[Truyện ngắn] Lán tình

(PLVN) - Ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm giữa lưng chừng đồi, hướng ra sông. Cái thế chênh vênh vẻ thơ mộng ấy như thể hiện chính số phận gia chủ. Gọi thế chứ thực ra đó đâu đã hẳn là một ngôi nhà.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mỗi độ chiều, rảnh rỗi tôi lại ra ngồi trên tảng đá trước cửa nhà ngắm nhìn dòng sông. Dòng nước xô nhau, con nước sau đuổi con nước trước, lúc nhanh, lúc chậm tạo nên dáng di nhấp nhô, uốn éo chiếc lá trên mặt nước. Nó từ đâu đến và sẽ đi về đâu, hay bị mắc vào đâu đó. Nếu không bị thối rữa, những khúc cua xuống thấp đột ngột của dòng chảy có thể làm nó tan nát. Sự xô bồ của dòng nước khiến tôi liên tưởng tới cuộc đời mình.

***

Khi giấc mơ đại học không thành, bố định hướng cho tôi học nghề thú y vì ông muốn phát triển chăn nuôi. Nhưng một thằng thích bay nhảy như tôi đời nào lại chịu. Tôi muốn đi học lái xe, bố tôi bảo:

- Cái nghề đen bạc, cơm chợ, vợ đường, sao phù hợp với thằng nhút nhát như mày?

- Con thích chu du đó đây.

- Chỉ thích hợp với bọn ăn chơi trác táng, rồi thì hỏng.

- Nghề nào mà chẳng có nọ kia ạ. Đến làm cán bộ như bác Ba còn hỏng nữa là. Con không học gì khác đâu!

Biết chẳng thể ép tôi, ông đành đồng ý. Khi ra trường, ông nhờ bạn xin cho tôi làm gần nhà nhưng tôi không nghe, vừa mất tiền, lại vừa không được đi xa. Tôi tự xin vào công ty xây dựng, chấp nhận tới các miền hẻo lánh. Ông rất bực nói:

- Tao chỉ có mình mày, thôi đành để xã hội dạy. Mày hỏng coi như nhà này vô phúc.

Ông sợ tôi bị cám dỗ, sa đà hoặc nhỡ rủi ro… Tôi chạnh lòng nhưng vẫn quyết đi. Lần đầu tiên từ Bắc, vào Nam, được điều tới công trường xây đập thuỷ điện heo hút, hoang vu, thiếu thốn, tôi thấy ái ngại và hơi hối hận. Nhưng lòng tự trọng đã khiến tôi không bỏ về. Tôi dần quen cuộc sống nơi đây với đầy rẫy tệ nạn, hỗn tạp đủ loại thành phần. Ở đây quán xá nhan nhản. Ngày còn đi học, la cà quán xá là điều xa xỉ, nay có điều kiện, tôi cũng muốn thử. Vào quán gọi cà phê, tôi loay hoay với đĩa hạt dưa rồi cầm ly cà phê tu đánh ực khiến cô phục vụ ngạc nhiên, châm chọc:

- Anh là người đặc biệt nên có cách uống cà phê cũng đặc biệt!?

- Vậy à? - Tôi  nhìn trân trân rồi tiếp: Em cũng là người đặc biệt; Đôi mắt luôn mở to thơ ngây trên khuôn mặt tròn trĩnh, đôi môi mọng đỏ của em, lại thêm mái tóc dài thướt tha và giọng nói miền Nam ngọt lịm đã khiến anh say đắm mất rồi.

Thật không ngờ ngay lần nói chuyện đầu tiên tôi đã biết tán tỉnh. Cứ thế vài lần qua lại chuyện trò, tôi có cảm tình đặc biệt với cô bé có cái tên Phương Ly ấy.

