Trung Quốc loạn hội đoàn 'dởm'

(PLO) -Trang web của Cục quản lý tổ chức dân gian của Bộ Dân chính Trung Quốc (www.chinanpo.gov.cn) vừa công bố danh sách 100 hội đoàn dởm, “nhái” tên các hội đoàn xã hội, tất cả đều có tên “Trung Quốc” hay “quốc tế”, như “Viện nghiên cứu kinh tế dân doanh Trung Quốc”, “Viện nghiên cứu quản lý tiêu chuẩn hóa quốc tế”, “Hiệp hội vật tư Trung Quốc”…
 
Hiệp hội hàng xa xỉ thế giới - một hội đoàn dởm
Hiệp hội hàng xa xỉ thế giới - một hội đoàn dởm

Kể từ tháng 3/2016 đến nay, đây là đợt công bố danh sách thứ 6 nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công chúng, giữ gìn trật tự đăng ký quản lý tổ chức xã hội, giúp dân chúng phân biệt các hội đoàn thật giả tránh bị mắc lừa, gây được hiệu quả xã hội rất tốt.

Trang web của Hiệp hội nghệ thuật gia...nhái

Trang web của Hiệp hội nghệ thuật gia...nhái

Phóng viên Tân Hoa xã qua điều tra rút ra kết luận: Mục đích chủ yếu của các hội đoàn này là kiếm tiền. Tuy bị thông báo đích danh, nhưng một số hội đoàn vẫn tiếp tục vận hành, tiếp tục thu hút hội viên để thu hội phí, tổ chức các hoạt động.

80% mang tên “Trung Quốc”

Trong 528 hội đoàn bị thông báo, có tới hơn 80% có từ “Trung Quốc” ở tên, còn lại là “Trung Hoa”, “toàn quốc”; thậm chí một số hội đoàn còn lấy luôn tên của các tổ chức xã hội chính thống được nhà nước công nhận như “Hiệp hội nhiếp ảnh gia Trung Quốc”, “Hội giáo dục cao đẳng Trung Quốc”, “Hiệp hội đầu tư Trung Quốc”…Những người cầm đầu lợi dụng sự lỏng lẻo trong chế độ quản lý đăng ký tổ chức, hội đoàn xã hội để thành lập nhằm kiếm chác, trục lợi.

Theo quy định, muốn lập các tổ chức, hội đoàn xã hội phải làm thủ tục đăng ký, xin phép cơ quan dân chính. Các tổ chức, đoàn thể xã hội muốn mang tên “Trung Quốc”, “Trung Hoa”, “toàn quốc” phải được Bộ Dân chính phê chuẩn, danh xưng các hội đoàn ở địa phương không được mang các tên có tính toàn quốc.

Tuy nhiên, theo ông Mã Khánh Ngọc- Phó chủ nhiệm Phòng nghiên cứu văn hóa xã hội Học viện Hành chính quốc gia, các hội đoàn dởm, nhái thường “giương cờ to, khoác lốt Hổ”, đặt tên thật kêu để người ta không phân biệt được thật giả, như: “Tổng hội công ích Trung Quốc”, “Hiệp hội chất lượng sản phẩm Trung Quốc”, "Hiệp hội bảo hành Trung Quốc”… 

Điểm khác cơ bản là các hội đoàn dởm, nhái này giở mọi chiêu trò để kết nạp hội viên, thu phí trái quy định. Các lĩnh vực văn nghệ, thực phẩm, y tế có nhiều hội đoàn kiểu này nhất, trong số 100 hội đoàn bị nêu tên trong đợt 4, có tới 56 hội đoàn văn nghệ.

Trong 203 tổ chức bị công bố đợt đầu cũng có nhiều hội đoàn văn hóa nghệ thuật nhất như: “Hội xúc tiến giao lưu thư họa gia Trung Quốc quốc tế”, “Hiệp hội Chu dịch Hoa hạ quốc tế”, “Hội nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Trung Quốc”, “Hiệp hội nghệ thuật gia Trung Quốc”, “Hiệp hội các nhà sưu tập Trung Quốc”, “Hiệp hội nhạc sĩ điện ảnh, truyền hình Trung Quốc”… 

Trang web chính thức của “Hiệp hội sản phẩm xa xỉ thế giới” đăng ký tên miền là www.wla.hk hiện đã không thể vào được, trang weibo trên mạng Sina cũng không được bổ sung từ ngày 7/3/2015. Hồi tháng 3/2016, Hiệp hội này đã bị Bộ Dân chính đưa vào danh sách hội đoàn dởm.

