Chạy theo các công trình dang dở để đào hiện vật vốn là chuyện “thường ngày” của ngành khảo cổ. Có công trình nào chủ động mời người đến khảo cổ? Mà có thì cũng lấy người đâu mà làm? Chuyện nghề của tiến sỹ họ Lâm cũng ẩn chứa tâm tư của những người từng đi khảo cổ ở những di tích chuẩn bị trùng tu.
Chúng tôi gặp PGS.TS. Lâm Mỹ Dung ngay ở hố khảo cổ giữa một nghĩa địa sắp bị di dời để xây khu đô thị mới. Nhóm khảo cổ gồm hơn 10 người, ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi. Máy bơm ầm ì không nghỉ, tranh thủ hút nước khỏi hố đào sau mấy ngày Hà Nội mưa liên tiếp. “Dưới lớp đất sâu của khu nghĩa địa này vốn rất nhiều mộ cổ nên cả nhóm phải tranh thủ đào, đem về được cái nào hay cái đó. Chứ về sau người ta xây nhà cao ốc lên trên, có giời mới đào lại được” - bà Dung nói với vẻ tiếc nuối.
Cách thức khai quật để trùng tu: “Có ai dạy đâu, toàn tự học”
Thưa bà, để trùng tu một di tích, người ta cũng phải đào hết lên như nhóm đang làm với khu nghĩa địa này ạ?
- Không. Nói thật lòng là đến nay khảo cổ vẫn chưa biết hoàn toàn cách đào để trùng tu. Vì có ai dạy cái đó đâu, toàn tự học. Nhưng cơ bản phải xác định được là trùng tu cái gì rồi mới tính. Bởi cách thức để khai quật trùng tu sẽ rất khác so với khai quật rồi mang hiện vật về như tôi đang làm với khu nghĩa địa này.
|
PGS. TS Lâm Mỹ Dung |
Nghĩa là như thế nào ạ?
- Ví dụ, trùng tu một cái tháp Chăm đã đổ, giờ chỉ thấy mỗi phần phía trên thôi. Nhưng tháp chăm bao giờ nó cũng có cả một khu với nhiều cấu trúc khác nhau. Bình thường, khảo cổ sẽ “lột trần” hết tất cả. Thế nhưng khai quật kiểu ấy ở công trình định trùng tu, mưa xuống, nước nó vào hố thì hỏng hết. Nếu mình định trùng tu, thì ngay từ đầu phải có cách bảo vệ hiện vật. Cái đó lại đi kèm rất nhiều thứ như tiền, thời gian, cách thức và sự phối hợp đồng điệu giữa các bên.
Chuyện “phối hợp đồng điệu giữa các bên” nghe có vẻ phức tạp quá?
- Thế này nhé! Ở bộ môn tôi có một giáo sư được mời đi đào một cái tháp ở Đà Nẵng với mục đích là chuẩn bị cho trùng tu. Thế nhưng, khi kết thúc chuyến khai quật, chúng tôi thấy ông có rất nhiều tâm tư lắm. Thông thường, khai quật xong, người trùng tu phải theo sau ngay lập tức để đảm bảo chất lượng hiện vật. Ấy thế mà khai quật xong để đấy, mãi về sau người đi trùng tu mới vào. Đến nơi, họ lại bảo “khai quật thế này là không ổn rồi”. Có nghĩa là sự kết hợp giữa mục đích của người trùng tu với phương pháp và mục tiêu khai quật khảo cổ học chưa hài hòa. Các nhà trùng tu mời mình đến khảo cổ phải yêu cầu mình khai quật thế nào, phần nào để lại, phần nào đào, các vật liệu và phương pháp sử dụng ra sao. Nhưng hiện giờ ở ta chưa có kiểu ấy!
Trùng tu đình chùa: Làm thế nào cũng được?
- Thưa bà, những di tích được khảo cổ còn như vậy, không biết các di tích bị tự ý trùng tu sẽ ra sao nữa.
Cái này phải chịu thôi. Hiện ở nước ta chỉ có một vài đơn vị có chuyên môn về trùng tu di tích và theo tôi biết thì vai trò của họ trong việc tu bổ cũng không nhiều. Giờ đình chùa mà muốn trùng tu lại do làng xã. Họ thích làm thế nào cũng được, các cụ bô lão trong làng thích hiệp thợ nào thì các cụ thuê hiệp thợ ấy. Cục Di sản thì cũng bị động trong việc nắm thông tin. Có khi họ làm xong rồi thì mới xuống. Như chuyện trùng tu thành nhà Mạc đấy, tiền đôi khi bỏ ra nhiều mà kết quả không bao nhiêu.
