Truy lùng nguồn gốc “chất tạo nạc” trên toàn quốc

Sau vụ phát hiện và thu giữ 7,5 tấn nghi là chất tạo nạc dùng trong chăn nuôi tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, các lực lượng chức năng đang ráo riết truy lùng độc chất này trên phạm vi cả nước.

Sau vụ phát hiện và thu giữ 7,5 tấn nghi là chất tạo nạc dùng trong chăn nuôi tại huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, các lực lượng chức năng đang ráo riết truy lùng độc chất này trên phạm vi cả nước.

Chất tạo nạc bị cấm dùng trong chăn nuôi được phát hiện tại Đồng Nai hôm 12/3. (Ảnh: Báo Đồng Nai)
Chất tạo nạc bị cấm dùng trong chăn nuôi được phát hiện tại Đồng Nai hôm 12/3. (Ảnh: Báo Đồng Nai)

Vừa qua, đoàn công tác có sự tham gia của Cục Chăn nuôi và Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) đã lấy mẫu  thức ăn chăn nuôi (TĂCN), mẫu thịt, gan lợn để kiểm tra chất cấm tại 15 tỉnh miền Bắc và Duyên hải Nam Trung bộ, từ Bắc Giang đến Quang Nam, kết hợp với kết quả phân tích của tỉnh Quảng Ninh và Hà Nam. Trong khi đó, Cục Chăn nuôi phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai tiếp tục kiểm soát tình hình sử dụng chất cấm, xử lý các vi phạm và sẽ có báo cáo tổng gửi Thủ tướng Chính phủ.

Trong tháng 3/2012 Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT đã ban hành 550 quyết định xử lý vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt là 760 triệu đồng. Thanh tra Bộ đã giao Thanh tra Sở NN&PTNT TP.Hồ Chí Minh xác minh và xử lý vi phạm 1 công ty sản xuất thuốc thú y không có danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam. Bộ NN&PTNT cũng cho biết vừa ban hành Thông tư 66, hiệu lực từ 1/7/2012 để siết chặt quản lý thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Theo đó tất cả các lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam đều phải kiểm tra chất lượng để ngăn ngừa chất cấm.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Khi Đồng Nai có vấn đề chất cấm, bộ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, huy động 9 phòng thí nghiệm có đủ điều kiện phân tích chất cấm. Tình hình đến nay cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, kiến nghị tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm soát từ các khâu nhập khẩu, chăn nuôi”.

 Trong khi đó, TS.Trần Việt Hùng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cũng cho rằng, kiểm soát chất tạo nạc, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng yêu cầu thường xuyên. Đặc biệt, các cơ quan chức năng phải kiểm soát chặt khâu nhập khẩu và có cơ chế để truy xuất nguồn gốc của những sản phẩm thịt bị phát hiện có chứa chất tạo nạc trên thị trường.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ông Cao Đức Phát:

Truy xuất nguồn gốc chất cấm, xử lý nghiêm theo pháp luật

Thông qua việc phân tích chúng ta đã truy xuất nguồn gốc và xử lý một số cơ sở chăn nuôi, kinh doanh thức ăn có sử dụng chất cấm cùng sự ủng hộ mạnh mẽ của cơ quan truyền thông, vào cuộc của Bộ, ngành địa phương, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã có giảm hơn.

Tuy nhiên những con số đó cho thấy việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là có và có lúc nghiêm trọng. Bên cạnh việc giám sát sử dụng chất cấm, tăng cường giám sát và quản lí cơ sở giết mổ, giám sát nông sản xuất nhập khẩu, truy xuất nguồn gốc.

Đặc biệt chú ý sử dụng kết quả kiểm tra xét nghiệm để truy xuất nguồn gốc tìm ra nơi, cơ sở, cá nhân, tổ chức có vi phạm, cửa hàng kinh doanh thuốc thú y có bán chất cấm, xử lý nghiêm theo quy định của luật pháp.
 

Ngày 11/4, đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ NN&PTNT đã niêm phong 7,5 tấn bột nghi là chất tạo nạc dùng trong chăn nuôi tại huyện Mỹ Hào, Hưng Yên.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, tất cả bao bì của lô hàng nói trên đều thể hiện bằng tiếng Anh, nhãn phụ bằng tiếng Việt ghi rất sơ sài “chất tăng trọng, kích thích heo”.

Tuy nhiên, điều đáng nói, theo ông Dũng, những bao bì này tương đồng với bao bì chứa chất tạo nạc mà Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an vừa phát hiện ở TP.HCM trước đó. Do vậy, đoàn kiểm tra đã tạm thời thu giữ, lấy mẫu gửi phân tích. Ông Dũng cho biết, kết quả phân tích sẽ có sau khoảng 1 tuần nữa.

Trước đó, Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với cơ quan chức năng TP.HCM đã kiểm tra và phát hiện Công ty TNHH Oni (316/3 hương lộ 80, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) sản xuất và kinh doanh thức ăn tạo nạc cho heo. Tại đây, đoàn kiểm tra đã ghi nhận có khoảng 1 tấn bột trên bao bì ghi là chất kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi.

Trước đó, như PLVN đã đưa, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) cảnh báo, tình trạng sử dụng chất tạo nạc (Beta-agonist) hiện đáng báo động, cần phải xử lý triệt để tận gốc các cơ sở chăn nuôi vi phạm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người sử dụng.

Theo ông Hùng, tại các vùng ven TP.HCM như Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi có trên 20 tiệm thuốc thú y bán loại chất siêu tăng trọng. Các khu vực khác như Dĩ An (Bình Dương); Biên Hòa, Trảng Bom (Đồng Nai) cũng có gần 30 cửa hàng bán các loại chất cấm này. Đây là chất được sản xuất tại Trung Quốc, không mùi, không màu.

Tại TP.HCM và các tỉnh lân cận có hơn 10 đường dây, đầu nậu quy mô lớn, có hệ thống lấy hàng theo các chuyến xe tải chở về các tỉnh phía Nam và bỏ sỉ cho các cửa hàng bán thuốc thú y. Chất tạo nạc nguyên chất bán trên thị trường với giá 20-25 triệu đồng/kg, nhưng sau đó các đầu nậu thường pha trộn với nhiều loại thuốc khác để bán giá 500.000 – 1,2 triệu đồng/kg. Nếu heo nuôi theo cách thông thường thì phải sau 4 tháng mới xuất chuồng, nhưng khi có “thần dược” thì chỉ nuôi khoảng hơn 3 tháng.

Tuấn Ngọc

Đọc thêm