[Truyện ngắn] Tuổi Dần

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày thứ mười lăm trên ngọn đồi nhỏ sau nhà, chị ngồi u sầu, ánh mắt dõi theo những người chở hàng đi qua. Một vài tiếng vo ve của lũ ong ruồi đi lấy mật. Mặc kệ, chị vẫn ngồi im như thế, bất động.

Trong nhà, những người hàng xóm đã về hết. Chỉ còn lại anh em bà con phía bên nội. Họ đang bàn nhau chuyện đưa hài cốt thằng nhỏ về dưới quê nội, chăm sóc trong khuôn viên của dòng họ. Rồi tính đến chuyện hôn nhân gia đình chị, chắc người ta cũng xúi anh bỏ chị. Ngôi nhà này, giờ còn ai đâu mà níu giữ bước chân chị. Chị nghe lòng mình nhẹ bẫng. Cảm giác trước mắt mình là khoảng không dài bất tận, chỉ muốn ào vào đó, chạy thật nhanh, trốn khỏi cảm giác bất lực lúc này.

Chị tuổi Dần, điều đó chỉ có anh biết, khi anh chị kết hôn được hai năm. Những ngày thủ thỉ chuyện con cái, chị đã nhỡ miệng nói ra điều đó. Trước nay, anh chưa hề quan tâm tới điều đó. Thậm chí tới khi kết hôn, anh và mẹ đi coi ngày cưới, anh vẫn nói chị tuổi con mèo. Vậy là thầy coi cho hai người tuổi đó, rồi cứ thế tiến đến hôn nhân và hạnh phúc cho tới tận bây giờ. Thằng nhóc ra đời ở năm thứ ba, cũng không phải là điều khá muộn. Nhưng mẹ anh vốn là người quan niệm xưa cũ, khi chưa thấy chị mang bầu, bà bắt xe từ dưới quê lên, mang một đống lỉnh kỉnh những thứ thuốc dưới đó, tỉ mẩn sắc cho chị uống. Thậm chí bà còn bảo, uống vào vừa dễ đậu thai lại sớm có con trai nữa. Chị tin, tất nhiên là phải tin. Mỗi đêm nhắm mắt uống thứ thuốc đắng ngắt đó, nó cứ lợn cợn ngay cổ họng. Nhiều lần chị muốn nhổ ra, nhưng ánh mắt mẹ anh như giao cau xía vào thân hình gầy gò của chị. Ánh mắt muốn nuốt chửng lấy những khát khao, tham vọng mà chị đang dần ấp ủ cho ngôi nhà tương lai của mình. Ngày chị cấn thai, không phải là những ngày mẹ anh túc trực bên cạnh, hối thúc uống thuốc này, thuốc kia. Mà chính là ngày hai vợ chồng mua được một mảnh đất mới, anh kêu mấy thợ xây trong làng tới làm tạm một căn nhà nho nhỏ. Chuyển từ chỗ nhà cũ qua, được một tháng sau thì chị thấy cơ thể mình thay đổi, thèm ăn và cảm giác tăng cân. Chị âm thầm mua que thử. Không tin vào mắt mình nữa, chị đã mang thai đứa con đầu lòng sau những tháng ngày mong mỏi. Mẹ anh biết tin mừng rơm rớm nước mắt, mẹ chị cũng thế, tất tả mấy trăm cây số, mua thuốc an thai, đồ ăn bổ dưỡng cho chị. Những lúc đó, sao chị thấy mẹ anh hiền đến lạ. Hai bà thông gia ngồi bên cạnh nhau, rổn rảng nói về sự ra đời của một đứa trẻ. Chị cứ ước, giá như khoảng không gian đó, kéo dài mãi thì hay biết bao.

Thằng nhóc ba tuổi, đúng cái ngày anh về quê làm mộ cho ông bà tổ tiên. Chị xuống chợ phiên mua đồ về cúng, thằng nhóc chơi với bà ngoại ngoài sân. Bà lụi cụi làm vườn, nó chạy tung tăng bên cạnh. Vậy mà không hiểu nó chạy ra bờ sông khi nào, bà ngoại cũng không hề hay biết. Khi chị về tới nơi thì bà ngoại đã hoảng loạn, rũ rượi dưới gốc đa đầu xóm. Chồng chị hay tin đã kịp bắt xe về, hai bên nội ngoại tập trung đông đúc trong ngôi nhà chật hẹp của anh chị. Tiếng khóc, vật vã, nỉ non... chị chỉ mơ hồ cho đến khi người ta đưa thằng nhỏ về tới sân. Những thanh niên trai tráng ùa ra, kéo người nhà vào bên trong. Người ta nói nếu như để người nhà khóc, thằng nhóc sẽ bị ộc máu tươi, vì thế, chẳng ai cho người thân tiếp cận nó, cho tới khi nó nằm yên bình trong chiếc quan tài nhỏ. Kết thúc một kiếp người ngắn ngủi.