***

Tôi thường dắt em theo con đường mòn lên rẫy lượn quanh sườn đồi mì của người Ba Na. Những lán nhỏ đơn sơ, ít che chắn, được họ dựng để nghỉ trưa khi đi rẫy. Khi xây dựng con đập, rẫy thuộc vùng lòng hồ nên lán bỏ không. Chúng tôi lấy đó làm nơi hẹn hò. Đó là lán tình yêu mà ở đó chúng tôi tận hưởng những phút giây hạnh phúc, tạm quên đi những bon chen cuộc sống. Tình cảm của chúng tôi ngày càng gắn bó, mặc dù đôi khi tôi thấy em còn đầy băn khoăn. Tôi đang được sống những ngày của tình yêu đẹp đẽ, đầy mơ mộng thì một hôm, Dân, bạn làm cùng đến nói với tôi:

- Mày yêu con bé Phương Ly à?

- Ừ! Sao?

- Mày biết nó làm gì không? - Dân cười khẩy rồi tiếp: Ca ve chính hiệu đấy!

Tôi tưởng mình nghe nhầm, choáng váng:

- Mày đùa à? Dựa vào đâu...?

- Mấy ông đội 5 đã đi và nói thế. Tao cũng không tin nhưng… Mày đừng để vẻ ngoài đánh lừa. Thật rõ xinh xắn là thế. Xin lỗi mày… đêm qua tao đã thử.

Tôi thực sự sốc, quá bàng hoàng. Lẽ nào tình yêu bấy lâu tôi tôn thờ lại như thế. Tôi đã yêu trong sáng, giản dị, cố gắng kìm chế cảm xúc ham muốn nhục dục. Vậy mà giờ đây… Tôi đã mù quáng ư? Chân tay tôi bủn rủn muốn ngã khuỵ. Tiếng Dân lại văng vẳng:

- Giá của nó hơi cao đấy, hàng cao cấp mà. Mày đừng buồn làm gì cho phí. Tao có hỏi sao xinh đẹp mà lại phí đời thế. Nó trả lời: hoàn cảnh. Hừm! Trăm ả ca ve  thì 99 ả đổ tại hoàn cảnh. Ả nào mà chẳng nhà nghèo, bố mẹ già ốm, các em lít nhít không tiền ăn học. Dễ thường ai cũng hoàn cảnh đều giống các ả ấy hết chắc. Nói mẹ là đua đòi, buông thả đi còn dễ nghe. Giờ đủ loại  “hàng” rẻ, bình dân, cao cấp. Cho nên cứ lẫn lộn hết. Tao đố mày phân biệt được đâu là ca ve, đâu là gái lành đấy! Thực tế ê chề ra đấy, mày hãy vui vẻ mà chấp nhận!

Tôi chỉ biết ngồi nghe, chẳng thể nói được gì, quá bất ngờ, quá sức tưởng tượng. Tôi nôn nóng như lửa đốt.

Hừ! Đồ đĩ đê tiện, bỉ ổi, dám lừa tao. Mày phải chết. Loại đĩ mất dậy chỉ đáng xẻ thịt phanh thây chứ không thể tha thứ thương hại được.

Ôi không! Trong phút chốc lòng căm thù trong tôi sôi sùng sục. Tưởng như lúc đó tôi có thể băm ả làm trăm mảnh. Rất may đó chỉ là ý nghĩ. Khi bình tĩnh, tôi đến gặp Phương Ly, lòng chộn rộn như tơ vò. Lẽ nào khuôn mặt xinh xắn ngây thơ tôi vẫn hằng yêu mà lại… Bóng tối bao trùm, chỉ nghe tiếng máy nổ từ công trường vọng lại, tiếng bước chân chúng tôi và tiếng gọi bạn tình của một vài con thú khiến tôi không thể im lặng thêm nữa:

- Đêm nay em không bận gì chứ?

- Sao…? Anh định bảo gì em à?

- Anh muốn em ở đây, để em là của anh!

- Em vẫn là của anh mà!

- Của anh! Của anh khi nào? Đêm xuống em có là của anh không?

- Sao... anh lại nói thế?

- Sao ư? Em định để anh là thằng ngố đến bao giờ? Thật ghê tởm, sự giả dối quá ngọt ngào.

- Em không lừa dối mà chỉ chưa thể nói được với anh thôi. Xin anh hãy hiểu!

- Hiểu ư? Hiểu thế nào? Ai hiểu được…ca ve? - Tôi giận đùng đùng.

