[Truyện ngắn] Tìm vàng trong đất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mùa xuân năm Đinh Hợi, hiệu Thiên Phúc năm thứ 7. Kinh đô Hoa Lư.
[Truyện ngắn] Tìm vàng trong đất

Ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, kinh đô náo nhiệt rực rỡ hơn bao giờ hết. Dân chúng đổ ra đường, ồn ào, chộn rộn. Họ không phải chỉ du xuân, mà đang ngóng chờ một nghi lễ đặc biệt vẫn diễn ra vào ngày đầu tiên của năm: Nhà vua thân hành du xuân.

Vào cái ngày mở màn một năm, sau khi tiếp triều thần vào cung chúc Tết, đến đúng giờ lành đã được Lễ Bộ định sẵn, nhà vua xuất hành đi thăm phố phường và xem dân chúng kinh đô ăn Tết. Với người dân kinh đô Hoa Lư, việc được diện thánh nhan vào ngày đầu năm là phúc phần lớn lao không gì bằng. Được ngắm nhìn, dẫu chỉ là ánh hoàng bào lướt qua trên phố, cũng đã là một may mắn, phúc lành cho cả năm. Thế nên, từ sáng sớm, hàng ngàn người dân đã mặc tươm tất, tập trung ở các ngả đường Hoa Lư, mong ngóng phút diện thánh.

Giờ lành đã đến, nhà vua mặc hoàng bào, cưỡi ngựa đi trước, hoàng thân quốc thích, quan viên văn võ, lính tráng mang cờ quạt, khí giới theo hầu phía sau. Hướng xuất hành năm nay là hướng Đông, hợp với mệnh và tuổi của nhà vua, để đức chí tôn luôn gặp tốt lành, may mắn trong năm mới, người dân trong nước được hưởng thái bình, an khang, thịnh vượng. Đoàn người cờ quạt đi về hướng thành Đông. Dân chúng hai bên đường quỳ rạp bái lạy, thành kính chúc tụng năm mới nhà vua.

Vua Lê Đại Hành ngồi uy nghiêm trên lưng con ngựa lông trắng pha đen có chút ánh xanh, đẹp như tượng. Trên gương mặt uy nghi của ngài ẩn hiện nét cười. Tầm mắt ngài bao quát khắp lướt dân chúng xa gần. Ngài lắng nghe lời chúc tụng, tiếng reo hò của người dân, nét cười ngày càng thêm đậm. Ánh mắt nhà vua trìu mến nhìn con dân nước Việt, Vua ban lời chúc lành.

Đoàn rước đi không nhanh không chậm, đưa nhà vua đi khắp kinh thành Hoa Lư. Đi qua đám đông náo nhiệt, đoàn xe ngựa đi dần ra ngoại thành. Khung cảnh phồn hoa, tráng lệ dần khuất khỏi tầm mắt. Những nóc nhà thưa dần. Những mảng trống trải, bạt ngàn lộ ra. Từ xa xa, nhà vua nhìn thấy một ngôi nhà tranh nhỏ bé nằm ven đường. Bên gốc cây đa trước nhà có một chiếc chõng tre. Trên chõng là hai vợ chồng trẻ và hai đứa trẻ con đang ngồi, có vẻ như quanh một mâm cơm. Nhà vua bỗng nảy ra ý định đến xem họ ăn gì vào đầu năm mới, bèn cho ngựa dừng trước lối vào nhà. Ngài thân chinh đi bộ vào.

Cả nhà lớn bé đang ăn, bỗng thấy một luồng ánh sáng vàng rọi vào mắt, ngẩng đầu lên đã thấy đoàn người cờ quạt bên ngoài, nhà vua cùng tùy thần đã đến gần. Người chồng sợ hãi, vội kéo vợ con quỳ xuống, sụp lạy nhà vua. Vua cho họ bình thân, rồi ngồi xuống bên chõng. Ngài nhìn thấy một cái mẹt để giữa chõng. Có một cái đĩa nhõn có một ít rau. Vài con cá đồng quắt queo và một nồi cơm lửng, đáng chỉ đủ cho một thanh niên sức dài vai rộng ăn. Ngài ngạc nhiên hỏi:

- Mâm cơm ngày Tết mà chỉ thế này thôi ư?

Người chồng thưa thật, rằng hai vợ chồng chỉ có mỗi khoảnh ruộng nhỏ bên hông nhà, quanh năm cày cấy cũng chỉ có vài đấu gạo, không đủ ăn đủ mặc. Rau là tự trồng lấy sau nhà, cá cũng đi bắt mãi dưới ao, mùa xuân tiết trời giá rét, không được là bao.

- Còn những đất hoang mênh mông kia? - Nhà vua khoát tay về hướng những ngọn núi.

Người chồng ấp úng, trả lời rằng, đấy là đất hoang, cằn cỗi, khó lòng mà vỡ được.

Nhà vua thở dài, cho người thưởng họ ít tiền, rồi ngài kết thúc chuyến du xuân, trở về cung.

