Truy bắt băng cướp giả danh công an chấn động Quảng Nam

(PLO) -  Cũng từ đây, núi non hiểm trở đã trở thành địa bàn béo bở cho tướng cướp Nguyễn Thanh Hiền (còn gọi Thanh “sứt”, SN 1970, quê ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Lực lượng công an Quảng Nam đã mưu trí, dũng cảm bắt gọn từng tên trong băng cướp táo tợn này.
 
Đại tác Huỳnh Đức Cường kể lại chuyên án
Đại tác Huỳnh Đức Cường kể lại chuyên án
Vào những năm 1998-1999, huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) được mệnh danh là “xứ sở vàng” với hàng trăm bãi khai thác vàng trái phép và hàng ngàn người trên cả nước ngày đêm kéo về để tìm giấc mơ đổi đời.
Băng cướp bịt mặt
Ngày 24/12/1998, tại thôn 7, xã Phước Thành (huyện Phước Sơn) đã xảy ra một vụ cướp kinh hoàng. Lúc đó khoảng 2h sáng, khi vợ chồng anh Nguyễn Bút, chủ một lán trại đào đãi vàng và một số công nhân của mình đang chìm sâu trong giấc ngủ thì 4 tên cướp xuất hiện và xông vào lán trại. Tất cả bọn chúng đều bịt mặt, trên tay lăm le súng K54 và những thanh kiếm sáng loáng. 
Mọi người choàng tỉnh rồi rơi vào trạng thái hoảng sợ. 2 tên cướp hùng hổ nhất tiến đến nơi vợ chồng anh Bút ngủ rồi lôi họ ra ngoài và bắt nằm úp mặt xuống đất. Sau khi lấy gần 20 triệu đồng, bọn chúng bỏ đi.
Trước đó, cũng tại thôn 7, giữa khuya, lán anh Phúc đã bị bọn một băng cướp bịt mặt đột nhập vào và khống chế cướp tài sản trị giá 30 triệu đồng; lán khai thác vàng của anh Nguyễn Hữu Toàn cũng bị cướp với tổng trị giá 40 triệu đồng; vợ chồng anh Hà Ngọc Anh cùng một số người cõng chuyến (cõng hàng hóa lên bán trên các bãi vàng) cũng bị bọn cướp khống chế lấy tổng cộng tiền, vàng gần 10 triệu đồng.
Không chỉ đêm hôm khuya khoắt, mà ngay cả giữa ban ngày ban mặt, một số người cũng bị bọn cướp táo tợn tấn công. 
Nhận thấy đây là băng cướp hết sức liều lĩnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam mà trực tiếp là Thượng tá Phan Như Thạch, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát Hình sự, Phòng Cảnh sát điều tra phối hợp với Công an huyện Phước Sơn tiến hành triệt phá băng cướp. 
Chuyên án C889
Trên cơ sở những tài liệu ban đầu thu thập được, ngày 14/4/1999, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã xác lập chuyên án mang bí số C889 do Thượng tá Phan Như Thạch, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam làm trưởng Ban chỉ đạo chuyên án.
Sau nhiều ngày sàng lọc thông tin, Ban chuyên án đã xác định, băng cướp “giả công an” gây ra hàng loạt vụ cướp kinh hoàng tại các lán trại đào đãi vàng là băng cướp của Thanh “sứt”. Thanh “sứt” tên thật là Nguyễn Văn Hiền, SN 1970, có nguyên quán tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Năm 1996, Hiền bị Công an tỉnh Đắk Nông ra quyết định truy nã về tội “Cướp tài sản”.
Để trốn tránh pháp luật, Nguyễn Văn Hiền đổi tên thành Nguyễn Văn Thanh, biệt danh Thanh “sứt”. Trốn khỏi địa phương, lợi dụng các bãi vàng ở Phước Sơn phức tạp, Thanh “sứt” đã ẩn nấp ở đây và thành lập băng cướp gồm 8 tên, hầu hết đều là những kẻ có tiền án tiền sự.
Nguyễn Văn Hiền (Thanh "Sứt")
 Nguyễn Văn Hiền (Thanh "Sứt")
Khi vừa thu thập được danh sách các đối tượng trong băng cướp thì huyện Phước Sơn tăng cường truy quét những người đào đãi vàng trái phép nên các tên cầm đầu của băng cướp đã rời khỏi bãi vàng.
