Trường Đại học Luật, Đại học Huế: 10 năm xây dựng và khẳng định thương hiệu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Mười năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã vươn lên trở thành một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu pháp lý uy tín của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Lễ công bố Quyết định thành lập Trường Đại học Luật, Đại học Huế (năm 2015).
Lễ công bố Quyết định thành lập Trường Đại học Luật, Đại học Huế (năm 2015).

Bước trưởng thành

Trường Đại học Luật, Đại học Huế tiền thân là Luật khoa thuộc Viện Đại học Huế thành lập năm 1957. Năm 1990, Tổ Bộ môn Pháp lý thuộc Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học Huế) được thành lập; đến năm 2000, Khoa Luật thuộc Trường Đại học Khoa học được thành lập trên cơ sở Tổ Bộ môn Pháp lý.

Năm 2009, Khoa Luật trực thuộc Đại học Huế được thành lập trên cơ sở tách từ Khoa Luật thuộc Trường Đại học Khoa học. Ngày 03/3/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 274/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Luật, Đại học Huế. Kể từ đây, Trường trở thành một trong những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học pháp lý chuyên sâu, có uy tín ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Trường Đại học Luật không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, cung cấp dịch vụ pháp lý, tư vấn chính sách nhằm hướng đến mục tiêu trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học, trung tâm nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ về lĩnh vực pháp luật của quốc gia.

Trường hiện có đội ngũ cán bộ quản lý với năng lực và chuyên môn cao, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Nhà trường cũng tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn tại các cơ sở đào tạo danh tiếng trong và ngoài nước. Nhờ đó, chất lượng của đội ngũ cán bộ, nhất là giảng viên được nâng lên rõ rệt.

Năm 2015, tổng số cán bộ, giảng viên cơ hữu của Trường là 71 người, trong đó có 02 Phó Giáo sư, 12 Tiến sĩ, 48 Thạc sĩ và 11 Cử nhân; đến tháng 9/2024, số cán bộ, giảng viên đã tăng lên 171 người, trong đó có 05 Phó Giáo sư; 39 Tiến sĩ; 113 Thạc sĩ và 15 Cử nhân.

Nhiều giảng viên của Trường đã học tập và nghiên cứu tại các nước tiên tiến trên thế giới, có khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo để làm việc trực tiếp với các chuyên gia nước ngoài. Từ đó đưa Trường Đại học Luật, Đại học Huế trở thành mô hình để các cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước tham quan, trao đổi kinh nghiệm.

Mở rộng tầm nhìn, nâng cao vị thế

Với truyền thống gần 70 năm đào tạo trình độ đại học ngành Luật và hơn 15 năm đào tạo sau đại học, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đã cấp bằng Đại học cho hàng ngàn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Hàng năm, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm luôn đạt trên 90%.

Tập thể cán bộ, viên chức, lao động Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

Tập thể cán bộ, viên chức, lao động Trường Đại học Luật, Đại học Huế.

Hiện nay, Trường đào tạo đa cấp bậc, bao gồm: 01 chương trình đào tạo Tiến sĩ ngành Luật Kinh tế; 02 chương trình đào tạo Thạc sĩ (ngành Luật Kinh tế và ngành Lý luận và Lịch sử Nhà nước và Pháp luật; 02 chương trình đào tạo đại học là Luật và Luật Kinh tế. Đặc biệt, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, phù hợp với xu thế hội nhập, từ đầu năm 2022, Trường đã xây dựng 02 chương trình đào tạo song ngữ Việt - Anh đối với ngành Luật và Luật Kinh tế; đồng thời, Trường đang triển khai xây dựng chương trình đào tạo đại học theo định hướng ứng dụng để áp dụng thí điểm trong năm học 2025 - 2026. Trong quá trình đào tạo, Trường chú trọng thiết lập hệ thống kết nối với các công ty, tổ chức nước ngoài, tạo điều kiện để sinh viên, học viên tham gia thực tập, trải nghiệm thực tế trong các lĩnh vực trọng tài thương mại quốc tế, hành nghề luật sư, tranh tụng quốc tế...

