Học sinh vùng Làng Nủ đã trở lại trường
Bà Dương Bích Nguyệt - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cho biết: Tính đến ngày 13/9, có 35 em học sinh của tỉnh thiệt mạng và mất tích, 15 em học sinh bị thương do bão lũ. Số nhân viên, giáo viên toàn ngành Giáo dục Lào Cai bị ảnh hưởng do bão số 3 cần được hỗ trợ là trên 600 hộ gia đình (nhà bị sập, bị ngập nước, sạt lở đất…). Riêng huyện Bảo Yên có 410 gia đình, có 3 giáo viên thuộc Phòng GD&ĐT thị xã Sa Pa bị thương tích phải nhập viện.
Chia sẻ về những mất mát, thiệt hại nặng nề, ông Bùi Minh Tuân - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bảo Yên cho biết: Có 25 học sinh của huyện thiệt mạng do mưa lũ, trong đó 23 em từ thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh. 410 gia đình giáo viên chịu thiệt hại do mưa lũ.
Những ngày qua, các lực lượng chức năng của tỉnh Lào Cai, huyện Bảo Yên và lực lượng sinh viên tình nguyện tích cực cùng các trường học dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau bão số 3 để sớm ổn định việc học tập. Tuy nhiên, theo ông Bùi Minh Tuân, do học sinh, giáo viên chịu ảnh hưởng nặng nề, trường học khó khăn, giao thông chia cắt giữa các khu vực nên dự kiến mới có 30 trường học của huyện Bảo Yên cho học sinh đi học trở lại từ ngày 16/9, 43 trường học còn lại dự kiến sẽ tổ chức học tập cho học sinh từ ngày 23/9.
HS khu trường Làng Nủ đã đi học trở lại từ ngày 16.9. (Ảnh: HT) |
“Rất đau xót. Chúng tôi đang cố gắng làm tốt công tác ổn định tâm lý cho giáo viên, phụ huynh, bảo đảm không ảnh hưởng tỷ lệ chuyên cần. Dự kiến ngày 23/9 toàn bộ học sinh của huyện đi học. Chúng tôi cũng đã tính toán để bảo đảm không ảnh hưởng tới kế hoạch chương trình năm học”, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bảo Yên Bùi Minh Tuân chia sẻ.
Chia sẻ sâu sắc với mất mát, thiệt hại vô cùng to lớn không thể khắc phục trong “ngày một, ngày hai” của các thầy, cô giáo, các em học sinh tỉnh Lào Cai, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Chi đồng thời gửi lời thăm hỏi, chia sẻ, động viên của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tới các thầy, cô giáo, các em học sinh và ngành Giáo dục Lào Cai.
Trước cùng lúc nhiều việc cần phải làm để khắc hậu quả sau lũ, Thứ trưởng mong muốn và lưu ý ngành Giáo dục Lào Cai quan tâm đầu tiên tới việc ổn định tinh thần, tư tưởng, động viên tinh thần học sinh, giáo viên, phụ huynh. Tiếp theo là khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương để huy động lực lượng chức năng, các lực lượng tình nguyện dọn dẹp trường lớp sau lũ, nước rút đến đâu làm ngay tới đó, tránh để lâu việc dọn dẹp càng khó khăn hơn.
Với việc chuẩn bị tái thiết dạy và học, Thứ trưởng nhấn mạnh “điều quan trọng trước hết là an toàn”. “Cố gắng hết mức để sớm trở lại dạy và học nhưng sẽ không cố khi giáo viên, học sinh không bảo đảm đủ điều kiện an toàn. Những nơi chưa an toàn chưa cho học sinh đi học”, Thứ trưởng lưu ý. Đồng thời cho rằng, dù bão lũ đã qua nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mưa giông, sạt lở nên cần nhắc nhở, giáo dục học sinh đến nơi an toàn.