Phóng viên điều tra phát hiện, trong số 528 tổ chức hội đoàn đã bị nêu tên, vẫn có nhiều hội đoàn tiếp tục hoạt động. Ngày 5/5, phóng viên báo Bắc Kinh gọi điện tới “Hiệp hội nghệ thuật gia Trung Quốc” để tư vấn việc xin vào hội thì nhân viên trực trả lời:" Sau khi nộp đơn và tác phẩm đại diện, sau 1 tuần sẽ được phê chuẩn nhập hội. Hội chúng tôi đăng ký ở Hong Kong năm 2005, rất nổi tiếng trong giới, số hội viên đã lên tới gần 10 ngàn. Tuy bị nêu tên trong thông báo của Bộ Dân chính nhưng công tác của chúng tôi vẫn diễn ra bình thường”.

Thu hội phí, bán chức danh, giải thưởng

Rất nhiều hội đoàn chỉ cần nộp lệ phí là trở thành hội viên. Ví dụ “Hội nghiên cứu văn hoá truyền thống Trung Quốc” nếu nộp hội phí theo năm thì thu 120 tệ, nếu nộp 1.200 tệ thì sẽ trở thành hội viên suốt đời, nếu trên 60 tuổi thì mức phí là 900 tệ. Hội phí của “Hiệp hội nghệ thuật gia thư họa Trung Quốc” có mức 260 tệ/năm, mỗi năm được tham gia 1-2 hoạt động của hội. “Hiệp hội thư pháp gia Trung Quốc” thì chỉ có loại hội phí duy nhất là 1000 tệ cho hội viên suốt đời.

Một hội nhái có tên là “Hiệp hội văn nghệ Trung Quốc” tự giới thiệu có tới 1.200 hội viên là các nhà văn, thi nhân, thư pháp, mỹ thuật, nhiếp ảnh, hí kịch, âm nhạc trong cả nước cũng thu nạp hội viên qua việc nộp tiền. Một nhiếp ảnh gia từng tham gia hội đoàn nhái kể: Quy trình trở thành hội viên rất đơn giản, điền mẫu đơn xin gia nhập, nộp mấy chục tệ hoặc trăm tệ lệ phí cơ bản là xong.

Ông Tô, một nhà thư pháp Quảng Tây nói, mấy năm gần đây đã trở thành hội viên và hội phó cùa hơn 10 hội nghệ thuật thông qua hình thức nộp hội phí. Phóng viên kiểm tra thì thấy “Hội nghiên cứu thư họa Trung Quốc” mà ông Tô là hội viên suốt đời cũng có tên trong “danh sách đen”.

Hội xúc tiến phát triển xí nghiệp Trung Quốc cũng là một hội đoàn dởm bị nêu tên. Một nhân viên công tác của hội này giới thiệu:" Muốn trở thành ủy viên ban chấp hành thì nộp 50 ngàn tệ (175 triệu VND). Các vị giám đốc xí nghiệp đều có thể được giữ chức này, mỗi khóa 5 năm, được nhận phù hiệu, bảng tên chức vụ và Giấy chứng nhận. Nếu muốn trở thành ủy viên thường vụ, phó hội trưởng thì phải nộp nhiều tiền hơn."

Hí họa về nạn loạn hội đoàn dởm ở Trung Quốc

Hí họa về nạn loạn hội đoàn dởm ở Trung Quốc

Ông Lưu Sơn Bằng, Nghiên cứu viên Sở nghiên cứu chính trị Viện KHXH Trung Quốc cho rằng: Một số người và đơn vị sở dĩ muốn bỏ tiền tham gia các hội đoàn kiểu này là bị cuốn hút bởi các giải thưởng được trao. Ví dụ, nếu được nhận các giải “Thanh niên kiệt xuất”, “Người Hoa kiệt xuất”, “Người có sức ảnh hưởng nhất”…thì sẽ được nhiều người biết tới cũng như giá trị thương mại.

