[Truyện ngắn] Hồn quê

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ông Vương quyết định dành toàn bộ số tiền tích cóp từ mấy chục năm để mở con đường đi lên đỉnh Thềnh Phả dựng lên ngôi nhà sàn sáu gian. 
[Truyện ngắn] Hồn quê

Mấy người con của ông phản đối kịch liệt. Chúng nói bố, đừng lấy hết mọi cái dở của thiên hạ vơ hết vào mình. Đất trên đỉnh Thềnh Phả mấy năm trồng ngô, trồng đỗ nào có được thu hoạch mấy bắp? Ngô mới kết hạt sữa đã bị lũ khỉ xuống vặt gần hết rồi. Những cái còn sót lại khi chín lại bị lũ chuột cắn phá. Đất đó bán không ai mua, cho chẳng ai lấy. Cứ để cây mọc thành rừng đem chặt làm củi đun còn có chút giá trị. Cứ nhìn người bản Khau Liêu này có ai hâm dở như ông không? Người ta tích cóp tiền là để dỡ nhà sàn xây nhà hai, ba tầng, lắp bình nóng lạnh dùng mỗi khi tắm táp, giặt giũ. Thời buổi này có còn ai thích làm nhà sàn để ở? Vậy mà ông Vương đi tìm mua lại những bộ cột gỗ nghiến tốt để chuyển lên núi dựng nhà. 

Vợ chồng thằng Hoan đi làm công nhân ngành điện máy hơn chục năm ăn chắc mặc bền về quê vay mượn thêm xây được ngôi nhà ba tầng sơn màu xanh lá, nền lát gạch hoa láng bóng. Chúng nó để giày dép ở ngoài cửa. Mỗi lần ông Vương đến, thằng con nhắc khéo: “Có dép đi trong nhà đấy bố ạ”. Tổ bố nhà nó, đây có phải thành phố đâu mà học cách sống của người thành phố. Người nông dân quê mùa sáng ra đã phải ra đồng, vào rừng, lên núi, chân tay không ngưng nghỉ mới có cái ăn, cái mặc, tối mịt mới vào nhà. 

Chúng nó sợ chân bố làm bẩn nhà thì ông chẳng bước chân đến nữa. Ông ở nhà sàn sướng hơn. Đi giày, đi dép thoải mái, thấy bẩn thì dùng chổi quét xuống rù loong trôi xuống tầng dưới là xong. Cái nhà sàn này đã ở ba đời rồi, bộ cột vẫn còn tốt chán. Vài năm mới phải thay dui, lợp lại ngói. Mùa hè ở trên nhà sàn chẳng cần phải dùng đến quạt điện. Ăn mới hết nhiều, ở thì chiếm bao nhiêu không gian lắm. Ở nhà tầng sống lâu, sống thọ hơn ở nhà sàn chắc? Người bản này cũng đến lạ, thấy một người dỡ nhà sàn làm nhà tầng thì bao nhiêu người thi nhau, người này bắt chước người kia. Căn nhà sàn ông Vương đang ở là cái cuối cùng của làng còn giữ lại được.

Ông Vương những tưởng thằng Hưởng, cán bộ văn hóa xã hiểu được nỗi lòng của bố giữ lại bóng dáng hồn cốt của quê hương. Nhưng vợ chồng nó kiếm đủ tiền cũng muốn xây ngôi nhà tầng. Nghe vợ chồng nó nói chuyện nó sẽ xây ngôi nhà có kiến trúc đẹp nhất làng. Bao nhiêu thầy phong thủy, thầy bói toán đến làng đều phán vị trí ngôi nhà sàn của ông Vương có phong thủy tốt nhất. Đời ông Vương thì chẳng còn bao nhiêu, giờ chỉ nghĩ đến tương lai của thằng Hưởng và con cái của nó. Ông không muốn lý lẽ với vợ chồng Hưởng. Chúng nó có học thức, đi nhiều, biết rộng hơn ông nhiều. Mà cho dù ông nói đúng thì chúng cũng không nghe. Vậy thì sao phải lý sự với nhau để sứt mẻ tình cảm bố con. Ông muốn giữ chút hồn quê cho mình nên bàn với con trai và con dâu. Ông không cản trở các con làm nhà tầng trên mảnh đất này. Có thể các con cho bố là người cổ hủ, hâm dở cũng được. Bố muốn các con giúp bố chuyển ngôi nhà sàn này lên trên đỉnh Thềnh Phả dựng lại vẹn nguyên ngôi nhà từ thuở cha ông.

