Các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia không xảy ra tình trạng thiếu thuốc
Cụ thể, theo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia, đấu thầu tập trung quốc gia phần lớn (88/106 thuốc) đã có kết quả từ ngày 3/8/2022 và có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/9/2022 đến hết ngày 31/8/2024.
“Như vậy, kết quả đã được thực hiện hơn 1 năm và thời gian thực hiện còn gần 1 năm. Hơn nữa, Trung tâm chỉ tổ chức đấu thầu đối với các thuốc generic nhóm 1, nhóm 2 của 32 hoạt chất trong tổng số 1.226 hoạt chất thuộc danh mục thuốc đấu thầu. Vì vậy, phần lớn nhu cầu các thuốc phục vụ công tác điều trị được thực hiện bởi đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương hoặc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu”, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia thông tin.
Ngoài ra, đối với các thuốc đàm phán giá, đã có kết quả trúng thầu 64 thuốc biệt dược gốc được công bố 4 đợt và hiệu lực thực hiện thỏa thuận khung đợt 1 từ ngày 15/11/2022 đến ngày 14/11/2024, đợt 4 từ ngày 17/4/2023 đến ngày 16/4/2025.
Đàm phán giá là một hình thức đấu thầu có quy trình phức tạp, gặp rất nhiều khó khăn, không có quy định về thời gian phải công bố kết quả. Đồng thời, số lượng thuốc thuộc danh mục được áp dụng hình thức đàm phán giá rất lớn gồm 701 thuốc nên Trung tâm xây dựng kế hoạch và lộ trình phù hợp với điều kiện về thời gian của Hội đồng Đàm phán giá và số lượng nhân lực của cán bộ thực hiện công tác đàm phán giá (đã tăng từ 4 thuốc năm 2021 lên 64 thuốc cho 1 đợt đàm phán vào năm 2022).
Trong thời gian chưa có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán giá được công bố, các cơ sở y tế được tổ chức đấu thầu đảm bảo cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị theo quy định tại Điều 18 Thông tư 15/2019/TT-BYT.
Trung tâm luôn có văn bản thông báo về tiến độ công tác mua sắm tập trung và đề nghị các cơ sở y tế chủ động mua sắm thuốc phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh.
Liên quan đến tình hình cung ứng thuốc của nhà thầu, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia cho biết, đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia các nhà thầu cơ bản đáp ứng tiến độ cung ứng tới các cơ sở y tế trên cả nước. Một số trường hợp nhà thầu không cung ứng thuốc do cơ sở y tế chưa thực hiện việc thanh toán với các nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết, Trung tâm có văn bản đề nghị các cơ sở y tế nghiêm túc thực hiện theo nội dung Hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.
Đối với một số thuốc nhập khẩu cung ứng chậm do thiếu nguyên liệu trên toàn cầu bởi ảnh hưởng hậu dịch COVID-19 hoặc chưa được Cục Quản lý Dược xét duyệt đơn hàng nhập khẩu thuốc kiểm soát đặc biệt, Trung tâm đã yêu cầu nhà thầu tài trợ thuốc có tiêu chí kỹ thuật tương đương cho các cơ sở y tế trong thời gian chưa cung ứng được thuốc trúng thầu.
Đồng thời, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia khẳng định: “Đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia có kết quả trúng thầu đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo cung ứng đầy đủ tới các cơ sở y tế”.
Tình hình sử dụng thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia tương đối thấp
Cụ thể theo số liệu được cập nhật về giá trị thực hiện từ ngày 1/9/2022 đến hết ngày 30/6/2023 (thời gian thực hiện 10/24 tháng) của từng gói thầu, cụ thể như sau: Gói 1 (Miền Bắc): đạt 24,0 % (519,5 tỷ đồng/2.162,3 tỷ đồng); Gói 2 (Miền Trung): đạt 18,6 % (233,1 tỷ đồng/ 1.256,4 tỷ đồng); Gói 3 (Miền Nam): đạt 19,0 % (562,9 tỷ đồng/ 2.962,9 tỷ đồng);
Nguyên nhân chủ yếu các cơ sở y tế có báo cáo lại do thời điểm dự trù thuốc diễn ra trước dịch COVID-19 nên việc sử dụng thuốc, mô hình bệnh tật, số lượng bệnh nhân cơ bản có sự thay đổi sau đại dịch.
Đối với việc tình hình sử dụng thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia tương đối thấp, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã thực hiện giám sát trực tiếp tới các Sở Y tế, cơ sở y tế để tìm hiểu nguyên nhân cũng như đôn đốc việc sử dụng tối thiểu 80% số lượng thuốc các cơ sở y tế đã cam kết khi dự trù. Ngoài ra, khi giám sát Trung tâm đã tuyên truyền tới các cơ sở y tế về việc đảm bảo dự trù thuốc phù hợp với nhu cầu, không vượt quá lớn với nhu cầu thực tế.
Trong trường hợp các cơ sở y tế không sử dụng đúng tiến độ thuốc đã dự trù, Trung tâm, các Sở Y tế/Đơn vị mua sắm tập trung thuốc đã thực hiện chức năng điều tiết thuốc tới các cơ sở có nhu cầu để kịp thời đảm bảo cung ứng thuốc, tỷ lệ sử dụng thuốc hiệu quả.
Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia đã thường xuyên theo dõi thỏa thuận khung và hợp đồng để đôn đốc nhà thầu, cơ sở y tế thực hiện theo đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia còn thực hiện giám sát thường xuyên và đột xuất kho thuốc của các nhà thầu cung ứng, đảm bảo không để thiếu thuốc phục vụ kịp thời cho người bệnh. Thường xuyên nhắc nhở các cơ sở y tế sử dụng ít hoặc không sử dụng, đảm bảo sử dụng tối thiểu 80% khi hết hiệu lực thảo thuận khung.
Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia có chức năng tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia và là đơn vị thường trực của Hội đồng đàm phán giá thuốc - Bộ Y tế
Đối với công tác đấu thầu tập trung cấp Quốc gia, Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc Quốc gia chịu trách nhiệm tổ chức đấu thầu tập trung cấp Quốc gia đối với 2 loại Danh mục như sau:
Các thuốc generic nhóm 1, nhóm 2 của 50 thuốc nồng độ, hàm lượng khác nhau từ 32 hoạt chất (chưa chi tiết đến dạng bào chế) ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BYT ngày 10/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế (các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu đối với các thuốc generic nhóm 3,4,5 có cùng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng).
Các thuốc điều trị HIV-AIDS (thuốc ARV) nguồn quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế quy định Thông tư số 15/2020/TT-BYT theo đề xuất bằng văn bản của Cục phòng, chống HIV/AIDS theo quy định tại Thông tư số 22/2020/TT-BYT.
Đối với công tác đàm phán giá, Trung tâm là Đơn vị thường trực của Hội đồng đàm phán giá thuốc - Bộ Y tế có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và lộ trình đàm phán giá.
Danh mục các thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá bao gồm 701 thuốc, trong đó có 681 thuốc biệt dược gốc và 20 thuốc có từ 1-2 nhà sản xuất được ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BYT ngày 10/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế với 26 nhóm dược lý khác nhau.