* * *

Buổi thiết triều hôm ấy, nhà vua đem câu chuyện khuyến nông, khẩn hoang bàn với quần thần. Ai nấy đau đầu bàn bạc. Bởi lẽ, câu chuyện khuyến nông không phải chưa từng làm. Vua đã từng ban chiếu khuyến nông, lại đặt ra chức quan Đô sứ để đốc thúc việc nông tang. Thế nhưng, dường như người dân chẳng hề tin rằng những đất hoang cằn cỗi ấy lại có thể đẻ ra cho họ lứa gạo, giúp họ đổi đời. Thế là, đất hoang vẫn hoàn đất hoang, dẫu các quan Đô sứ có gào rát cổ bỏng họng.

Suy tư một lát, nhà vua bảo với quần thần:

- Ta thấy ruộng đất bỏ hoang nhiều quá, mà dân thì thiếu ruộng cày, nhà không có bữa ăn no, đau lòng xót ruột. Nay ta có ý này, muốn dân khai hoang, trồng cấy thì chỉ có cách đem vàng bạc trong kho chôn rải rác ở những nơi đất đai màu mỡ. Rồi ra chiếu chỉ cho dân, cứ hễ ai cày ruộng, tìm được vàng ở đâu, khắc số vàng ấy thuộc về mình. Dân ban đầu vì muốn tìm vàng mà vỡ đất, sau đó sẽ được đà ruộng đã vỡ hoang, gieo trồng, cày cấy. Theo các khanh, việc này có nên chăng?

Quần thần nghe lời mới lạ, nhìn nhau hoang mang. Mãi mới có người đứng ra can gián:

- Bẩm Hoàng thượng, thần thiển nghĩ không nên. Vàng bạc là thứ quý báu, ta không thể ban phát bừa bãi được, hơn nữa để trong kho tàng để dùng cho những lúc hữu sự. Đem vàng bạc đi để khích lệ khai thác đất đai, cái thu về cũng chỉ là thóc gạo, ngô khoai. Chẳng ai lại đem vàng bạc đi đổi lấy ngô khoai cả ạ.

Lác đác bên dưới có tiếng xì xào đồng tình. Nhà vua khẽ chau mày, nhìn quần thần bắt đầu trở nên huyên náo, tranh cãi sôi nổi. Ngài khoát tay:

- Chuyện này tạm gác đó. Các khanh tiếp tục các tấu chương đi.

Tiếng ồn ào kết thúc. Nhà vua tiếp tục cùng quần thần nghị sự. Có lẽ, đó là buổi thiết triều dài nhất mà các quan từng tham dự. Hết chuyện này đến chuyện khác, công vụ bất tận. Trời đã bắt đầu sang chiều, mà nhà vua dường như vẫn chưa thấy đói. Các quan nhìn nhau, không dám nói gì. Có người bụng réo ùng ục, có người tay chân đã bắt đầu run rẩy, hoa mắt chóng mặt. Mãi rồi, không chịu nổi, một viên quan bật lên tiếng kêu đói.

Đang mải mê quốc sự, nhà vua nghe thấy chợt giật mình, vội truyền quan ngự thiện cho người mang đồ ăn cho vua quan dùng tạm. Quan ngự thiện nhanh chóng sai đầu bếp bưng lên một mâm thức ăn còn nóng tỏa mùi thơm phức, nào là thịt kho, rau luộc, nào cơm trắng nóng hổi, nào là ngô, khoai thơm lừng. Cạnh đó lại đặt một mâm vàng thoi sáng lóa.

Các quan thấy mâm thức ăn nghi ngút khói, bụng sôi réo ầm ĩ, nào quan tâm đến điều gì khác. Ai nấy vội vã cùng nhau ăn uống, miệng tấm tắc khen ngon. Thoi vàng lấp lánh nằm chỏng chơ một bên.

Bữa ăn kết thúc, nhìn những gương mặt no nê, thỏa thuê của quần thần, nhà vua cười hỏi:

- Các khanh đã ăn no chưa, có ngon không?

“Ngự thiện ngon lắm ạ”, “Chưa bao giờ ăn thấy ngon thế”, “Đúng là cơm của nhà vua”, tiếng lao xao khen ngợi cất lên từ phía các quan. Nhà vua thong thả chỉ vào mâm vàng:

- Thế ra các khanh của ta chỉ quan tâm đến ngô khoai, lúa nếp, chẳng ai màng đến mâm vàng này ư?

Các quan nhìn sang hướng tay nhà vua, mới thấy mâm vàng đầy ắp nãy giờ vẫn nằm trên bàn, trong góc phòng, ngỡ ngàng, không hiểu ý ngài ra sao. Nhà vua thong thả nói:

- Khi các khanh đói, ta cho quan ngự thiện bưng ra hai mâm. Một mâm thức ăn, một mâm vàng. Thế mà chả ai chú ý đến mâm vàng, thấy thức ăn là sáng mắt. Lại bảo vàng quý hơn cơm gạo, là thế nào?

