Trong số 14 bị can, có 13 bị can bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 220, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
13 bị can này bao gồm Nguyễn Bắc Son (sinh năm 1953, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Trương Minh Tuấn (sinh năm 1960, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Phạm Đình Trọng (sinh năm 1970, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông), Võ Văn Mạnh (sinh năm 1976, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX), Hoàng Duy Quang (sinh năm 1983, thẩm định viên Công ty Trách nhiệm hữu hạn tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX), Lê Nam Trà (sinh năm 1961, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone), Cao Duy Hải (sinh năm 1961, nguyên Tổng Giám đốc MobiFone), Phan Thị Hoa Mai (sinh năm 1966, Thành viên Hội đồng thành viên MobiFone) cùng năm Phó Tổng Giám đốc MobiFone gồm Phạm Thị Phương Anh (sinh năm 1975), Hồ Tuấn (sinh năm 1965), Nguyễn Đăng Nguyên (sinh năm 1976, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chức vụ Tổng Giám đốc MobiFone), Nguyễn Bảo Long (sinh năm 1972), Nguyễn Mạnh Hùng (sinh năm 1969).
Riêng bị can Phạm Nhật Vũ (sinh năm 1973, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG) bị truy tố về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ngoài ra, bốn bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Cao Duy Hải, Lê Nam Trà còn bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố thêm tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354, khoản 4 - Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong số 14 bị can, có 8 bị can bị tạm giam; 6 bị can được tại ngoại, trong đó có 1 bị can được bảo lãnh (bị can Phạm Thị Phương Anh), 5 bị can bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Chỉ đạo quyết liệt MobiFone phải mua cổ phần của AVG
Theo cáo trạng, năm 2015, MobiFone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỷ đồng, thuộc dự án nhóm A - thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại MobiFone có trách nhiệm chỉ đạo MobiFone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau tại MobiFone, Bộ Thông tin và Truyền thông, Công ty thẩm định giá AMAX đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG; thẩm định giá; sử dụng kết quả thẩm định giá trị doanh nghiệp trong đàm phán và quyết định giá mua cổ phần của AVG, trong việc lập, trình dự án và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, thanh toán gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với tổng giá trị thiệt hại là hơn 6.590 tỷ đồng (trong đó 6.475 tỷ đồng là tiền Nhà nước bị thiệt hại khi MobiFone mua AVG và 115 tỷ đồng là tiền lãi của các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn được rút trước hạn để thanh toán cho AVG).
Cụ thể, dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định chủ trương đầu tư nhưng Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo cho Phạm Đình Trọng đề xuất và giao cho Trương Minh Tuấn ký Quyết định phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone, vi phạm quy định Điều 31 - Luật số 67/2014/QH13.
Bên cạnh đó, giá mua và hiệu quả đầu tư của dự án là 2 yếu tố quan trọng đối với dự án đầu tư, chưa được làm rõ nhưng Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo ban hành Quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình, vi phạm Điều 5, khoản 6 - Luật số 69/2014/QH13 quy định: "Cơ quan đại diện chủ sở hữu, người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp bảo đảm hiệu quả và gia tăng giá trị vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, phòng, chống dàn trải, lãng phí thất thoát vốn tài sản của Nhà nước."
Mặt khác, khi phê duyệt dự án, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng không yêu cầu MobiFone loại trừ 2 khoản ngoài lĩnh vực truyền hình của AVG (đầu tư tại Công ty cổ phần giống tằm Mai Lĩnh và Công ty cổ phần An Viên B.P) là vi phạm Quyết định số 929 ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: "Chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính trước năm 2015."
Đặc biệt, Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo quyết liệt cho MobiFone phải mua cổ phần của AVG, yêu cầu thực hiện dự án trong năm 2015 và chỉ đạo cho Lê Nam Trà ký hợp đồng mua bán cổ phần với AVG trong tháng 12/2015.
Việc này đã vi phạm quy định tại Điều 5, khoản 4 - Luật số 69/2014/QH13: "Cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động quản lý, điều hành của người quản lý doanh nghiệp."
Biết AVG thua lỗ vẫn quyết tâm mua "cao hơn giá trị thật"
Trước khi MobiFone mua cổ phần của AVG, tình hình tài chính của AVG rất khó khăn: kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, nợ vay lớn. Để nâng cao giá trị AVG, Phạm Nhật Vũ đưa ra thông tin việc AVG đang được đối tác nước ngoài trả giá mua 700 triệu USD và AVG đã nhận tiền đặt cọc 10 triệu USD để đàm phán với MobiFone về giá mua bán AVG.
Đồng thời, Phạm Nhật Vũ nhiều lần liên hệ, trao đổi, đề nghị Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là những người có chức vụ, quyền hạn tại Bộ Thông tin và Truyền thông, MobiFone, để thúc đẩy việc việc mua bán AVG được nhanh chóng nhằm mang lại lợi ích cho AVG.
