Trường học tại Bạc Liêu đạt chuẩn quốc gia vượt chỉ tiêu đề ra

(PLVN) - Tính đến cuối tháng 5/2024, toàn tỉnh Bạc Liêu có 233/266 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 87,59%.

Theo đó, tính đến cuối tháng 5/2024, tỉnh Bạc Liêu có 283 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, với 4.788 nhóm. Trong đó, Giáo dục mầm non có 83 trường với 915 nhóm, lớp, gồm 109 nhóm trẻ, 806 lớp mẫu giáo.

Giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh có 193 trường gồm 110 trường tiểu học, 59 trường Trung học Cơ sở, 4 trường phổ thông cơ sở, 20 trường Trung học Phổ thông với 3.830 lớp từ cấp tiểu học đến Trung học Phổ thông. Giáo dục thường xuyên có 7 trung tâm với 43 lớp Trung học Phổ thông.

Ông Bùi Tấn Bảy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 3 tập thể.

Bà Lâm Thị Sang - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu cho biết: Trong năm học vừa qua, sự nghiệp giáo dục của tỉnh đã có sự phát triển ổn định, đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của ngành đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Mạng lưới cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục được sắp xếp, bố trí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, vừa đáp ứng với yêu cầu đổi mới của ngành.

Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục được các địa phương quan tâm thực hiện, đạt tỷ lệ khá cao, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Qua đó, phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia của tỉnh. Đặc biệt, số lượng, chất lượng giải tại các kỳ thi được nâng lên. Kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2024 có 18 học sinh đoạt giải, tăng 14 giải so với năm 2023; thi tốt nghiệp THPT năm 2024, toàn tỉnh có 99,97% học sinh đỗ tốt nghiệp. Tính đến cuối tháng 5/2024, toàn tỉnh có 233/266 trường mầm non, phổ thông công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 87,59%.

Tuy nhiên, trước thềm năm học 2024-2025, ngành Giáo dục tỉnh còn thiếu hơn 1.200 giáo viên so với biên chế được giao. Cụ thể, ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu được giao 8.321 biên chế nhưng hiện mới sử dụng 7.077 biên chế. Số giáo viên hiện có còn thiếu so với biên chế được giao là 1.244 người.

“Nguyên nhân thiếu giáo viên ở các địa bàn là do quy mô học sinh tại các bậc học ngày càng mở rộng, kéo theo nhu cầu giáo viên cũng tăng lên” - Lãnh Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu nhận định.

Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, ông Ngô Vũ Thăng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu trao danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” cho 6 cá nhân của ngành Giáo dục tỉnh.

Ông Ngô Vũ Thăng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng: Bên cạnh những kết quả đạt được, sự nghiệp giáo dục của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và không ít khó khăn, cần được tiếp tục quan tâm chấn chỉnh, khắc phục. Trong đó, số trường có quy mô nhỏ còn khá nhiều, nhất là cấp học mầm non; tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường còn thấp so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chất lượng và hiệu quả phát triển giáo dục chưa đồng đều giữa các địa phương; giáo dục mũi nhọn còn thấp so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, số lượng, chất lượng giải học sinh giỏi quốc gia tuy có tăng nhưng vẫn còn hạn chế.

“Để tiếp tục duy trì, giữ vững những thành quả đạt được và khắc phục những khó khăn, tồn tại, trong năm học mới 2024-2025, ngành Giáo dục tập trung thực hiện tốt việc đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” ngành Giáo dục giai đoạn 2020 – 2025 bảo đảm thiết thực, hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị.

Tỉnh Bạc Liêu cũng đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đồng thời, tỉnh Bạc Liêu thực hiện tốt các chính sách và có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là học sinh người dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em được đến trường học tập. Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng có nhiều đồng bào dân tộc.

Đọc thêm