2 giáo viên, 8 học sinh Yên Bái thiệt mạng do bão lũ
Cơn bão số 3 gây ra mưa lớn, ngập úng, sạt lở đất, ảnh hưởng lớn đến các cơ sở giáo dục, gia đình cán bộ, giáo viên và học sinh Yên Bái. Theo thông tin của Sở GD&ĐT Yên Bái, có 2 giáo viên, 8 học sinh của tỉnh Yên Bái thiệt mạng, 2 học sinh bị thương do mưa bão. Có 28 cơ sở giáo dục bị ngập lụt đã dọn dẹp, khắc phục xong; 37 cơ sở giáo dục bị sạt lở. Bên cạnh đó, còn một số trường, điểm trường bị sạt lở đất với khối lượng ít, các trường đã chủ động huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh để khắc phục. Thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy - học, sách vở ước tính ban đầu khoảng 45 tỷ đồng. Số học sinh bị mất/hỏng sách giáo khoa, đồ dùng học tập ước khoảng 22.787, trong đó khối phòng GD&ĐT là 19.193, khối THPT là 3.594. Dự kiến kinh phí khoảng 11,5 tỷ đồng.
Sân trường ngập bùn đất tại Trường THCS số 1 Phố Ràng ( Lào Cai). |
Trao đổi về công tác khắc phục hậu quả bão số 3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh cho biết: Ngay sau khi nước rút tỉnh Yên Bái đã huy động tối đa lực lượng trên địa bàn tỉnh và lực lượng hỗ trợ với số lượng khoảng 104.000 người để khắc phục bão lũ. Hiện đa số các trường bị ngập lụt đã huy động, phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành để dọn dẹp vệ sinh, về cơ bản đã sạch sẽ. Tuy nhiên, việc dọn dẹp, vệ sinh ở một số trường thuộc thành phố Yên Bái gặp nhiều khó khăn do mất điện, thiếu nguồn nước, thiếu các thiết bị chuyên dụng. Nhiều trường bị sạt taluy, sụt lún công trình, sạt lở tường rào chưa được khắc phục, hiện các trường đã báo cáo chính quyền, các cấp quản lý để đánh giá và có phương án xử lý.
Từ sáng ngày 13/9, Yên Bái có 152/442 trường từ mầm non đến phổ thông tổ chức đón học sinh đến trường và tổ chức các hoạt động giáo dục, đạt 35%. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh thông tin, trường nào rất nặng dự kiến sẽ cho học sinh đi học từ ngày 18/9.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đã tới thăm hỏi, động viên học sinh, giáo viên và các lực lượng đang hỗ trợ khắc phục hậu quả sau bão số 3 của Trường THPT Lý Thường Kiệt, Trường Mầm non Hoa Lan, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học. Đây là 3 trường học tại địa bàn thành phố Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt bão lũ vừa qua. Việc khắc phục hậu quả được tích cực thực hiện với sự tham gia của các lực lượng công an, quân đội, thầy, cô giáo, phụ huynh, các em học sinh. Tại Trường Mầm non Hoa Lan, một nhóm người dân tỉnh Vĩnh Phúc đã mang theo đầy đủ thiết bị để hỗ trợ nhà trường dọn dẹp sau lũ. Trường Mầm non Hoa Lan đã sẵn sàng đón trẻ mầm non trở lại trường vào ngày 16/9.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, ngay trong đêm lũ bắt đầu tràn về, các thầy, cô giáo đã được huy động để vận chuyển bàn ghế, trang thiết bị, hồ sơ, sổ sách lên tầng cao. Nhờ sự chủ động này mà mặc dù lũ ngập gần hết tầng 1, song những thiệt hại đã được giảm thiểu đáng kể. Với khối lượng bùn đất quá lớn, tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, công tác dọn dẹp, khắc phục vẫn còn nhiều việc phải làm, song nhà trường cũng đang nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các lực lượng chức năng, sự tham gia của giáo viên, học sinh, phụ huynh để trong thời gian sớm nhất đưa hoạt động dạy học trở lại bình thường.