Quyết không để tội phạm lọt lưới, Ban chuyên án đã chia làm 3 mũi công tác. Sau 1 tuần triển khai, ngày 6/5/1999, mũi công tác thứ nhất đã bắt được Hoàng Văn Điệp (SN 1957, trú tại Giao Thủy, Nam Định). Điệp khai nhận y cùng các tên Thanh “sứt”, Tiên “râu”, Bắc “phò”, Lanh “nghiện”, Hiển “bụi” và Tình đã gây ra các vụ cướp tại Phước Sơn đầu tháng 3/1999.
Trong lúc đó, mũi công tác thứ hai nhận được thông tin những tên cầm đầu băng cướp đã lên trú tại một bãi khai thác đá sa-phia ở Đăk Nông. Tại Đăk Nông bấy giờ có 5 bãi khai thác đá sa-phia, hầu hết các bãi đều do các tên nghiện thuốc phiện, các tên có lệnh truy nã... vào khai thác, bởi vậy việc xâm nhập nắm tình hình rất khó khăn và dễ bị lộ.
Trước tình hình đó, Ban chuyên án cử Trung tá Huỳnh Đức Cường, Phó phòng Cảnh sát điều tra trực tiếp vào Đăk Nông để chỉ đạo thực hiện truy bắt các tên cầm đầu trong băng cướp bịt mặt.
Dụ “cọp” rời hang
Ngay trong đêm 7/5/1999, Trung tá Cường có mặt tại Đăk Nông. Sau hàng giờ đi bằng xe thồ, cuốc bộ vượt hàng chục km đường rừng, các điều tra viên cũng đến nơi. Để tránh bị lộ, các điều tra viên đã đóng nhiều vai, từ người buôn bán đến kẻ thất nghiệp muốn vào bãi xin làm công nhân khai thác đá. Rồi họ phải nói giọng Bắc để dễ xâm nhập vào hang ổ bọn cướp...
Qua nắm tình hình, kết hợp với việc nghiên cứu hồ sơ, Ban chuyên án đã xây dựng được cơ sở bí mật là người cùng tham gia trộm cắp chung vụ với Thanh “sứt” trước đây. Với lý do tìm nơi để mở quán, cơ sở bí mật đã xâm nhập vào bãi đá sa-phia mà Thanh “sứt” và đồng bọn không hề nghi ngờ. 
Trong khi đó, Trung tá Cường cùng các điều tra viên vào vai những người khai thác đá sa-phia dọc suối. Qua đó những người “khai thác đá” làm quen, thân thiện với các chủ quán, những người buôn bán ma túy để khai thác thông tin các đối tượng cần tìm.
Hàng đêm, Trung tá Cường phải vượt trên 20km đường rừng để trở ra thị trấn Gia Nghĩa nghe báo cáo và chỉ đạo cơ sở bí mật tiếp tục nắm tình hình của băng cướp. Sau 4 ngày đêm hết sức vất vã, Ban chuyên án xác định được các tên cướp đang làm nhiệm vụ bảo kê cho Tiến “tày”, một chủ bán thuốc phiện tại bãi đá sa-phia số 3. Điều mà các điều tra viên lo ngại nhất là Thanh “sứt” không khi nào rời khỏi khẩu súng K54.
Để bảo đảm an toàn cho lực lượng phá án, Trung tá Cường quyết định dùng kế “dụ cọp rời hang”. Trung tá Cường chỉ đạo cho cơ sở bí mật dẫn dụ Thanh “sứt” ra thị trấn Gia Nghĩa ngủ lại đêm để bắt và thu súng, sau đó tiếp tục vây bắt các tên còn lại tại lán Tiến “tày”.
Như kế hoạch, cơ sở bí mật đã lôi kéo được Thanh “sứt” ra Gia Nghĩa chơi. Tuy nhiên đêm đó, khi các phương án phục bắt đã sẵn sàng thì bỗng dưng Thanh “sứt” lại thay đổi ý định, cương quyết vào lại bãi đá sa-phia để ngủ.
Biết Thanh “sứt” rất ranh mãnh, khó có thể dụ y ra lần nữa nên Trung tá Cường quyết định vây bắt bọn cướp tại ngay lán của Tiến “tày”. Qua nắm thông tin, khoảng 7h hàng ngày, băng nhóm Thanh “sứt” thường hay tụ tập tại lán của Tiến “tày” để hít thuốc phiện. Nhưng dù là khi phê thuốc, bọn chúng cũng luôn kè kè bên mình 2 khẩu súng cùng nhiều dao, kiếm.
Trong khi đó, ngoài bọn Thanh “sứt”, còn khá nhiều các đối tượng hình sự và nghiện hút xung quanh. Việc bắt sống Thanh “sứt” và đồng bọn tại đây rất nguy hiểm đến tính mạng của lực lượng công an. Tuy nhiên, Trung tá Cường và các trinh sát không vì thế mà bỏ cuộc.