Ông Diêu, một người công tác lâu năm trong ngành truyền thông tình cờ quen một nhân viên của “Hội kỳ bào Trung Quốc”, người này hứa sẽ giúp ông góp vốn vào đây để kiếm tiền, nhưng trong thông báo của Bộ Dân chính đợt cuối tháng 3/2016 thấy có tên hội này.

“Đầu tiên họ gửi cho tôi các văn bản mời chiêu mộ hội viên đã ký sẵn để tôi lợi dụng cơ hội tiếp xúc, mời mọi người làm hội viên. Hội viên cấp thị phải nộp 200 ngàn tệ (700 triệu VND), cấp tỉnh thì 500 ngàn tệ, tôi được hưởng tỷ lệ chiết khấu 25%. Hội này còn “thầu” một số giải thưởng có tên rất kêu, nhưng thực tế đó đều là giải mua bán, chẳng hề có uy tín.

Thu bộn tiền qua tập huấn giao lưu

Tổ chức tập huấn và hoạt động giao lưu cũng là một thủ đoạn kiếm tiền chủ yếu. Một nhân viên của “Hiệp hội nghệ thuật gia Trung Quốc” từng bị thông báo nhưng nay vẫn tiếp tục hoạt động, nói:" Nếu lấy danh nghĩa hiệp hội tổ chức hoạt động thương mại thì phải nộp mấy chục ngàn tệ".

Theo ông Tô, ông gia nhập mấy hiệp hội cũng là để tổ chức các cuộc giao lưu thư pháp định kỳ hoặc không định kỳ hay đi du lịch. Tham gia hoạt động ngoài việc phải nộp hội phí ra, các khoản chi phí khác hội viên phải tự lo liệu. Mỗi lần hoạt động cá nhân phải chi 2-3 ngàn tệ, những hội viên đã nộp hội phí suốt đời thì ban tổ chức bố trí ăn ở, những người nộp theo kỳ thì phải thanh toán sau.

“Hiệp hội Phong thủy gia Trung Quốc” cũng nằm trong danh sách bị thông báo. Phóng viên gọi điện cho ông Cao, người phụ trách hiệp hội; ông ta nói: “Hiệp hội có nhiều đại sư trình độ rất cừ. Nếu ông muốn mời họ xem phong thủy thì mức phí dịch vụ ít nhất là 20 ngàn tệ (70 triệu VND) trở lên”.

Khéo bày trò để tống tiền trá hình

Một quan chức Bộ Dân chính nói:" các hội đoàn này dùng mọi thủ đoạn để kiếm tiền, không chỉ gây tổn thất kinh tế cho cá nhân mà còn làm hại đến lợi ích của nhiều doanh nghiệp". Có một số hội đoàn dởm lấy tên kiểu “Hiệp hội chất lượng..”, “Hội tín dụng…”…thường xuyên lấy hình thức đưa vào “danh sách đen” về chất lượng hoặc tín dụng để đe dọa, tống tiền, không nộp tiền sẽ làm cho mất mặt, hết đường làm ăn .

Một vị phụ trách xí nghiệp dân doanh ở An Huy cho phóng viên biết, mấy năm gần đây ông thường nhận được các phiếu bình chọn, thư mời của các tổ chức, hội đoàn gửi đến. Cá biệt hiệp hội còn kèm theo đe dọa “nếu không tham gia sẽ bị xem thường trong nghành và bị chèn ép trên thị trường "

Trong số các hội đoàn mới bị nêu tên có “Hiệp hội chất lượng sản phẩm Trung Quốc”. Trang web của Cục giám sát chất lượng Trung Quốc tỉnh Quảng Đông đăng tin: Cục này đã điều tra xử lý vụ một công ty ký hợp đồng đại lý nghiệp vụ với “Hiệp hội chất lượng sản phẩm Trung Quốc”.

Lãnh đạo công ty này cho biết họ bị hiệp hội kia mạo danh Cục Giám sát chất lượng gọi điện đến, yêu cầu nộp tiền để làm hồ sơ “Xí nghiệp uy tín chất lượng”. Hơn 50 xí nghiệp đã bị hiệp hội nọ lừa với mức lệ phí hàng ngàn tệ mỗi nơi...