- Thôi! Anh đừng nói nữa!- Phương Ly khóc thét lên: Phải! Tôi chỉ là con điếm, tôi phải bán cả liêm sỉ, danh dự đem thân phục vụ cho lũ đàn ông tham lam các người giày vò. Các anh coi chúng tôi như thứ hàng hoá. Chỉ là sự mua bán có cầu có cung. Vậy mà các người vẫn có quyền khinh bỉ chúng tôi trong khi các người đã có cuộc sống sung túc lại sinh thói ăn chơi truỵ lạc, lừa dối nhau đi cặp bồ ngoại tình bất chấp luân thường đạo lý. Bao nhiêu gia đình tan nát, bao nhiêu đứa con bị các người sẵn sàng vứt bỏ từ khi chưa có hình hài hay đã lọt lòng. Các anh dè bỉu  những gái làm tiền như chúng tôi, còn những ả cặp bồ ngủ lăng nhăng nay kẻ này mai kẻ khác thì sao?

- Điều anh cần là lời giải thích. Em không định đổ tại hoàn cảnh chứ? Ai cũng làm sai rồi đổ tại hoàn cảnh thì đạo đức, trách nhiệm vứt đi đâu?

Phương Ly thút thít kể cho tôi nghe. Dù có tin lời em hay không, tôi vẫn thấy sốc và như đứt từng khúc ruột khi chưa thể thay đổi được gì.

***

Tôi tìm về quê Phương Ly theo địa chỉ em cho. Vừa xuống bến xe hỏi thăm đã có cụ già khắc khổ ngửa tay xin tiền. Theo thói quen tôi cho cụ ít tiền lẻ rồi lên xe của một nữ xe ôm sau hồi chèo kéo của cánh xe ôm.

- Con gái làm nghề này vất vả lắm chị nhỉ? Tôi hỏi chị. 

- Mỗi người một nghề, vì miếng cơm, manh áo vất vả cũng phải chịu khó thôi.

- Sao chị không kiếm nghề nào thích hợp hơn?

- Người khôn của khó, nghề gì mà chẳng phải bon chen. Nghề nào cũng phù hợp khi ta yêu nghề. Mà chú về nhà ai ở đó vậy?

- Ông Nho. Chị biết chứ? 

- Chị có biết một ông Nho, nếu là ông ấy thì đó là khách quen. Hầu như tháng nào bố con ông ấy chả phải đi viện. Rõ khổ, thương binh nhưng mất hết giấy tờ nên có được gì đâu. Nhiều khi chị cũng không lỡ lấy tiền. Kìa! Nhà ông ấy đây. 

Nhìn quang cảnh đơn sơ, cạnh ngôi nhà ba gian mới xây có chữ Nhà Tình Nghĩa là cái nhà mái gianh, có lẽ đó là bếp. Vườn tược hoang hoải có mấy cây bạch đàn, ba bốn cây ăn quả còn thì toàn cỏ. Tôi bước vào sân vừa lúc có người đàn ông gầy gò, dáng vẻ khắc khổ đi ra, tay cầm cái bô. 

- Dạ thưa bác có phải là bố của Phương… à Mận không ạ? (Phương Ly bảo tên thật ở nhà là Mận ) 

- Vâng! Mời cậu vào nhà! - Nói rồi ông cầm cái bô đi đổ. Tôi bước vào trong nhà trống trơn, chỉ có bộ bàn ghế nhựa cũ và hai chiếc giường tre. Tôi giật mình sững lại khi thấy trên giường có hai đứa trẻ với hình dạng bất thường làm tôi rờn rợn. Khi ông Nho vào tôi mới trấn tĩnh, hỏi:

- Hai em…?

- Di chứng chiến tranh đấy. Khổ lắm anh ạ!