Nghe ông nói cả con trai, con dâu đều rất đỗi ngạc nhiên. Chúng tưởng mình nghe nhầm nên hỏi lại. Khi nghe ông Vương khẳng định chúng nhìn bố rất lâu, xem nét mặt, cử chỉ của ông có gì khác thường không. Một tháng trước anh Trình, con bác Tích, người được ông Vương cứu sống từ miệng hà bá sông Bắc Vọng mấy chục năm trước đưa máy xúc đến mở đường cho xe ô tô lên được mảnh nương trên rặng núi Thiên Đường. Hưởng chỉ nghĩ bố đang tính trồng cây gì đó trên mảnh đất đầy sỏi đá nghèo dinh dưỡng đó. Có mơ vợ chồng Hưởng cũng không ngờ bố lại có ý định đưa cả ngôi nhà sàn này di dời lên trên núi cao. 

Hưởng gọi vợ chồng anh Hoan đến để cùng thuyết phục bố bỏ ý định đi lên trên núi ở. Lên trên đó sống có gì hay đâu. Nước không có, điện cũng không. Trên đó chẳng có gì cả. Chỉ có gió và biển mây làm bạn mà thôi. Chúng con làm được nhà kiên cố, bố muốn ở với người nào thì ở sao cứ phải đi lên đỉnh núi sống một mình, mỗi khi đau ốm, đói rét không ai biết? Không lẽ bố không thích sống với con, cháu của mình chăng? Các con đã nói vậy thì ông cũng không muốn giấu chúng nó về ước mơ bấy lâu nay của mình nữa. Ông Vương không muốn mất ngôi nhà sàn cuối cùng ở làng Khau Liêu này. Bộ cột, kèo gỗ nghiến hiếm lắm rồi. Có tiền có thể xây nhà mấy tầng, nhưng làm sao có thể mua được bộ cột gỗ tốt dựng nhà sàn, khi mà trong rừng chẳng còn những cây nghiến, cây lim vài trăm năm tuổi. 

Đặc trưng của người Tày mình là gì hẳn các con không quên. Tiếng nói vẫn còn, trang phục thì chỉ còn được mặc vào các dịp lễ. Toàn những thứ công nghiệp, chẳng có cái nào được dệt thủ công cả. Bao nhiêu đời nay các cụ ta sống dưới mái nhà sàn lợp ngói âm dương. Nhưng bây giờ làm gì còn có được mấy ngôi nhà sàn còn tồn tại? Làng quê bây giờ đã bị nhà tầng hóa, phố hóa hết cả rồi. Các con ông Vương ngồi nghe tỏ vẻ trầm ngâm. Hoan là cử nhân sử học nhưng không xin được việc làm mới phải đi làm công nhân, nó hiểu về phong tục, tập quán. Hoan còn nhớ cách đây nhiều năm đã từng học môn Cơ sở văn hóa, người Tày ở nhà sàn, mái lợp ngói âm dương. Nhưng bây giờ tìm nhà sàn phải đến các bản làng vùng sâu, vùng xa, những nơi chưa có đường xe ô tô đi tới mới có. Còn vùng đồng bằng giao thông thuận tiện người ta dỡ nhà sàn làm nhà xây cấp bốn, nhà tầng. Hoan cũng muốn giữ lại hồn quê, nhưng xu thế thời đại, người ta thi nhau làm nhà tầng, không lẽ mình lại ở mãi nhà sàn lên xuống cầu thang gỗ sớm tối. 