Khoảng gần 8h30 sáng, Trung tá Cường và một số đồng đội đóng giả dân nghiện đến lán của Tiến “tày” mua thuốc về dùng để điều nghiên địa hình và nắm bắt tình hình. Ngày hôm sau, Trung tá Cường ôm khẩu K59 bò lên triền đồi rồi bí mật bò xuống, còn đồng đội thì giả khai thác, làm rẫy ở khu vực lán Tiến “tày” để tiếp cận vây bắt. 
Thế nhưng lúc bấy giờ, tại lán của Tiến “tày” rất đông con nghiện nên các điều tra viên khó xác định được tên nào trong băng cướp. Vì thế, kế hoạch bắt băng cướp bịt mặt lần thứ hai lại không thành.
Vào hang bắt “cọp”
Qua hai lần bắt cướp không thành, các điều tra viên bí mật tiếp cận quan sát từng tên ra vào lán Tiến “tày” và đã phát hiện người có đặc điểm giống tên Tiên “râu” từ lán Tiến “tày” về một lán ở đầu dòng suối được che trong bụi rậm, cách lán Tiến “tày” khoảng 50m. Ban chuyên án nhận định, đó là lán mà Thanh “sứt” và đồng bọn trú ngụ.
Đúng 5h sáng 11/5/1999, lực lượng phá án cắt rừng tìm đến đầu nguồn dòng suối và tiếp tục lần theo suối tiến dần xuống nơi ẩn nấp của chúng. Bí mật đột nhập vào lán kiểm tra thì phát hiện chỉ có 3 người lạ là “lính mới” của Thanh “sứt”. 
Các trinh sát, điều tra viên trong vai phu vàng, người cõng chuyến để phá án.
 Các trinh sát, điều tra viên trong vai phu vàng, người cõng chuyến để
phá án.
Lực lượng phá án tiếp tục bí mật bò đến lán Tiến “tày”. Trung tá Cường bí mật bò vào quan sát bên trong lán. Nhìn qua một lượt nhóm người đang ngồi quanh bàn đèn hít thuốc phiện, Trung tá Cường đã nhận ra Tiên “râu”, Bắc “phò”, Tiến “tày”...
Vừa ra hiệu lệnh cho đồng đội xông vào, Trung tá Cường nhanh chóng rút súng K59 lên đạn và hô to dõng dạc, đanh thép: “Tất cả ngồi im! Công an đây! Tất cả đã bị vây bắt! Khôn hồn thì đầu hàng đi!”. Trung tá Cường vừa dứt lời thì các điều tra viên bên ngoài ập vào, nhanh như sóc bắt những tên đang mải phê thuốc. 
Liền lúc đó, các tên chưa bị còng tay lao ra phía trước lán, đồng loạt đứng lên chống trả công an. Thanh “sứt” cầm súng K54 lao ra trước chạy trốn. Tiến “tày” lao theo về phía sau bên trái của lán. Trung tá Cường nổ súng khiến Tiến “tày” trúng đạn bị thương. Trung tá Cường quay ngay súng lại khống chế buộc các tên Bắc “phò”, Tiên “râu”, Lanh “nghiện” đứng im và ra lệnh cho đồng đội tiếp tục còng tay bọn chúng!
Nói về Thanh “sứt”, sau khi thoát chết tại lán Tiến “tày”, Thanh “sứt” vẫn không từ bỏ hành động phạm tội. Ngay sau đó y tiếp tục câu kết với tên Chiến, Sơn gây ra vụ cướp tại Nhân Cơ, huyện Đăk Lrấp (Đăk Nông), bị công an xã phát hiện đuổi bắt nhưng chúng đã dùng súng bắn trả rồi tẩu thoát.
Qua hơn 3 tháng điều tra, Ban chuyên án đã truy bắt toàn bộ băng cướp 14 tên. Qua đấu tranh, chúng khai nhận đã gây ra 26 vụ cướp tài sản công dân với trị giá khoảng 300 triệu đồng. Riêng Nguyễn Văn Hiền (tức Thanh “sứt”) đã cùng đồng bọn thực hiện 17 vụ cướp và 1 vụ trộm cắp, tổng giá trị trên 196 triệu đồng. 
Ngày 14/8/2002, TAND tỉnh Quảng Nam đã tuyên phạt Nguyễn Văn Hiền (Thanh “sứt”) 20 năm tù, Cao Văn Hiển (Hiển “bụi”) 20 năm tù về các tội “Cướp tài sản” và “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, 12 tên còn lại lĩnh mỗi tên từ 5 năm đến 14 năm tù./.

Đọc thêm