Từ 1/7/2024: Lương cơ sở tăng cao nhất từ trước tới nay

(PLVN) -Chiều 20/6, tại họp báo cung cấp thông tin định kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất chủ trương tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên 30%.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ tại cuộc họp báo.

Làm từng bước thận trọng, chắc chắn

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, cải cách chính sách tiền lương là vấn đề lớn, hệ trọng, rất phức tạp, nhạy cảm, tác động tới hàng chục triệu đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong khu vực công; tác động tới trên 50 triệu đối tượng hưởng các cơ chế, chính sách gắn với lương cơ sở. Vì vậy, khi triển khai vấn đề này phải bảo đảm nguyên tắc thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, thấu đáo, đồng bộ, cụ thể, rõ đến đâu thực hiện đến đấy và không thể nóng vội. “Chỉ cần nóng vội thôi là rất nguy hiểm”- Bộ trưởng Trà nhấn mạnh.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sáng qua (19/6), Bộ Chính trị đã quyết định chủ trương về cải cách chính sách tiền lương. Chính phủ báo cáo Quốc hội một số giải pháp thực hiện điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội...

Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã tổ chức tới 21 cuộc họp.

Khi cải cách tiền lương phải ra được phương án tốt nhất có thể trên các nguyên tắc sau: Thứ nhất, đảm bảo hài hòa, tương quan giữa các đối tượng; công bằng, bình đẳng. “Nếu không bảo đảm tương quan giữa các đối tượng thì không ổn. Bởi có đối tượng tăng nhiều, có đối tượng tăng ít, có đối tượng không tăng, thậm chí thấp đi”- bà Trà nói.

Nguyên tắc thứ hai, thực hiện trên một yêu cầu chung, đó là làm từng bước theo lộ trình, rõ đến đâu làm đến đấy, những gì còn khó khăn, vướng mắc, bất cập phải rất thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng và nếu chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện.

Thứ ba, khi cải cách tiền lương thì phải tăng lương. Nếu cải cách tiền lương mà không đạt được mục tiêu tăng lương thì sẽ không có ý nghĩa. Do đó, phải bám sát Nghị quyết 27- NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (Nghị quyết 27) nhằm nghiên cứu phương án cho phù hợp nhất để tất cả các đối tượng liên quan đến chính sách tiền lương phải được tăng lương. “Đấy mới là mục tiêu của Nghị quyết 27, là mục tiêu của Đảng và là mong muốn của tất cả đội ngũ cán bộ, công chức viên chức và các đối tượng khác có liên quan”- Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu rõ.

Thực hiện tốt kiềm chế lạm phát

Trên cơ sở 3 nguyên tắc nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đã đưa ra một phương án rất sáng suốt. Đó là, đối với khu vực doanh nghiệp (DN), chúng ta thực hiện đầy đủ hơn theo đúng tinh thần Nghị quyết 27. Theo đó, điều chỉnh mức lương của người lao động trong khu vực DN từ ngày 1/7/2024 là 6%.

Đối với cải cách thực hiện tiền lương trong khu vực công, chúng ta phải thực hiện một cách thận trọng theo lộ trình từng bước, hợp lý, chắc chắn và tốt nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất, không được phép xáo trộn, không gây phức tạp tình hình và đạt được mục tiêu là tăng cho tất cả các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và hưởng các chính sách liên quan đến an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Theo đó, Bộ Chính trị thống nhất thực hiện 4/6 nội dung đã rõ của Nghị quyết 27.

Trong 4/6 nội dung này, có một nội dung rất mới theo tinh thần Nghị quyết 27 là bố trí 10% quỹ tiền thưởng bằng tổng quỹ lương cơ bản để thủ trưởng cơ quan, đơn vị thưởng đột xuất và thưởng thành tích hàng năm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan đơn vị. Việc này độc lập với khen thưởng của Luật Thi đua khen thưởng và độc lập với Quỹ thi đua khen thưởng. Đây là khoản kinh phí rất lớn và chưa từng có.

Quang cảnh buổi họp báo.

“Còn hai nội dung hiện nay đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh, đó là thực hiện trả lương theo vị trí việc làm và theo chức vụ, chức danh lãnh đạo thì chúng ta chưa thực hiện luôn mà thực hiện theo lộ trình. Thống nhất một nguyên tắc là tăng đều cho tất cả các đối tượng 30%”- Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà thông tin.

Như vậy, mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng đang được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện nay sẽ được tăng lên 2.340.000 đồng. Đây là mức tăng lương cao nhất trong lịch sử, đáp ứng mong mỏi của mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau. “Tăng thế này thì tất cả cùng vui, tất cả đều được hưởng như nhau”- bà Trà chia sẻ.

Phương án này được đánh giá là tối ưu và sẽ chính thức thực hiện từ ngày 1/7 tới đây. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tăng lương 30% cũng có nghĩa phải thực hiện tốt kiềm chế lạm phát để bảo đảm quyền lợi người lao động. Đây là bài toán đặt ra mà Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan đang phải tập trung giải quyết./.

Đọc thêm