Chị bình yên được đến ngày thứ ba, sau khi người ta làm lễ cúng cho nó xong. Như một con thú hung dữ, anh lao ra túm lấy cổ chị, dằn nắm đấm, nghiến răng kèn kẹt. Anh gào lên trong vô vọng:

- Là cô, chính cô là người giết con tôi, đồ phụ nữ sát phu, sát tử.

Chị đứng tim tại chỗ. Người chồng mà chị trân quý bấy lâu nay đây sao? Hình tượng ấy đổ sụp trước mắt chị. Cũng từ câu nói của anh, mẹ chồng lờ mờ nhận ra có điều gì đó xưa nay anh cố gắng dấu bà. Cho đến hôm nay thì chị bị đem ra mổ xẻ giữa dòng tộc họ nội. Thằng nhóc mất chưa đầy tháng, tâm trạng chị xáo trộn. Như một cái cây leo lắt giữa sa mạc khô cằn, chị chấp nhận hết những điều kiện mà phía bên kia đưa ra, không một lời oán than. Ngày chị rời khỏi căn nhà nhỏ xinh của mình, trong tay chỉ vỏn vẹn mấy trăm bạc, một chiếc nhẫn vàng mẹ trao hồi đám cưới. Chị đứng bên bờ sông, nghe gió thổi ngang tai. Những bước chân chậm rãi về phía cuối làng. Những người hàng xóm đi qua, người hỏi câu này, người hỏi câu kia, nhưng chị chỉ lắc đầu, bước vội.

* * *

Ba năm, đủ để người ta quên những quá khứ không mấy tươi đẹp, gạt đi ưu phiền để bước tiếp. Nhưng nỗi đau mất con thì chưa bao giờ nguôi trong tâm trí chị. Ngày chị thất thểu lên thành phố xin làm công nhân, một số công ty lắc đầu không nhận vì nhìn chị quá gầy gò và tiều tụy, không một chút sức sống. Người ta bảo lỡ chị đổ bệnh ra ở đó, không ai có thể đỡ được. Lang thang vòng thành phố, cuối cùng chị đành tìm một tiệm vàng, bán nốt chiếc nhẫn. Rồi tìm một phòng trọ, thuê ở để tìm công việc. Vật vã một tháng trời, xoay vòng trong căn phòng chật hẹp, cuối cùng cũng có một công ty nhận chị vào làm. Lương ban đầu khá thấp, nhưng cũng đủ để chị trang trải cho cuộc sống nơi đây. Vốn tính tiết kiệm, tằn tiện nên hằng tháng thậm chí chị còn dư được chút đỉnh. Chị gom lại, gửi về quê cho mẹ. Ngày nhận bọc tiền trong tay, bà khóc như mưa. Khóc vì biết chị ở đâu đó nhưng vẫn bình an. Khóc vì quãng thời gian làm vợ nhà người ta, con mình đã quá khổ.

Nhiều hôm bà ngồi bên thềm, than ngắn thở dài. Nói với ông bố:

- Cái con nhỏ này kì lạ, hồi ý có ba ngày nữa là tới Tết, sao nó không nằm yên trong bụng, giao thừa nổ pháo đùng cái thì chui ra. Đằng này…

Bố chị nhăn mặt:

- Bà này lạ, nếu ai cũng tính được giờ mà chui ra thì đã khỏe. Mà tính năm âm lịch thì nó là tuổi Dần, chứ năm dương lịch, cũng qua tuổi Mão từ đời nào rồi. Quan niệm xưa quá là xưa, cái chính là lấy nhau về đùm bọc lẫn nhau, tuổi nào mà chả là tuổi. Đến lúc thì phải dựng vợ, gả chồng, cứ quan niệm vậy con gái tuổi Dần không ai lấy được chồng chắc?

Bà không nói gì, chỉ lẳng lặng ngồi đan len. Ngẫm nghĩ về con đường phía trước của con gái. Chông gai, mịt mờ và đầy định kiến. Bà thủ thỉ:

- Nếu nó đi bước nữa, ông có đồng ý không?

- Việc gì mà không đồng ý, nếu nó muốn, tất thì sẽ có thôi.

* * *

Công việc ở công ty thuận lợi, chị có vẻ có da có thịt hơn. Thêm nữa ở thành phố, cuộc sống công nhân ngày ngày ở trong xưởng nên chị trắng trẻo ra. Lại như con gái đôi mươi. Nét đẹp dịu dàng của chị luôn khiến cho những chàng trai trong công ty để ý. Một bữa, sau khi tăng ca xong, chị lội bộ về nhà trọ vì chỗ làm cách nhà trọ chỉ mấy bước chân. Anh Hoan – trưởng chuyền sản xuất lẽo đẽo theo sau. Anh xin được chở chị về. Nhưng chị lắc đầu, bảo nhà trọ gần, chị cũng không cần anh tốn công đâu. Mấy lần như thế, anh vẫn đeo đuổi chị. Thậm chí trong công ty, nhiều lần anh đến chỗ chị ngồi, lúc đưa hộp cơm, lúc chai nước, làm chị ái ngại vô cùng. Cứ nghĩ đến nỗi đau mất con và sự ghẻ lạnh của nhà chồng, đêm nào chị cũng toát mồ hôi bởi ác mộng. Chị không muốn người khác phải chịu cùng mình những run rủi từ trên trời rơi xuống. Mà kể ra, chị thấy khi một mình, mọi thứ đến với chị nhẹ nhàng hơn. Lại là một buổi tối anh Hoan theo chị về tận phòng trọ, chị quay ra, nhìn anh với con mắt hình viên đạn. Chị gằn giọng:

- Anh hãy thôi ý nghĩ theo đuổi tôi đi, anh có biết tôi là con gái tuổi Dần không?

