Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch 'bêu tên' doanh nghiệp gây ô nhiễm

(PLO) - Trung Quốc đang đẩy mạnh việc công khai tên của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường để tăng cường sự giám sát của cộng đồng, khiến các doanh nghiệp khó có thể che giấu hành vi của mình hơn.
Bầu không khí ở nhiều nơi tại Trung Quốc trong những ngày qua xám xịt do ô nhiễm
Bầu không khí ở nhiều nơi tại Trung Quốc trong những ngày qua xám xịt do ô nhiễm

Theo Reuters, Trung Quốc lần đầu áp dụng chiến thuật “bêu tên” những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường vào năm 2005, khi Phó Giám đốc Cơ quan bảo vệ môi trường nhà nước lúc bấy giờ là ông Pan Yue khởi xướng chiến dịch công khai tên những doanh nghiệp nhà nước lớn vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trên truyền thông. 

Trong khuôn khổ chiến dịch này, nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn đã buộc phải từ bỏ lập luận rằng họ không phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, rằng họ có thể tiến hành các dự án mới mà không cần phải có được sự phê chuẩn của cơ quan chức năng như trước đó. Trong các chiến dịch thanh, kiểm tra sau đó, nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường cũng đã bị công khai “bêu tên”. 

Để thúc đẩy cuộc chiến chống ô nhiễm môi trường được phát động năm 2014, đầu năm ngoái, Trung Quốc đã thông qua luật theo đó áp những hình phạt nặng hơn với các doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, đồng thời yêu cầu công khai các vi phạm đó. Đến năm nay, Bộ Bảo vệ môi trường nước này tiếp tục được trao thêm quyền để thanh tra bất cứ nơi nào trên cả nước trong khi các quan chức bị buộc phải chịu trách nhiệm về hành vi của họ. 

Mới đây nhất, Trung Quốc đã công khai tên của hơn 20 doanh nghiệp được xác định vi phạm các quy định về môi trường. Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc trong một tuyên bố được truyền hình và báo chí địa phương dẫn lời cho biết các nhà máy thép, nhà máy giấy, nhà máy điện và các nhà máy sản xuất hóa chất vừa bị nêu tên đã có hàng loạt sai phạm, từ phớt lờ yêu cầu đình chỉ hoạt động, cố trốn các cuộc thanh tra của chính quyền và công bố sai dữ liệu về hoạt động sản xuất…

Việc công bố tên các doanh nghiệp nói trên là nỗ lực công khai nhất của giới chức Trung Quốc nhằm phơi bày những sai phạm của họ để cộng đồng tiếp tục giám sát rộng hơn. Động thái này diễn ra vào đúng lúc Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng khói mù dày đặc do ô nhiễm ở miền bắc.

Tuy nhiên, kết quả cuộc điều tra do Reuters thực hiện cho thấy tình trạng vi phạm quy định về kiểm soát không khí ở tỉnh Hà Bắc vẫn rất nghiêm trọng. Trong đó, 6 trong số các doanh nghiệp sản xuất thép ở Hà Bắc đã không tuân thủ yêu cầu dừng tất cả các hoạt động nung kết được nhà chức trách đưa ra hôm 18/12. 3 công ty sản xuất thép khác ở tỉnh cũng bị Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc cáo buộc đã cố tình khởi động các cơ sở nung kết ngay sau khi các thanh tra viên rời khỏi hiện trường. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, quan điểm cho rằng việc làm cho công nhân vẫn là ưu tiên cộng với việc những hình phạt với những công ty vi phạm còn quá yếu đã khiến chiến thuật “bêu tên” các doanh nghiệp được cho là chưa có nhiều tác dụng. Ông Alex Wang, một chuyên gia về luật môi trường của Trung Quốc, cho rằng những chiến thuật như “bêu tên” doanh nghiệp vi phạm sẽ chỉ có tác động trong ngắn hạn. Còn về lâu dài, các doanh nghiệp gây ô nhiễm cần phải bị giám sát thường xuyên, liên tục và có hệ thống. 

“Những chiến dịch thanh tra như vậy sẽ chỉ giúp thi thoảng bắt giữ được những người vi phạm và Trung Quốc cần phải có những cải cách mạnh mẽ hơn”, ông nói và khuyến nghị thực thi chính sách thưởng tiền hậu hĩnh cho những công dân khi báo cáo về các vi phạm của các doanh nghiệp.

Trong năm nay, Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc đã chuyển sang áp dụng việc giám sát chặt chẽ đối với các chính quyền địa phương có sai sót trong việc thực thi nhiệm vụ của họ. Hồi tháng trước, 487 quan chức ở tỉnh Hà Bắc – tỉnh có đến 7 trong 10 thành phố ô nhiễm nhất của Trung Quốc - đã bị phạt vì không bảo vệ môi trường một cách phù hợp.