Đơn cử khoảng 18h45 ngày 7-11, Phòng Cảnh sát PCCC số 8, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội nhận được thông tin báo cháy từ địa bàn phường Tam Trinh, quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã xuất xe và CBCS đến làm nhiệm vụ. Nhưng khi có mặt tại hiện trường, lực lượng chữa cháy mới biết không có vụ cháy nào xảy ra.
Theo anh Nguyễn Văn Mạnh, trú tại phường Tam Trinh: “Khi nghe tiếng xe báo cháy chạy đến, chúng tôi cứ nghĩ là cháy thật nên chạy ra xem. Một số CBCS của lực lượng chữa cháy tìm hỏi người dân, rồi mới biết ai đó nghịch ngợm, dùng sim rác gọi báo cháy giả”.
Số điện thoại 114 là số miễn phí để người dân gọi đến thông tin về các vụ cháy. Bất kể vùng miền, thời gian và tính chất, mọi người dân đều có thể gọi đến số điện thoại 114 để được yêu cầu lực lượng PCCC cứu chữa kịp thời nếu không may xảy ra hỏa hoạn. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người dân vì thiếu hiểu biết pháp luật, vì muốn trêu đùa hay thậm chí cố tình quấy rối đã gọi đến số 114 để báo cháy giả, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Trong khi đó, theo quy định, mọi thông tin báo về đều được tiếp nhận và tùy thuộc tính chất vụ việc, đơn vị nghiệp vụ sẽ khẩn trương huy động lực lượng, nghiêm túc triển khai thực hiện việc chữa cháy.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm chỉ huy thông tin Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội đã nhận được khoảng gần 40 vụ báo cháy giả, gây thiệt hại về tài sản cho Nhà nước, gây hoang mang cho người dân. Trước vấn đề này, Cảnh sát PCCC đã có biện pháp truy tìm những số điện thoại báo cháy giả để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, do nhiều trường hợp sử dụng sim rác nên gây khó khăn cho việc điều tra, ngăn chặn.
Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát PC&CC số 2 cho biết, riêng đơn vị nhận được 10 tin báo cháy và CNCH giả. “Đa số các vụ này CBCS của chúng tôi đều đi ban đêm, nhưng đến nơi chỉ là báo cháy giả”, Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.
Điển hình gần đây, khoảng 0h55 ngày 10-12, đơn vị nhận được thông tin từ Trung tâm chỉ huy thông tin có vụ CNCH tại ngõ 94, Ngọc Khánh (Ba Đình). Ngay sau đó, đơn vị xuất 2 xe (xe chữa cháy và xe CNCH) đến hiện trường. Vào thời điểm này, ngõ đêm khuya vắng, không bóng người. Xác minh tại địa điểm CNCH thì không có tình huống nào, khi liên lạc với người báo CNCH nhưng chỉ có chuông điện thoại không ai nhấc máy.
Ngày 3-11, khoảng 8h sáng, đơn vị nhận được tin báo cháy nhà dân tại Láng Hạ, quận Đống Đa. Khi xuất 2 xe chữa cháy đến nhưng không có cháy, liên lạc với người dân đã báo thì thuê báo không liên lạc được…
Cũng theo Trung tâm chỉ huy thông tin Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội, ngoài ra có nhiều người gọi điện đến nhưng không phải để báo cháy mà hỏi những câu vu vơ như: Anh tên gì?, Đang làm gì đấy?, Ăn cơm chưa? hoặc Anh ơi, cháy rồi?…
Sự việc báo cháy giả xảy ra phản ánh một thực tế nhận thức về pháp luật PCCC nói chung và quy trình hoạt động chữa cháy của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nói riêng của một bộ phận người dân còn rất hạn chế. Hoặc có sự nhận thức nhất định nhưng còn mơ hồ, thậm chí coi thường các quy định của pháp luật, coi việc báo tin cháy giả như là trò đùa vô hại, không tính đến hậu quả khôn lường.
|
Xe chữa cháy đến hiện trường nhưng chỉ là báo cháy giả. |
Tại Điều 40, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình, vi phạm quy định về thông tin báo cháy sẽ bị xử phạt như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi không thay thế phương tiện, thiết bị thông tin báo cháy hỏng hoặc mất tác dụng.
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a)Không có hiệu lệnh, thiết bị thông tin báo cháy theo quy định; b)Báo cháy chậm, không kịp thời; báo cháy không đầy đủ.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a)Báo cháy giả; b)Không báo cháy hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy; c)Đơn vị cung cấp dịch vụ thông tin không kịp thời khắc phục những hỏng hóc đối với thiết bị tiếp nhận thông tin báo cháy của cơ quan Cảnh sát PCCC khi đã có yêu cầu bằng văn bản. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.