Theo VOV, 5 bị can bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” gồm: Phan Thị Dung (trú tại tỉnh Bình Phước), Nguyễn Thị Thanh Loan, Nguyễn Xuân Bảo (cùng trú tại huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông), Lê Thị Hồng Thơ và Trần Văn Tuấn (cùng trú tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông).
Ngày 15-17/4/2018 Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện tại cơ sở thu mua nông sản của Nguyễn Thị Thanh Loan đang dùng dung dịch hỗn hợp nước và pin để ngâm, tẩm, nhuộm đen phế phẩm cà phê.
Lực lượng chức năng đã niêm phong 21 tấn phế phẩm cà phê đã tẩm nhuộm cùng 40 lít dung dịch, 35kg pin bị đập dẹp, gần 2 tạ lõi, nắp và vỏ pin.
Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng xác định: cuối năm 2015, Phan Thị Dung, chủ một cơ sở kinh doanh nông sản ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước liên hệ với Lê Thị Hồng Thơ (ở xã Nâm N’jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) tìm mua tạp chất, trộn vào hồ tiêu để bán kiếm lời.
Sau khi thỏa thuận, Thơ đã liên hệ với Nguyễn Thị Thanh Loan và Nguyễn Xuân Bảo (trú tại xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông) để đặt hàng theo yêu cầu của Dung.
Bảo và Loan nghĩ ra cách trộn phế phẩm cà phê với dung dịch bột pin, sấy khô và sàng lọc lấy thành phẩm có kích cỡ giống hạt hồ tiêu rồi đóng thành bao bì để bán cho Dung thông qua Thơ.
Ngày 22/4/2018, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ tại cơ sở của Dung 9 tấn tạp chất cà phê có chứa than pin. Kết quả giám định có 18,34% tạp chất, trong đó có bột pin chứa mangan dioxit; kẽm clorua; amoni clorua… là các chất bị cấm trong thực phẩm.
Kết quả điều tra của VKSND tỉnh Đắk Nông cho thấy, trong 3 năm, Loan và Bảo đã xuất bán khoảng 300 tấn hỗn hợp phế phẩm cà phê trộn với dung dịch bột pin, với giá từ 9.000-12.000 đồng/kg, trong đó Thơ hưởng chênh lệch từ 1.000- 3.000đồng/kg tùy thời điểm.