Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các sở, ban, ngành; đại diện một số quận, huyện, thị xã cùng các nhà khoa học, đại diện làng nghề, nghệ nhân, nghệ sĩ, tổ dân phố…
|
Quang cảnh Hội thảo. |
Nhiều vấn đề cần nghiên cứu
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, Hà Nội đang lấy ý kiến cho các dự thảo xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa (CNVH) và khu phát triển thương mại – văn hóa để triển khai Luật Thủ đô (2024), nhằm tạo điều kiện phát triển Thủ đô.
Theo kế hoạch, tại kỳ họp thứ 4 của HĐND, Thành phố sẽ xem xét ban hành 2 nghị quyết này, tạo động lực phát triển Thủ đô trên nền tảng lấy văn hóa làm động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, cùng với cả nước, Hà Nội đang đứng trước yêu cầu phát triển, tăng trưởng 2 con số và cần phát triển hơn nữa trong những năm tới. Để đạt được tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh, Hà Nội cần phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế văn hóa trên tinh thần giữ gìn bản sắc và đổi mới sáng tạo.
"Việc phát triển công nghiệp văn hóa không mới, nhiều nước trong khu vực đã phát triển mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan... Tuy nhiên, với Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, việc phát triển công nghiệp văn hóa vẫn còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu để bảo đảm tính khả thi và thực tiễn cao.", đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
“Hy vọng Hà Nội sẽ có nhiều trung tâm CNVH để thu hút các tầng lớp, nhất là giới trẻ, tham gia vào các hoạt động sáng tạo ở nhiều lĩnh vực. Chúng ta sẽ thực hiện trên tinh thần không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn”, đồng chí Lê Hồng Sơn chia sẻ.
|
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì hội thảo. |
Tạo hành lang pháp lý phát triển
Tham gia đóng góp tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Lê Ngọc Anh cho rằng, việc phát triển CNVH (hay công nghiệp sáng tạo) đã và đang là xu hướng toàn cầu, một chiến lược phát triển quan trọng, toàn diện, bền vững, thu hút hợp tác quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh và đóng góp đáng kể vào GDP.
Luật Thủ đô (sửa đổi) có các nội dung thúc đẩy phát triển văn hóa, khơi dậy khát vọng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; khai thác hiệu quả lợi thế địa chính trị, địa kinh tế, điều kiện tự nhiên và nguồn lực phát triển; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Thăng Long - Hà Nội. Luật Thủ đô cũng cho phép Hà Nội phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa tại các bãi giữa, bãi nổi sông Hồng; chú trọng 5 loại hình không gian, trong đó có: Không gian văn hóa – sáng tạo (mở rộng không gian di tích lịch sử, không gian sáng tạo theo định hướng thành phố sáng tạo của UNESCO); không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh, bảo vệ không gian sông hồ, cảnh quan mặt nước).
Ông Lê Ngọc Anh đề xuất Hà Nội hoàn thiện cơ chế, chính sách (ưu đãi đất đai, quy hoạch đô thị, thuế…), tạo hành lang pháp lý phát triển các không gian sáng tạo và ngành CNVH có thế mạnh; chọn trọng tâm, hỗ trợ doanh nghiệp văn hóa - sáng tạo; đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ các trung tâm; đa dạng mô hình tổ chức công - tư; cập nhật quy hoạch phù hợp với định hướng CNVH.
|
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn kết luận tại hội nghị. |
Kinh nghiệm từ quốc tế
Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đưa ra nhiều mô hình phát triển CNVH từ các quốc gia, rút ra bài học cho Hà Nội. Ông Emmanuel Cerise – Trưởng đại diện vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội cho biết: Ở Pháp, quản lý văn hóa gắn với phát triển kinh tế. Hiện nay, ngành CNVH mang lại cho kinh tế Pháp khoảng 110 tỷ euro. Trên toàn EU, CNVH đứng thứ 3 sau Xây dựng và Kinh doanh nhà hàng - khách sạn. Lĩnh vực CNVH gồm nghệ thuật, quảng cáo, truyền hình, báo chí, điện ảnh, trò chơi điện tử...
Ông Cerise cho rằng Hà Nội có địa giới hành chính rộng, sức hút văn hóa lớn ở ngoại thành, có thể phát triển trung tâm CNVH hiệu quả. Hà Nội nên phát triển cả trung tâm do Nhà nước và tư nhân quản lý. Để phát huy các trung tâm CNVH, cần đầu tư hạ tầng giao thông, xây các tuyến buýt kết nối di sản, cung cấp tài liệu cho hành khách.
Từ kinh nghiệm tổ chức sự kiện văn hóa tại Pháp, ông Emmanuel Cerise đề xuất Hà Nội nên tổ chức sự kiện thường kỳ như Lễ hội Thiết kế Sáng tạo, hoạt động quảng bá di sản tại biệt thự 46 Hàng Bài. “Chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng Hà Nội trong bảo tồn, phát huy di sản và xây dựng trung tâm CNVH hiệu quả”, ông Emmanuel Cerise nói.
Là người tham gia xây dựng nhiều mô hình CNVH tại Hà Nội, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh chia sẻ tiêu chí xây dựng mô hình mới bên cạnh việc tái sử dụng công trình cũ. Theo ông Thanh, để hiệu quả, trung tâm CNVH nên có diện tích từ 1 - 5 ha, thu hút khoảng 60 - 80 gian hàng, đồng thời có không gian chung thiết kế thân thiện, gắn kết cộng đồng.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tham gia góp ý cho dự thảo Nghị quyết, trong đó đề nghị thành phố Hà Nội cần làm rõ hơn nữa nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH), đặc biệt là từ khối doanh nghiệp nước ngoài; xây dựng cơ chế cụ thể hơn về việc cho thuê tài sản công; cần bổ sung chính sách hỗ trợ các chủ thể sáng tạo trong hoạt động CNVH dựa trên không gian văn hóa, di sản văn hóa, gắn liền với cộng đồng...
Phát huy sự sáng tạo, đổi mới của khu vực tư nhân
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, việc phát triển CNVH là một trong những chủ trương quan trọng của Thành phố nhằm biến văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện hiện nay, Thành phố sẽ ưu tiên việc sử dụng lại các khu nhà máy, trụ sở, khu công nghiệp cũ để cải tạo, chuyển đổi công năng phục vụ phát triển văn hóa.
Bên cạnh đó, Thành phố đã ban hành Nghị quyết về liên doanh, liên kết, nhượng quyền… Đây là cơ sở để các đơn vị thúc đẩy phát triển CNVH theo hình thức này.
“Thành phố sẽ chủ trương đẩy mạnh hình thức hợp tác Công - Tư (đầu tư công, quản trị tư), phát huy sự sáng tạo, đổi mới của khu vực tư nhân”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn cho biết.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn lưu ý cần quan tâm đến quy hoạch chuyên ngành, tránh chồng chéo, để có thể huy động tối đa các nguồn lực cùng tham gia phát triển. Với vai trò định hướng, thành phố Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ về công nghệ, truyền thông, hợp tác quốc tế và phát triển thị trường. Việc phát triển trung tâm CNVH cần được thực hiện theo lộ trình với những bước đi phù hợp, chắc chắn...