Bên cạnh dòng phim chính luận, giải trí, năm 2013, Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) sẽ tập trung phát triển dòng phim mang giá trị văn học. Dù giải trí hay chính luận, khán giả Việt luôn mong muốn chất lượng phim phải đặt lên hàng đầu.
Từ “Tình yêu không hẹn trước” tới “Trò đời”
Bộ phim truyền hình “Tình yêu không hẹn trước” của Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC), Đài Truyền hình Việt Nam được dự đoán sẽ rất hấp dẫn khán giả bởi dàn diễn viên trẻ đẹp, tài năng, một ê-kíp làm phim ăn ý và cốt truyện gần gũi.
Một cảnh trong phim Tình yêu không hẹn trước |
Chuyện phim xoay quanh ba nhân vật chính là Huy, Mai và Minh với những quan niệm sống khác nhau. Chính cuộc sống giản dị của Mai và tình yêu thương giữa những người trong gia đình Mai đã giúp Huy tìm lại cảm xúc được yêu thương, hiểu được cách để được trân trọng.
Đó nhất định không phải là vẻ bề ngoài hào nhoáng, là những thứ đồ hiệu đắt tiền khoác trên người mà là sự hiểu biết và một tình yêu chân thành…
Bộ phim hứa hẹn sẽ hấp dẫn bởi những cảnh quay lãng mạn không thua kém phim Hàn Quốc. Đặc biệt là sự kết hợp giữa hai đạo diễn: NSƯT Trọng Trinh và đạo diễn trẻ Bùi Tiến Huy.
Đây cũng là dự án thứ 2 của hai đạo diễn sau khi đã từng hợp tác thành công trong dự án phim “Cầu vồng tình yêu” - bộ phim được khán giả yêu thích năm 2012.
“Tình yêu không hẹn trước” quy tụ dàn diễn viên đủ cả về yếu tố diễn xuất và ngoại hình đẹp như: diễn viên Việt Anh, Lã Thanh Huyền, Minh Hương, cùng các nghệ sỹ gạo cội như NSND Lan Hương, NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Quế Hằng, NSƯT Khôi Nguyên, NSƯT Huyền Thanh. Hình ảnh phim được hỗ trợ các thiết bị quay hiện đại như Flyingcam... đạt chất lượng HD. Phim sẽ phát sóng trên kênh VTV3 vào 21h10 thứ 5 và thứ 6 hàng tuần, bắt đầu từ ngày 14/3/2013.
Mong chờ nhất của khán giả năm 2013 là phim truyền hình “Trò đời” được chuyển thể từ bốn tác phẩm “Số đỏ”, “Làm đĩ”, “Kỹ nghệ lấy Tây” và “Cơm thầy cơm cô” của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhà văn (1912 - 2012), VFC quyết định sản xuất phim truyền hình dài 30 tập. “Trò đời” tái hiện bức tranh sinh động về xã hội Việt Nam thời kỳ trước năm 1945. Phim miêu tả thân phận những người nông dân bị bần cùng hóa, bị thu hút bởi ánh sáng ma mị, quyến rũ nơi đô thị phồn hoa và dấn thân vào chốn thị thành. Dự kiến, bộ phim sẽ được phát sóng vào tháng 10 năm 2013.
“Quãng vượt” về chất lượng phim?
Trên các kênh truyền hình hiện nay, đang có tình trạng "loạn" phim truyền hình do các hãng tư nhân sản xuất, với mục đích là thu lợi nhuận từ nguồn quảng cáo. Nhiều nhà sản xuất tư nhân chỉ chăm chăm làm thế nào để thu được thật nhiều tiền quảng cáo, còn chất lượng phim dường như đang bị... thả nổi. Nhà sản xuất không quan tâm hiệu quả xã hội, nên không hiếm bộ phim xem xong mà chẳng thấy có gì đọng lại.
Nhiều ý kiến còn lo ngại khi văn hóa công sở, văn hóa ứng xử của giới trẻ bây giờ được đưa vào phim một cách quá tùy tiện, ngẫu hứng, phản cảm... Một khi "nhà đài" còn vì mục tiêu xã hội hóa (nói chính xác là không mất tiền sản xuất mà vẫn có phim chiếu), chưa nghiêm túc trong khâu kiểm duyệt nội dung phim trước khi lên sóng, chưa "tuýt còi" cảnh cáo đối với những bộ phim có những sai sót, thì những bộ phim kém chất lượng vẫn có đất sống, gây bức xúc trong dư luận...
Tất cả những lỗi trên đều phần nào thể hiện sự cẩu thả, thiếu tôn trọng, nếu không muốn nói là coi thường khán giả của các nhà làm phim...
Bức xúc trước những phim truyền hình bị “thả nổi”, Đạo diễn- Giám đốc VFC- Đỗ Thanh Hải cho hay:
“Thực tế, gần đây có nhiều phim chất lượng làm không đáp ứng được mong đợi của khán giả. Tuy nhiên, tôi thấy khó có thể nói rõ hơn về vấn đề này bởi hiện nay, ngoài VFC còn có rất nhiều các hãng làm phim khác. Nhiều hãng, nhiều đơn vị cùng tham gia sản xuất phim nhưng khi khán giả xem phim, họ chỉ quan tâm phim như thế nào chứ không cần biết đến việc phim do đơn vị nào sản xuất.
Chính vì vậy, người ta hay đánh đồng chung tất cả. Tôi có thể khẳng định rằng trong những năm qua, nếu nhắc đến phim của VFC, khán giả chắc chắn sẽ nhắc đến những phim như "Bí thư tỉnh ủy", "Chủ tịch tỉnh", "Cầu vồng tình yêu" hoặc "Hai phía chân trời".”
Để kéo khán giả quay lại với phim truyền hình Việt, song song với việc tìm kiếm kịch bản chất lượng đa dạng về đề tài thì việc nâng cấp thiết bị làm phim để tạo ra những “quãng vượt” về mặt hình ảnh đang được các nhà làm phim chú trọng. “Tất cả mới là sự khởi đầu, nhưng quan trọng là sự quyết tâm và mong muốn sẽ có thêm được những bộ phim hấp dẫn, đề tài mới mẻ để phục vụ khán giả” - đạo diễn Đỗ Thanh Hải khẳng định.
Thùy Dương