Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam
Các tuyệt phẩm khải hoàn, bản tráng ca giải phóng rộn ràng niềm vui mở hội mà người dân Việt Nam rất đỗi yêu thích được vang lên khắp các tỉnh, thành, nhất là vào những dịp kỷ niệm các ngày chiến thắng oanh liệt, vĩ đại của một dân tộc được thế giới vô cùng ngưỡng mộ. Các chiến công thần kỳ của quân và dân ta khiến các nhạc sĩ tràn đầy niềm xúc cảm sáng tác những tuyệt phẩm bất hủ.
Bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên được người dân Việt Nam yêu mến với tiết tấu ngắn gọn và lời ca trong sáng như bầu trời ngày mùa xuân chiến thắng vang dài theo năm tháng, thành tiếng reo của cả dân tộc.
Đúng 17 giờ ngày 30/4/1975, sau bản tin thông báo miền Nam hoàn toàn giải phóng, lần đầu tiên trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi khắp mọi miền Tổ quốc bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. “Không chỉ tôi mà mọi người có mặt trong phòng phát âm Đài Tiếng nói Việt Nam hôm đó đều sững sờ và òa lên khóc” - theo nhạc sĩ Cao Việt Bách, chưa từng có bài hát nào mà khi trình bày cả dàn nhạc hoà tấu và ca sĩ đều bật khóc vì xúc động sâu xa và hạnh phúc lớn lao như vậy. Nhạc sĩ Phạm Tuyên bồi hồi nhớ lại: “Khi nghe bài hát thu thanh lại trên đài, tôi tưởng như nghe bài hát của ai chứ không phải của mình nữa. Mình chẳng qua chỉ là người chắp bút thôi. Lời ca, giai điệu đến rất tự nhiên. Chợt nghĩ, trong giờ phút lịch sử, nếu mình không viết thì nhất định người khác cũng sẽ viết những lời ca, giai điệu ấy”.
Giai điệu bài hát “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà như bay lên trong ngày vui của cả nước, tạo nên một bức tranh sống động và lung linh sắc màu khi Bắc - Nam sum họp: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay, rộn ràng và mê say, những bước chân dồn về đây”. Ý nhạc trong đoạn một đầy gợi mở và cũng khẳng định: “Ôi hạnh phúc vô biên, hát nữa đi em những lời yêu thương”. Đó là điều ai cũng mong muốn khi non sông sạch bóng quân thù. Nét nhạc ấy như tô thêm lời nhắn nhủ cộng đồng hãy yêu thương nhau hơn. Những câu nhạc tiếp theo đã vượt qua nỗi xúc động trào dâng không hát được nên lời. Nhạc sĩ Hoàng Hà kể rằng: “Tôi viết “Đất nước trọn niềm vui” trong đúng một đêm (26/4/1975) tại căn nhà ở Yên Phụ, gần Hồ Tây, Hà Nội. Khi ấy, cảm xúc cao trào, bỗng bật ra giọng hò Đồng Tháp của chị văn công giải phóng năm nào cứ vút cao đưa tâm hồn tôi bay lên, say trong không gian của non sông anh hùng ngày hoàn toàn giải phóng!”. Nhạc sĩ Hoàng Hà viết ca khúc lịch sử này khi ông chưa đặt chân vào Sài Gòn. Nhiều người vẫn nghĩ rằng nhạc sĩ đã có mặt tại Sài Gòn trong những ngày đầu sôi động ấy. Nhưng nhạc sĩ Hoàng Hà chia sẻ, như lời bài ca “Ta muốn bay lên say ngắm sông núi bao la” khi ấy tôi ở Hà Nội và muốn được bay lên thực để vào ngay với miền Nam, để nhìn khắp núi sông trong niềm tự hào khôn tả. Ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” đã được ca sĩ Trung Kiên thu thanh ngay vào chiều 30/4/1975 và lan tỏa trên làn sóng phát thanh.
Còn vào lúc 11h30 phút 30/4/1975, khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Quân giải phóng không điều kiện, thì trên Đài Phát thanh Sài Gòn, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát trực tiếp ca khúc “Nối vòng tay lớn” của mình và kêu gọi mọi người Việt Nam xích lại bên nhau cùng xây tương lai đất nước. Cùng với nhịp điệu rộn ràng, vui tươi và tràn đầy khí thế, “Nối vòng tay lớn” đã thể hiện cảm xúc tự hào, niềm hy vọng về một ngày mai non sông thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà. “Rừng núi dang tay nối lại biển xa/Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/Mặt đất bao la, anh em ta về/Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam”…
|
Cả đoàn người vang giai điệu 'Tiến về Sài Gòn, giải phóng thành đô. (Ảnh tư liệu) |
Tinh thần của Trịnh Công Sơn gửi gắm trong bài hát chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt: dù trong hoàn cảnh nào, người dân Việt cũng khát khao đoàn kết, kề vai sát cánh bên nhau để cùng kiến tạo một quốc gia độc lập, hòa bình, hạnh phúc.
Thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói
Cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) là hầu như khắp nơi trên đất nước ta lại vang lên bài hát “Tiến về Sài Gòn” của nhạc sĩ Huỳnh Minh Siêng - một bút danh khác của nhạc sĩ nổi tiếng Lưu Hữu Phước với những âm điệu cực kỳ hào sảng khiến lòng người vô cùng náo nức, phấn khích với những lời ca giàu sức biểu cảm: “Nơi thành đô trong ánh điện quang, tiếng nấc nghẹn câu cười/Khu nhà tranh năm cánh ngoại ô rên xiết đêm ngày/Quê nhà ta đau đớn lầm than sao bóp nghẹt tim người/Sài Gòn ơi! Ta đã về đây, ta đã về đây!”.
Trưa 30/4/1975, khi trên Đài Sài Gòn mới lúc trước còn phát những bài hát sướt mướt, nỉ non thì liền sau đó là lời Đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống chế độ Việt Nam cộng hòa khi đó - tuyên bố đầu hàng quân Giải phóng vô điều kiện. Và khi tiếng viên tướng này vừa dứt thì ngay lập tức vang lên âm điệu hùng tráng, hào sảng của bài hát “Tiến về Sài Gòn” qua giọng hát của Quang Hưng. Thật đúng lúc. “Tiến về Sài Gòn” vang lên vô cùng ý nghĩa. Người dân cả Sài Gòn đổ hết ra đường đón mừng chiến thắng. Bài hát được phát đi phát lại nhiều lần khiến nhiều người dân đã thuộc.
Còn trong ca khúc “Giải phóng miền Nam” của nhạc sĩ Lê Hữu Phước thể hiện ý chí thống nhất đất nước, toàn dân dưới sự lãnh đạo duy nhất của Ðảng, bài hát có câu: “Vai sánh vai, chung một bóng cờ”. Ðiệp khúc của bài hát là những câu đầy hình ảnh, phản ánh sự tin tưởng tuyệt đối của Nhân dân miền Nam vào chiến thắng cuối cùng bằng câu: Vận nước đã đến rồi bình minh chiếu khắp nơi, Nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời... “Giải phóng Miền Nam” được chọn làm quốc ca của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Giai điệu hùng mạnh, sục sôi khí thế, tiết tấu hành khúc vững chắc mà tràn đầy hứng khởi, nói lên những khát vọng nung nấu trong tim hàng triệu người Việt Nam khi ấy đã khiến bài hát "Giải phóng miền Nam" có mặt khắp nơi trong mọi sinh hoạt tập thể của quân và dân ta. Có lẽ không chỉ những người chiến sĩ trực tiếp cầm súng trên chiến trường trong cuộc chiến tranh trường chinh của dân tộc, mà Nhân dân cả nước hơn lúc nào hết đều mong muốn được cống hiến cho Tổ quốc vì "Vận nước đã đến rồi, bình minh chiếu khắp nơi, nguyện xây non nước sáng tươi muôn đời". Và "Giải phóng miền Nam" khi đó đã trở thành lời hiệu triệu của cách mạng Việt Nam, là niềm tin sắt đá và tinh thần lạc quan cách mạng của Nhân dân miền Nam anh hùng.
|
Mùa Xuân năm 1975 là mùa Xuân đáng nhớ nhất trong lịch sử dân tộc, mùa Xuân thống nhất đất nước, mùa Xuân của sum họp của toàn thể Nhân dân hai miền đất nước sau bao năm chờ đợi. Một niềm vui khôn xiết tuôn trào nhân ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” nhân ngày giải phóng chính là mùa xuân đẹp nhất của Nhân dân hai miền đất nước.
Với nhạc sĩ Xuân Hồng, một người miền Nam, ông đã viết nên nhiều ca khúc cách mạng nổi tiếng, nhưng có lẽ “Mùa xuân trên Thành phố Hồ Chí Minh” mới thực sự là đỉnh cao trong các sáng tác của ông. Bài hát được ông sáng tác năm 1975 khi 5 cánh quân giải phóng hiên ngang tiến về Sài Gòn, lật đổ chính quyền Sài Gòn, một trang sử mới của dân tộc được mở ra. “Thành phố Hồ Chí Minh quê ta, đã viết nên thiên anh hùng ca/Thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói, lưu danh đến muôn đời”…
Những ca khúc của dòng nhạc cách mạng không chỉ phản ánh đúng về con người Việt Nam trong chiến tranh, hòa bình mà còn phản ánh đúng sự thật chính nghĩa và phi nghĩa, làm trong sáng, mạnh mẽ cho tâm hồn con người, để xây dựng nên bằng biểu tượng âm nhạc những con người biết rõ cảm xúc thẩm mĩ cao đẹp và danh dự làm người, có chất thép trong tâm hồn cùng với những tình cảm cao cả và sâu sắc.
Sau hàng chục năm, các tuyệt phẩm khải hoàn vẫn luôn tràn sức sống. Những khúc tráng ca mang lại cho người nghe một cảm giác lạc quan tin tưởng, rực cháy tinh thần cách mạng, hạnh phúc khó tả. Càng nghe, thính giả càng thêm yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc. Các tuyệt phẩm ấy bất tử trong lòng Nhân dân Việt Nam.