Tôi đã hiểu sự tình, ông trầm ngâm kể cho tôi: 

- Ai mà chẳng muốn có con cái lành lặn khoẻ mạnh. Vợ chồng tôi sinh đứa đầu đã bị dị tật, nhưng vẫn muốn cố đứa thứ hai, hy vọng có thể… - ông sụt sùi: Ai ngờ… Đã hơn hai mươi năm mà hai đứa vẫn như đứa trẻ, lại hay ốm đau, thường xuyên phải đi viện. Khổ lắm anh ạ! Trận lụt năm xưa làm tôi và mấy người cùng làng mất hết giấy tờ nên giờ chỉ được chế độ hộ nghèo thôi. Sự thật mồn một đấy mà ta kiện các công ty hoá chất Mỹ mấy lần rồi có được đâu. 

- Thế sao Mận...? - Tôi thắc mắc.

- Nó là con nuôi. Tội nghiệp. Bố mẹ nó thuộc dạng chẳng ra gì, bỏ nó. Lúc đó nhà tôi đã có hai đứa này, hay ốm đau nên nghèo lắm nhưng thương nó, đem về nuôi vì cũng muốn có được đứa con lành lặn. Nó vất vả từ bé, dù biết mình là con nuôi nhưng rất có hiếu. Nó thông minh, chúng tôi muốn nuôi nó ăn học tử tế nhưng thấy hoàn cảnh nghèo nên nó bỏ học từ sớm. Mới lớn đã quyết đi làm ăn xa để kiếm tiền giúp bố mẹ. Tội nghiệp con bé, chẳng biết nó làm gì mà kiếm tiền cũng khá. Người ta đồn đoán nó bán thân. Chúng tôi bán tín bán nghi vì nó là đứa ngoan, nhưng bây giờ kiếm tiền rất khó, biết đâu nó lại làm liều thì thật tội. Giờ có anh là bạn nó về đây tôi cũng thấy yên tâm hơn.

Tôi đang lúng túng thì chợt có tiếng gọi từ cổng, đó là mẹ của Mận.

- Ông ơi! Ra mà xem người ta đào được xương lính Mỹ kìa, có người muốn được băm vằm chỗ xương ấy cho hả nhưng nhiều người can, nghĩ cho cùng người ta cũng bị bỏ mạng nơi này, người thân của họ ở quê chắc cũng đau xót lắm, nỗi đau nào mà chẳng giống nhau.

Câu nói đó làm tôi nhớ hồi ở quê cũng có mấy người cựu binh Mỹ đến tìm mộ được bà con giúp đỡ nhiều lắm. Họ thật sự cảm động trước tấm lòng chân chất ấy. Tôi từ biệt gia đình sau khi đưa cho ông Nho một ít tiền, nói là của Mận gửi. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao Phương Ly bán trinh cho một ông lớn, rồi tiếp tục công việc mà em cho là còn hơn ối kẻ kiếm tiền bất lương, bất chính. Em bảo: “thần tượng của em còn có phim sex đầy trên mạng mà vẫn cứ nổi tiếng như thường. Em được sống để báo ơn, báơ hiếu bố mẹ đã nhận nuôi thì cực khổ mấy cũng chịu”. Trong đầu tôi cứ rối bời những câu nói của em và những ý nghĩ, xúc cảm  của tôi. Tôi yêu, thương, hay ghét em? Hình ảnh ngôi nhà chênh vênh thơ mộng ấy cứ quẩn quanh trong đầu tôi. Dù chưa thực sự là ngôi nhà, nhưng có em, nó sẽ trở nên ấm cúng hơn. Cũng có rất nhiều ngôi nhà hẳn hoi, đẹp đẽ mà người ta cũng có ở thực sự đâu.

***

Chúng tôi về sống ở ngôi nhà đó. Phương Ly bỏ nghề và thành người vợ ngoan. Có những dư luận đồng tình, phản đối. Có thể mọi người sẽ nghĩ cái kết của chúng tôi như thế. Nhưng không. Khi tôi trở lại công trường thì Phương Ly không còn ở đấy. Em cài một bức thư ở lán, trong đó có cả những bài thơ. Em đi đâu? Tôi lặng ngắm những ngọn đồi cao thấp mênh mông. Những cái lán nhỏ bé kia rồi cũng chìm vào hồ. Cầu chúc cho em…! 

Truyện ngắn của Trần Đức Hiển