Đến nay, 100% chương trình đào tạo trình độ đại học của Trường đã được công nhận đạt chuẩn theo quy định tại Thông tư 04/2016 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Song song với hoạt động đào tạo và nghiên cứu, Trường Đại học Luật, Đại học Huế còn chủ động tìm kiếm, mở rộng việc liên kết với các doanh nghiệp để giới thiệu việc làm cho sinh viên ngay khi tốt nghiệp. Nhà trường đã thiết lập mạng lưới hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức, văn phòng luật sư, doanh nghiệp trong và ngoài nước để tổ chức các chương trình thực tập, tọa đàm nghề nghiệp, ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp... giúp sinh viên tiếp cận môi trường làm việc thực tế ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Từ đó, giúp sinh viên có được sự định hướng, chuẩn bị cần thiết về nghề nghiệp trước khi tham gia thị trường lao động.

Bên cạnh đó, công tác khuyến học cũng được nhà trường đặc biệt quan tâm. Hàng nghìn suất học bổng ý nghĩa đã được trao tặng cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đây không chỉ là sự ghi nhận, mà còn là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm động lực để các em tiếp tục nỗ lực chinh phục tri thức.

Ngoài việc đào tạo chính quy, Trường còn tổ chức các hình thức giáo dục thường xuyên như: đại học văn bằng hai; đại học vừa học, vừa làm; liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học tại trường và các cơ sở liên kết; mở các lớp đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng cấp chứng chỉ... Bên cạnh đó, Trường còn tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho nước bạn Lào. Năm 2020 - 2022, Trường đã đào tạo và cấp bằng cho 157 sinh viên, góp phần quan trọng cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào.

Trong giai đoạn 2015 - 2024, Trường đã tổ chức 09 hội thảo khoa học cấp quốc gia, 05 hội thảo khoa học cấp quốc tế và đón 17 đoàn chuyên gia nước ngoài từ Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan, Estonia... đến tham gia hội thảo, giảng dạy, trao đổi chuyên môn với cán bộ giảng viên và người học của Trường.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Trường đã thực hiện 309 đề tài khoa học các cấp, công bố 1.231 bài báo trên các tạp chí quốc tế và tạp chí trong nước được Hội đồng Giáo sư Nhà nước tính điểm, trong đó có 50 bài báo thuộc danh mục Wos/Scopus; xuất bản 104 cuốn sách (giáo trình, sách chuyên khảo, sách tham khảo, tài liệu học tập).

Hiện nay, Trường Đại học Luật, Đại học Huế đang đảm nhận vai trò “Chủ tịch Mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam (Vietnamese Law School Network) nhiệm kỳ 2024 - 2027” và được Tổ chức Times Higher Education (THE) xếp hạng ngành Luật của Trường Đại học Luật, Đại học Huế vào bảng xếp hạng (nhóm 601+) thuộc nhóm Khoa học xã hội; Kinh doanh - Kinh tế. Trường phấn đấu đến năm 2030 trở thành trường đại học tự chủ toàn diện, khẳng định thương hiệu trong top đầu đào tạo luật ở Việt Nam.

Với những thành tích đã đạt được, Trường vinh dự nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Đại học Huế... trong nhiều năm liền.

Trong dịp kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập, Trường Đại học Luật vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng. Đây là nguồn động viên, khích lệ để tập thể nhà trường không ngừng phấn đấu, viết tiếp những trang sử đáng tự hào.

Phát huy những thành quả đã đạt được, đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động Trường Đại học Luật Huế tiếp tục đoàn kết tạo nên sức mạnh, quyết tâm trở thành một trong những cơ sở giáo dục đại học uy tín, thương hiệu quốc tế, có vị thế trong và ngoài nước - đây chính là sứ mệnh của nhà trường để góp phần phục vụ trực tiếp cho sự phát triển của đất nước.

Đọc thêm