* * *

Ông Vương đã chuyển nhà sàn. Lúc rảnh ông Vương ngồi trên sàn nhà nhìn những chiếc xe hối hả ngược xuôi trên con đèo Keng Ca. Những ngôi nhà tầng sơn đủ các loại màu thấp thoáng sau rặng cây sau sau dưới chân đèo. Làng quê thân thương của lớp người như ông Vương và các cụ một thời đấy ư? Vẫn trên mảnh đất đó mà sao ông thấy xa lạ quá. Ông như lạc vào một chỗ nào đó, hình như đó chẳng phải là nơi chôn nhau cắt rốn của mình thì phải. Một ngày nào đó không còn những hàng cây sau sau, ông Vương sẽ không còn nhận ra ngôi nhà của hai thằng con và cháu của mình đang sống.

Có tiếng xe máy đi lên và dừng lại ở cái lán trước khu vườn. Rồi tiếng người gọi ông Vương í ới dưới chân nhà sàn. Tốp khách đi phượt chục người đã gọi điện cho ông từ mấy hôm trước. Những ánh mắt nhìn ngôi nhà sàn trầm trồ khen ngợi. Ngôi nhà sàn trát vách, mỗi buồng có một rùhai (ô cửa sổ nhỏ). Phía trước phía sau được đóng bằng gỗ cang lò có đường vân hình đám mây. Trước nhà có một cái sàn được trải bằng những thanh tre đập giập. Một cái thang bằng gỗ nghiến dẫn lên sàn nhà. Tầng người ở lát gỗ, tầng dưới để xe và dụng cụ sản xuất nông nghiệp. Đám người tỏ ra thích thú đưa tay chỉ trỏ, có người đưa máy ảnh, điện thoại lên chụp vài kiểu ảnh đưa lên trang facebook cá nhân. Đẹp làm sao trên đầu và sau lưng là cả một biển mây trắng trải dài tít tắp. Biển mây chỉ tan dưới ánh nắng mặt trời giữa buổi trưa.

- Bác Vương quả là người có có đầu óc sáng tạo nghệ thuật và luôn đi trước những người ở làng này đấy ạ. Một người trong đoàn nói.

- Sáng tạo gì đâu cháu. Bác chỉ là người muốn giữ lại một chút hồn quê thôi.

Còn nhớ ngày mới san đất làm nền nhà rồi chuyển những cây cột nhà đầu tiên lên đây nhiều người làng nói ông Vương là người đầu óc không còn được minh mẫn, như một kẻ tâm thần. Chỉ có kẻ điên mới đem nhà lên dựng trên núi cao. Nhưng ông coi như không nghe thấy gì. Miệng là của người ta thích nói gì mà chẳng được. Ông lặng lẽ chuyển, dựng lại nhà. Khi ngôi nhà sàn được hoàn thiện theo ý muốn của mình ông lặng lẽ dọn đến ở, chẳng cần phải làm lễ vào nhà mới, chẳng cần viết câu đối lên giấy đỏ dán lên bàn thờ, cột nhà. Khi chưa tìm được nguồn nước trên đỉnh non cao này ông chưa thể trồng rau xanh, nuôi vịt. Chỉ nuôi gà cho ăn cỏ, bới đất ăn mối. Tối đi ngủ sớm, sáng ra ông ăn bát cơm rang rồi cầm cái cuốc bước xuống cầu thang làm lụng. Trước nhà có mười hàng cây mận đào xen kẽ nhau, đằng sau nhà là ổi, hồng, chanh, cam đủ loại. Để có nước và sinh hoạt tưới cho cây trồng ông đã đi tìm nước. Trong lòng hang Ba Se có nước, nhưng ít, lại xa, thấp dẫn về sẽ rất khó. Muốn có nguồn nước nhiều hơn phải xuống tận chân núi. Giá như có nước ở trên này thì hay biết bao nhiêu. Dường như trời thương ông Vương thì phải. Trong lúc cuốc đất gặp phải hòn đá ông nhặt lên ném vào bụi rậm, nơi có một cái hố sâu. Hòn đá rơi xuống, một lát nghe thấy “chốm”. Ông không tin vào tai mình. Tìm hòn đá khác ném xuống và lại nghe thấy “chốm”. Ông mừng lắm. Hóa ra ở dưới cái hố sâu này có nguồn nước. Ông nhủ, ta sẽ thăm dò, sẽ dùng máy bơm hút nước lên bể tích trữ. Ta sẽ có nước sinh hoạt, trồng rau, tưới cho cây vào mùa khô hanh. 