Triều thần bỗng dưng như thức tỉnh, vội vàng quỳ xuống lĩnh ý. Nhà vua, vẫn tư phong chậm rãi, đường bệ, nói:

- Vàng bạc là thứ quý báu, không thể phủ nhận điều ấy. Nhưng, nước ta đất đai trù phú, mênh mông. Với muôn dân, với quốc gia, vàng bạc châu báu không thể sánh bằng vỡ ruộng trồng cây. Vàng bạc trong nhà, trong kho sẽ có ngày cạn kiệt. Vàng trong đất thì càng vỡ càng nhiều. Muốn dân chúng no đủ, quốc gia thái bình, thì phải dạy người dân tìm vàng trong đất. Để đất nở hoa, sinh sôi, nuôi sống con người. Các khanh hiểu ý trẫm chưa?

Các quan dập đầu kính nể.

Những ngày sau đó, các quan canh nông chân vắt lên cổ, cả ngày không hết việc để làm. Ở những mảnh đất cằn, những cánh đồng hoang, những đồng bãi ven rừng cây, cứ đêm về, thấp thoáng những bóng người đang đào đào, chôn chôn cái gì đó.

Nhiều ngày sau, trên phố đông, nơi làng mạc, ở cả thành Đông, thành Tây, thành Nam hay thành Bắc, ở cả thành Nội hay thành ngoại, rộn rã tiếng lính tráng đi khắp nơi bắc tay làm loa kêu gọi:

- Loa loa loa, nay thiên hạ thái bình, trời thương đất Việt, cho đất sinh vàng, nhà vua bảo, dân ta cày đất hoang mà lấy vàng thần, vỡ ruộng cằn để lấy bạc trời cho! Loa loa loa...

Tiếng kêu gọi vang khắp các nẻo đường. Người dân Hoa Lư bán tín bán nghi, chẳng biết thế nào.

Năm Đinh Hợi, hiệu Thiên Phúc năm thứ 7 (987), nhằm sáng mùa xuân trời trong mát, lễ Tịch điền diễn ra. Sáng ấy, nhà vua quần xắn cao, chân để trần, bước xuống ruộng trong tiếng hò reo của bá quan, muôn dân vây quanh ruộng. Cánh đồng Đội Sơn trước nay vẫn hoang hóa, chẳng ai để mắt, hôm nay bỗng chật ních những người là người. Nhà vua nhấn cày xuống mảnh đất, đi những đường cày đầy dứt khoát. Có tiếng người dân trầm trồ:

- Nhà vua cày giỏi không kém nông phu.

Lưỡi cày bỗng khựng lại, phát ra một tiếng “cốp” từ lòng đất. Nhà vua dừng cày, bảo:

- Dưới đất có đá lớn, đào lên cho ta.

Quân lính vội vã đào đất, nhưng thay vì đã lớn, lại bắt được một hũ sành. Đổ ra trong ấy có không ít bạc thỏi. Dân chúng ồ lên kinh ngạc, bàn tán không ngớt.

Cũng trong buổi sáng mùa xuân ấy, nhà vua đích thân cày ruộng ở núi Bà Hối, lại bắt được hũ vàng bạc to hơn nữa, ngài đặt tên đất đó là ruộng Kim Ngân. Những ngày hôm sau, đầu xuân, tiết nông nhàn, thế mà khắp làng, khắp xóm, người ta vác cày vác cuốc đi vỡ đất. Những cánh đồng hoang bỗng đông nghịt người cày xới. Tin đồn truyền khắp Hoa Lư, lan đi mọi miền đất nước, rằng trời phù hộ cho muôn dân đất Việt, người nào chăm chỉ cày cuốc, đất sẽ bật lên vàng.

* * *

Sáng đầu xuân năm 989. Vua Lê Đại Hành đứng trên tường thành cao, nhìn rộng khắp Hoa Lư. Nhà vua lặng lẽ ngắm dòng sông Hoàng Long uốn khúc, đẹp như một bức tranh vẽ. Những núi đồi trùng điệp bao bọc xung quanh vòng đai kinh đô như tấm bình phong lộng lẫy. Đã bao lần, trong những buổi sáng xuân thế này, nhà vua ngập tràn xúc động trước cảnh sắc tuyệt đẹp của nước Nam. Nhưng sáng hôm nay, lòng vua còn xúc động hơn thế.

Ngài nhìn những đồng lúa xanh rập rờn, một màu xanh mướt phủ khắp nơi. Những cánh đồng khô khoai màu xanh non sau vụ mới. Màu xanh ấy, nhà vua thấy là màu xanh đẹp nhất trên đời. Vua như nghe thấp thoáng tiếng hát véo von đâu đó, tiếng hát ngọt ngào, ấm áp cất lên từ niềm vui no ấm, của những làng mạc thanh bình.

* * *

Một căn nhà tranh nho nhỏ nhưng sạch sẽ, tươm tất ở ngoại thành. Dưới gốc cây đa cổ thụ có một chiếc chõng che. Một nhà 4 người đang ngồi ăn mâm cơm đầu năm. Trên mâm cơm có bánh chưng, củ kiệu, dừa hành và thịt kho tươm tất. Một cây đào hồng thắm đang nở hoa trước nhà. Mấy đứa trẻ mặc áo mới, mặt cũng tươi như cánh hoa đào.

Truyện ngắn của Ngọc Mai