Bây giờ cả triết lý về trùng tu mình cũng không có. Có rất nhiều trường phái khác nhau về trùng tu, mỗi người áp dụng một kiểu. Người thì cứ phải khăng khăng giữ hoàn toàn cái cũ, ngay cả cho các vật liệu mới vào cũng không đồng ý. Nhưng như thế lại không thể làm được. Nói chung là về triết lý không có, phương pháp không có và mạnh ai người ấy làm. Cũng giống hệt các ngành khác thôi!
Đó là còn chưa kể đến việc khi tiến hành trùng tu, người ta mới tá hỏa khi phát hiện ra di chỉ bên dưới?
- Cái đó thì nhiều lắm! Bởi vì đáng ra trước khi làm anh phải khảo sát khảo cổ học, nhưng bây giờ thì ở lắm nơi người quản lý di tích thích làm gì thì làm.
Nhưng chẳng phải nhà nước đã có qui định đàng hoàng về trùng tu rồi đó ư?
- Ờ thì có qui định, nhưng tại sao vẫn xảy ra hiện tượng đó thì tôi chịu. Cái này còn phụ thuộc vào các mối quan hệ phức tạp lắm. Như chuyện bộ môn Khảo cổ học đưa sinh viên đi khai quật năm vừa rồi đây này. Đã làm xong giấy tờ, có giấy phép khai quật hết rồi, nhưng địa điểm ấy lại nằm trong khuôn viên của một ngôi chùa. Chẳng hiểu thế nào mà khi cả đoàn vừa đến nơi, giám đốc sở đã báo là không cho đào nữa, thế là phải chuyển một địa điểm khác đấy.
Sinh viên ngành khảo cổ “mờ mịt” về khai quật trùng tu
Xem ra giới khảo cổ đã ít người, lại còn gặp nhiều chuyện khó khăn quá!
- Đúng là khó đủ đằng. Hiện nay đào tạo Khảo cổ học ở Việt Nam phần lớn cũng chỉ đào tạo về giai đoạn tiền sơ sử là chính, chứ giai đoạn khảo cổ học lịch sử, áp dụng cho trùng tu di tích rất tốt, thì ít lắm. Mà cũng chưa có ai là chuyên gia, cũng như chưa có giáo trình, chương trình tử tế để dạy về khai quật trùng tu cho sinh viên. Đó là chưa kể đến việc đào tạo đại học hiện nay cứ tham vọng cho sinh viên học thật nhiều thứ để biết rộng, rốt cuộc chuyên sâu lại không biết.
Thứ nữa là hiện nay các em chọn khối C rất ít nên ngành khảo cổ không nhiều lựa chọn. Khó nữa là khi vào được khoa Sử rồi thì chẳng mấy em chọn khảo cổ. Vì nó khổ, nó vất vả quá. Thậm chí, có phụ huynh cũng không cho con vào ngành này chỉ chuyện “tâm linh”, sợ đào mồ, đào mả. Kết quả là ngành khảo cổ không có người để chọn, nghĩa là tình trạng “cơm chấm cơm” mà sống thôi.
Công tác trùng tu: Đừng nhân danh quá khứ...
Giả dụ mấy trăm năm sau có nhà khảo cổ đào đến tầng văn hóa thuộc giai đoạn hiện nay. Nếu là nhà khảo cổ ấy, bà sẽ đánh giá về thời đại này như thế nào?
- Là “quân hồi vô phèng”. Qua đó cũng hiểu được nền văn hóa bây giờ là văn hóa trọc phú. Trong lịch sử Việt Nam, chẳng hạn như thời nhà Mạc, nhà Nguyễn cũng từng có một vài đoạn như thế đấy. Về sau mình mà đào cái Bái Đính lên, thì rõ ràng sẽ thấy đây là công trình của một người có nhiều tiền nhưng chẳng biết cái gì chẳng hạn. Tôi chỉ có một thông điệp là đừng có nhân danh quá khứ để làm những điều linh tinh. Vì di sản “vật thể” phán ảnh rất nhiều phần “phi vật thể” bên trong đấy!
Cảm ơn bà về những trao đổi rất thẳng thắn!
Điệp Trần (thực hiện)