Quá trình chỉ đạo để mua AVG, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải biết rõ giá trị tài sản, tình hình tài chính, kinh doanh của AVG thua lỗ kéo dài, biết rõ các quy định pháp luật cần tuân thủ khi thực hiện dự án, nhưng các bị can ở mỗi vị trí, vai trò của mình đã tiếp nhận ý chí của nhau, thực hiện không đúng các quy định của nhà nước về trình tự, thủ tục đầu tư, quy định về quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Biết rõ Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng bị can Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo cho Trương Minh Tuấn ký Quyết định số 236 và chỉ đạo cho Lê Nam Trà, Cao Duy Hải thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán cổ phần của AVG với giá mua 8.898,3 tỷ đồng và phải hoàn thành trong tháng 12/2015.
Kết quả, Phạm Nhật Vũ đã bán cho MobiFone 95% cổ phần AVG với giá 8.898,3 tỷ đồng cao hơn giá trị thật của AVG rất nhiều lần, mang lại lợi ích cho Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG số tiền hơn 6.475 tỷ đồng, đây là hậu quả thiệt hại trực tiếp làm mất vốn Nhà nước tại MobiFone.
Khi chỉ đạo và thực hiện dự án, các bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải biết rõ những vi phạm trong quá trình thực hiện dự án, nhưng với quyền hạn của mình và vì mục đích khác nhau các bị can đã quyết liệt thực hiện để thúc đẩy việc mua bán AVG được nhanh chóng mang lại lợi ích cho Phạm Nhật Vũ và các cổ đông AVG.
Đồng thời, các bị can này đã nhận một số tiền lớn của Phạm Nhật Vũ. Cụ thể, Phạm Nhật Vũ đã đưa cho Nguyễn Bắc Son số tiền 3 triệu USD, Lê Nam Trà 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải 500.000 USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD.
Các bị can nhận thức được hành vi sai phạm, biết rõ việc nhận tiền trên của Phạm Nhật Vũ là do đã chỉ đạo, quyết định việc MobiFone mua cổ phần của AVG, nên số tiền nhận được là từ việc mua bán AVG.
Tiếp tục làm rõ hành vi liên quan
Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Bắc Son thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi phạm tội và nhận trách nhiệm trước pháp luật với vai trò chủ mưu, chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình tại MobiFone và xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Tuy nhiên, trong giai đoạn truy tố, bị can Nguyễn Bắc Son chỉ nhận trách nhiệm là người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông; không thừa nhận vai trò chủ mưu, chỉ đạo MobiFone thực hiện dự án như kết luận của Cơ quan điều tra.
Nhưng với kết quả điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao khẳng định có đủ căn cứ kết luận Nguyễn Bắc Son là người chỉ đạo, quyết định và thúc đẩy việc mua cổ phần của AVG, quyết liệt trong phân công chỉ đạo cấp dưới thực hiện. Do vậy, Nguyễn Bắc Son là người chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đầu các bị can đã được phát hiện, khởi tố và truy tố.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Bắc Son khai sau khi nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ, đã đưa cho Nguyễn Thị Thu Huyền (con gái Nguyễn Bắc Son) tại nhà riêng của Son, mỗi lần đưa từ 300.000-400.000 USD, khi đưa Son dặn Huyền không được gửi tiết kiệm còn việc đầu tư vào đâu là tùy. Tuy nhiên, Nguyễn Thị Thu Huyền không thừa nhận việc nhận 3 triệu USD từ Nguyễn Bắc Son.
Căn cứ kết quả điều tra, đến nay chưa đủ cơ sở để xem xét trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Thị Thu Huyền. Viện Kiểm sát khẳng định hành vi của Nguyễn Thị Thu Huyền tiếp tục được điều tra làm rõ qua kết quả xét hỏi tại phiên tòa.
Cáo trạng cũng xác định các bị can Trương Minh Tuấn, Phạm Đình Trọng, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải, Phan Thị Hoa Mai, Hồ Tuấn, Phạm Thị Phương Anh, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Bảo Long, Nguyễn Đăng Nguyên, Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang đều thành khẩn khai báo, nhận thức rõ hành vi phạm tội, phối hợp với Cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án và chịu trách nhiệm về hậu quả thiệt hại cho nhà nước.
Bị can Võ Văn Mạnh, Hoàng Duy Quang đã nộp lại toàn bộ số tiền thu lời bất chính. Do vậy, theo Viện Kiểm sát, cần phân hóa vai trò, hành vi và ý thức trách nhiệm đối với hậu quả của từng bị can để quyết định hình phạt và áp dụng các tình giảm nhẹ theo quy định của pháp luật, thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với từng bị can.
Nhằm đảm bảo việc khắc phục hậu quả thiệt hại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu nộp vào tài khoản tạm giữ tổng số tiền hơn 68 tỷ đồng do các bị can và gia đình giao nộp. Trong đó, gia đình bị can Lê Nam Trà nộp hơn 54 tỷ đồng, gia đình Cao Duy Hải nộp hơn 11 tỷ đồng, gia đình bị can Trương Minh Tuấn nộp 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn kê biên nhà đất của bị can Nguyễn Bắc Son tại số 14, ngõ 36C1 Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), kê biên nhà đất của bị can Trương Minh Tuấn tại phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội). Đồng thời, phong tỏa tài khoản của Nguyễn Bắc Son có số dư gần 592 triệu đồng, phong tỏa tài khoản của Trương Minh Tuấn có số dư hơn 2,1 tỷ đồng./.