Chia sẻ với những thiệt hại, tổn thất nặng nề của Yên Bái, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cũng gửi lời chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người thân thiệt mạng do mưa lũ, đặc biệt là gia đình học sinh, giáo viên. Thứ trưởng cũng lưu ý với ngành Giáo dục địa phương về việc tập trung ổn định tinh thần, tư tưởng cho học sinh, giáo viên, phụ huynh; về việc tổng hợp thiệt hại đầy đủ, chính xác để có các đề nghị giải pháp khắc phục. Trong bối cảnh thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, theo Thứ trưởng, xa hơn cần tăng cường hơn nữa giáo dục phòng, chống thiên tai, tích hợp vào các môn học để học sinh, giáo viên nâng cao khả năng ứng phó.
Tại Lào Cai và Yên Bái, Bộ GD&ĐT đều đã trao hỗ trợ cho ngành Giáo dục mỗi tỉnh số tiền 1 tỷ đồng. Hỗ trợ cho gia đình học sinh thiệt mạng và mất tích mỗi trường hợp 10 triệu đồng, học sinh bị thương mỗi em 2 triệu đồng, học sinh bị thương và mất người thân hỗ trợ 5 triệu đồng, giáo viên bị thương hỗ trợ 5 triệu đồng, hỗ trợ cho gia đình giáo viên thiệt mạng mỗi trường hợp 30 triệu đồng…
Theo báo cáo của các địa phương, đến ngày 14/9, có 52 học sinh, trẻ em bị tử vong, 3 học sinh bị mất tích, 8 học sinh bị thương; 3 giáo viên tử vong, 1 giáo viên mất tích. Do mưa to và gió lớn nên nhiều cơ sở giáo dục ở các tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía Bắc và Đông Bắc Bộ bị ngập nước sâu, phòng học bị tốc mái, nhiều công trình bị sập, đổ, vỡ kính; thiết bị dạy học, đồ dùng học tập của học sinh bị nước cuốn trôi, ướt hỏng.
Theo báo cáo ban đầu, nhiều trường bị ngập nước sâu, rất nhiều máy tính, thiết bị phòng học bộ môn, bàn ghế học sinh bị hư hỏng nặng, khó khắc phục, sửa chữa. Ở nhiều tỉnh/thành phố, sách giáo khoa của học sinh bị cuốn trôi hoặc hư hỏng, không thể sử dụng được. Theo thống kê mới nhất, riêng tỉnh Yên Bái, có gần 20 nghìn học sinh bị mất, hỏng sách giáo khoa và kinh phí cần có để mua sách giáo khoa ước tính trên 9 tỷ đồng.
Theo báo cáo từ 23/27 tỉnh, thành phố, nước đang rút dần và các cơ sở giáo dục huy động toàn bộ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh học sinh, lực lượng quân đội, công an địa phương dọn dẹp, vệ sinh, khử trùng trường lớp để tổ chức dạy học lại từ thứ Hai ngày 16/9/2024. Tuy nhiên, còn 99 trường/điểm trường ở 6 tỉnh vẫn chưa thể dạy học do nước chưa rút hết, gồm có: Lào Cai (83 trường/điểm trường), Cao Bằng (1 trường), Bắc Kạn (3 trường), Tuyên Quang (1 trường), Yên Bái (3 trường), Bắc Giang (8 trường).
Tại Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3, kết quả ban đầu ngành Giáo dục tiếp nhận được hơn 8 tỷ đồng tiền mặt và 3,5 tỷ đồng bằng hiện vật (dụng cụ học tập, vở viết).
Bộ GD&ĐT đã họp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF Việt Nam) và các tổ chức quốc tế: Tổ chức Cứu trợ trẻ em, Plan International, Tổ chức Hành động vì giáo dục (AEA)… Các tổ chức cam kết vận động để hỗ trợ ngành Giáo dục tối thiểu 4,05 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ thực phẩm đồ uống, sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho học sinh. Đồng thời, Bộ GD&ĐT kêu gọi NXB Giáo dục và các NXB hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh vùng bão lũ, sạt lở…