- Trong vùng này bác là người đầu tiên mở homestay phải không ạ? Một người hỏi.

- Ấy ấy bác có mở hay đóng gì đâu. Các cháu thấy cảnh đẹp lên đây chụp ảnh, thưởng cảnh muốn ở lại với bác thì cứ ở. Gà thả vườn có trong chuồng, rau xanh sau nhà các cháu muốn nấu thế nào thì nấu.

- Bác ơi khi vào xuân hàng cây đào, cây mận, cây lê cùng nở hoa chắc trên này đẹp lắm nhỉ. Cô gái trẻ đẹp xinh mặc áo màu vàng, đi giày thể thao nói.

- Cái đó còn phải hỏi sao? Một người trả lời thay.

Cô gái trẻ đã chạm vào nỗi lòng của ông Vương. Từ lâu ông đã muốn biến nơi này thành một vườn hoa đủ sắc. Vườn cây đã ra ba mùa hoa, cho ba mùa quả ngọt. Mỗi khi gió xuân về thổi cho những cánh hoa đào, hoa mận, hoa lê bung hoa. Rồi mấy cô, cậu ca sĩ cũng đến quay phim cho bài hát của mình. Có người ở tận miền xuôi lên hỏi bán cho những cây, cành đào phai đem về thưởng tết. Ông đã bán cho những người biết thưởng hoa những cành đào mốc bám đầy rêu. “Sao bác không kinh doanh homestay, loại hình du lịch đang thu hút giới trẻ?” Họ muốn thưởng thức món ăn dân tộc, sinh hoạt, trang phục, văn hóa dân tộc địa phương nơi mình đến. Du lịch cộng đồng khám phá ư? Một gợi ý hay. Hay tuyệt. Vậy mà không nghĩ ra. Nhưng ông còn phải suy nghĩ, tính toán đã. Thằng Hoan, thằng Hưởng nghe người ta góp ý cũng bùi tai. 

Nhưng chúng nói muốn làm du lịch cộng đồng thì phải thành lập đội hát Then, đàn Tính trước đã, các cụ biết nhiều làn điệu Then, Lượn cổ giờ đã già cả rồi. Nếu không được các cụ truyền dạy lại sau này sẽ chẳng còn ai biết đến nữa. Rồi các nghề đan lát, dệt vải cũng phải được khôi phục lại. Phải có sản phẩm đặc trưng của vùng đất mới thu hút du khách đến với mình. Đó là chuyện không chỉ mình ông làm được. Phải cả bản, cả làng. Mỗi người xắn một tay vào làm. Cùng có sự giúp sức của chính quyền nữa. Ngày mai ông sẽ nói với hai con bắt tay thực hiện ý nguyện. Phải làm nhanh, nhưng cẩn thận, tỉ mỉ. Đó sẽ là cách để thay đổi vùng đất này. Người dân sẽ biết ơn ông, với một ý tưởng, mở làng, mở bản đón khách.

Truyện ngắn của Nông Quốc Lập