiệm. Họ được Phương nuôi cơm hàng ngày và được trả công 5 triệu đồng cho mỗi lần giao dịch trót lọt. Còn Lê Thùy Linh hàng ngày lo cơm nước cho nhóm của Phương và những người chờ bán thận tại phòng trọ.
Trần Văn Phương đã sử dụng tài khoản facebook đăng thông tin tìm người mua, bán thận. Để thực hiện giao dịch mua bán thận, cả người mua và người bán phải qua rất nhiều "cánh cửa" mới gặp được nhau, làm hồ sơ giả tự nguyện hiến thận để qua mặt lực lượng chức năng. Phương trả người bán 250-320 triệu đồng/quả, còn người mua phải trả từ 340-360 triệu đồng/quả. Số tiền Phương được hưởng sau mỗi quả thận mua bán thành công từ 40-100 triệu đồng. Trong khoảng thời gian từ tháng 1 - 9/2018, Phương đã thực hiện trót lọt 3 vụ mua, bán thận với số tiền hưởng lợi lên tới hàng trăm triệu đồng.
Lập hồ sơ hiến tặng thận giả để “qua mặt” cơ quan chức năng
Theo chỉ huy Phòng CSHS - CATP Hà Nội, Phương từng đi bán thận bên Campuchia với giá 150 triệu đồng nên “rất am hiểu” hoạt động này. Ngoài việc lên facebook để tìm kiếm người bán và mua thận, Phương thường lân la tại những cổng bệnh viện, khu vực chạy thận nhân tạo để nắm bắt nhu cầu, đối tượng cần mua và bán thận nhằm môi giới mua bán thận.
Đối với những người cần bán và mua thận, các đối tượng sẽ đưa đến bệnh viện nhằm kiểm tra, xét nghiệm những chỉ số y tế. Trong trường hợp những chỉ số xét nghiệm này phù hợp, các đối tượng sẽ lập hồ sơ hiến tặng thận giả, nhằm qua mặt lực lượng chức năng, nhưng thực chất với mỗi quả thận được bán đi, người bán sẽ nhận được hàng trăm triệu đồng. Đối với người mua, tùy vào từng điều kiện kinh tế, Phương sẽ phát giá cao hay thấp nhằm hưởng tiền chênh lệch.
Vụ thứ nhất, vào đầu năm 2018, Phương mua một quả thận từ một người đàn ông với giá 250 triệu đồng và bán với giá 320 triệu đồng để ghép. Phương hưởng lợi 70 triệu đồng. Tháng 6/2018, Phương bán một quả thận cho một người đàn ông ở Hà Nội với giá 360 triệu đồng, sau khi mua quả thận này với giá 260 từ một người đàn ông khác quê ở Lạng Sơn. Phương hưởng lợi 100 triệu đồng. Đến tháng 7/2018, Phương tiếp tục bán một quả thận khác với giá 360 triệu đồng, sau khi mua với giá 320 triệu và hưởng lợi 40 triệu đồng. Toàn bộ các ca cắt - ghép thận này đều được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức. Hiện Phòng CSHS - CATP Hà Nội đang khẩn trương củng cố tài liệu, xử lý nghiêm các đối tượng trong đường dây của Trần Văn Phương trước pháp luật.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo: Hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người bị nghiêm cấm. Chính vì vậy, đối với những người bị bệnh, trong vụ án này là bị bệnh thận, cần đến các cơ sở y tế tìm hiểu thông tin, đăng ký nhận mô, bộ phận hiến tặng, chờ cơ hội được ghép thận nhân đạo; tuyệt đối không được mua, bán. Những người bán thận trong vụ án này đều có hoàn cảnh khó khăn, cần tiền trang trải cuộc sống nhưng không vì thế mà vi phạm pháp luật. Chúng ta khuyến khích, động viên người dân tham gia hiến, tặng mô... với ý nghĩa nhân đạo cho những bệnh nhân cần ghép tạng. Mọi hành vi mua, bán đều bị cấm và xử lý nghiêm khắc.
Mỗi năm có khoảng 1.000 ca ghép thận thành công. Thực tế, lượng bệnh nhân có nhu cầu ghép thận cao gấp nhiều lần số ca được ghép. Lợi dụng việc mất cân đối cung - cầu cũng như việc bệnh nhân không nắm rõ quy trình khám chữa bệnh, không muốn chờ đợi phẫu thuật, kẻ xấu đã dụ dỗ, lừa đảo người bệnh. Để tránh trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, Cơ quan Công an khuyến cáo bệnh nhân không liên hệ mua bán thận qua mạng hoặc thực hiện việc khám, xét nghiệm thông qua người không phải là cán bộ, nhân viên của bệnh viện chuyên khoa. Về phía các bệnh viện, cần tăng cường quản lý các bước khám, xét nghiệm cho bệnh nhân, không để đối tượng lừa đảo lợi dụng sơ hở để hoạt động phạm tội.