Anh Hoan khựng lại một chốc. Rồi anh hiền từ bảo:

- Tuổi gì cũng là con người mà em, anh thực sự quan tâm em bởi sự dịu dàng nhu mì của em, chứ anh không quan trọng tuổi.

Ánh mắt sắc lạnh của chị khiến anh Hoan chùn bước. Anh cảm nhận có nỗi đau nào đó luôn ngự trị trong trái tim chị. Tối đó, anh lặng lẽ chào chị, trở về nhà. Nhưng anh không thôi ý định sẽ quay lại một lần nữa. Vì anh biết chị không phải là người như vậy.

* * *

Lại nói về anh chồng thuở trước, sau khi đẩy chị ra khỏi nhà không thương tiếc, anh đã nhanh chóng được mẹ chồng tìm cho một cô gái khác làng, trẻ và có nhan sắc. Với miệng lưỡi của bà, bà giấu nhẹm chuyện anh đã có một đời vợ. Nhưng “giấy thì chẳng bao giờ gói được lửa”, khi cô phát hiện anh đã từng có vợ, thậm chí đuổi vợ ra khỏi nhà với bàn tay trắng. Cô ầm ầm như thú dữ. Việc mà xưa nay, khi ở với chị, anh chồng chẳng bao giờ thấy. Anh ngồi ôm đầu chịu trận. Lẽ nào những việc anh làm trong quá khứ bây giờ mới thực sự ứng nghiệm. Ba năm chị rời khỏi căn nhà nhỏ bé đó, cũng là ba năm anh chịu trận với sự hung dữ của cô vợ hai. Mấy lần mẹ chồng qua, thấy anh đang lụi cụi dưới bếp nấu cơm. Bà xót xa:

- Vợ đâu, cái việc này là việc của con sao?

- Nó đi làm công ty, thời gian đâu mà lo ba việc này. Ở nhà không làm gì, thì con cũng phải phụ nó chứ?

- Được, được, xưa thì cơm bưng nước rót. Giờ thì rúc dưới váy vợ, sướng nhé!

Mẹ anh nhăn trán, lại đưa con mắt sắc như dao cau lườm một lượt trong nhà. Bà lại tru tréo lên:

- Rồi bao giờ đẻ con cho tao bế?

Anh nhìn mẹ của mình, lắc đầu ngán ngẩm:

- Dâu của mẹ chọn đấy, bảo cổ đẻ cho mà bế!

Bà tức lồng lộn, đứng ngay sau nhà chửi đông đổng. Mặc kệ, anh vẫn băm băm chặt chặt trong nhà. Biết sai trái rồi, có níu lại cũng không được nữa. Anh đã đẩy chị, đẩy thanh xuân và những uất nghẹn đi theo bước chân rời làng của chị ngày đó. Mặt mũi nào anh dám tìm lại và mong thứ tha.

* * *

Mùa Đông gõ nhẹ cánh cửa phòng, mang không khí lành lạnh phương Bắc tới. Sáng nay chủ nhật, chị được ở nhà nghỉ ngơi. Không khí Tết ngập tràn ngoài kia. Tết nay dịch dã, chị cũng chẳng mua vé tàu về quê. Chị gói ghém ít đồ, gửi về cho bố mẹ.

Chợt chuông tin nhắn vang lên, ở đâu số lạ nhắn cho chị:

- Em có khỏe không? Lâu nay em ở đâu? Công việc chồng con thế nào rồi?

Chị không nhắn lại. Chị biết là anh, chồng cũ của chị thuở nào. Hôm trước mẹ chị có điện thoại, bảo chồng con nó đã lấy vợ ngay sau khi con đi mấy tháng. Coi như không còn duyên, nợ với nhau. Dứt áo cho nó lành.

Ngoài ngõ có tiếng ý ới:

- Thủy ơi, đi sắm Tết nè, anh chở đi.

Là anh Hoan. Cô tưởng sau những lời sắc lạnh hôm đó, anh đã bỏ cuộc. Nhưng hôm nay anh lại đến. Nhìn anh có vẻ tha thiết chân thành. Chị bê chậu quần áo ra sân trước, nở nụ cười nhẹ nhàng:

- Được rồi, anh vô nhà uống nước, chờ em chút, em đi cùng…

Truyện ngắn của Thụy

Đọc thêm