Tháng 3/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1639/QĐ-BYT về tài liệu bổ sung hướng dẫn hoạt động dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng thuộc Đề án 818 đến năm 2030.
Tai họa tưởng như trên trời rơi xuống…
Chị M.T ở TP HCM đã có một thời gian dài nỗ lực chống chọi với căn bệnh ung thư cổ tử cung. Kể lại câu chuyện của mình, chị không thể quên những cảm xúc tiêu cực đã cùng lúc ập đến với chị và gia đình trong giai đoạn đó.
“Lúc bác sĩ thông báo tôi bị ung thư cổ tử cung, tôi không nói nên lời. Tại sao tôi còn trẻ, còn khỏe mà lại mắc căn bệnh hiểm nghèo này, con tôi lại còn quá nhỏ. Tôi tự hỏi mình còn sống được bao lâu, nếu tôi chết, con tôi sẽ ra sao.
Ngoài gánh nặng tâm lý thì đau đầu nhất là chuyện tiền bạc. Phải có tiền tôi mới điều trị sớm được, bệnh này không thể chờ đợi hay chậm trễ một ngày nào. Vợ chồng đi làm dành dụm bao nhiêu năm được ít tiền, định mua căn nhà che mưa, che nắng, giờ phải lấy tiền đó để chạy chữa thuốc thang nhưng cũng không đủ.
Chồng tôi phải đi vay mượn nhiều nơi. Nhà tôi cũng ít người, ông xã vẫn phải đi làm để có tiền lo cho vợ chữa bệnh. Hai chị gái của tôi, một người phải túc trực nuôi bệnh, một người trông nom con tôi ở nhà…” – chị kể.
Nhưng với chị M. T mất tiền, mất thời gian, sức khỏe giảm sút chưa phải là mất mát lớn nhất. Bác sĩ bảo rằng, bệnh này cơ hội có thai rất thấp. Trong khi đó, vợ chồng chị vẫn mong có thêm một đứa con nữa.
Phụ nữ bên cạnh các bệnh ung thư khác thì còn rất dễ mắc ung thư liên quan nhiều đến yếu tố giới tính là ung thư vú, ung thư phụ khoa bao gồm cổ tử cung, tử cung, buồng trứng… Hai loại bệnh ung thư này chiếm tới hơn một phần ba trong tổng số nữ giới mắc ung thư.
Thông tin từ Bệnh viện K cho thấy, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 75 nghìn phụ nữ phải gánh chịu căn bệnh ung thư, trong đó chỉ riêng tính ung thư vú và ung thư phụ khoa chiếm tới 34% tổng số ca mắc ung thư ở nữ giới.
Nhưng sinh mệnh lại nằm trong tay mình
Theo các tài liệu y học thì trong các loại ung thư ở nữ giới, ung thư vú, cổ tử cung đều có thể sàng lọc và phát hiện sớm. Ung thư vú là bệnh có thể phát hiện sớm nhất. Người bệnh ung thư vú nếu phát hiện sớm ở giai đoạn 1 thì tỷ lệ sống trên 5 năm là 100%, nhiều trường hợp sống 10 năm, 15 năm, thậm chí có những người lập gia đình, sinh con, với ung thư cổ tử cung là từ 80 đến 93%, ung thư đại trực tràng là 88%... Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn khi bệnh đã di căn, việc điều trị sẽ không mang lại hiệu quả cao.
|
Các biện pháp sàng lọc ung thư vú. |
Thế nhưng trong cộng đồng, nhiều phụ nữ vẫn chưa có kiến thức về phương pháp tự khám tại nhà và ý thức được tầm quan trọng của việc đi khám sàng lọc ung thư vú định kỳ, cho nên phần lớn người bệnh đến khám và điều trị đã ở giai đoạn muộn, khả năng chữa khỏi thấp, chi phí điều trị tốn kém và kéo dài. Ðáng lưu ý, các chị em có thể không nhận thấy các triệu chứng ung thư, hoặc có thể bỏ qua, cho rằng chúng ít nghiêm trọng.
Quay lại với câu chuyện của chị M.T ở TP HCM, chị cho biết: “Trước khi bệnh, tôi vô tư lắm, không nghĩ mình còn trẻ vậy mà cũng có thể mắc ung thư. Tôi cũng không biết là ung thư cổ tử cung có vắc xin để phòng ngừa. Đến lúc bệnh, tôi bắt đầu tìm hiểu thì mới biết, ung thư cổ tử cung có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào và trên thế giới, nhiều chị em phụ nữ đã tiêm phòng bệnh.
Sau tất cả, tôi thấy mình vẫn còn may mắn vì phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, lại được bác sĩ giỏi tận tình điều trị nên đã khỏi. Bây giờ, tôi biết lo hơn cho sức khỏe, nghỉ ngơi điều độ, ăn uống hợp vệ sinh như nấu ở nhà, hạn chế dùng thức ăn ngoài hàng quán, các món chiên xào... Tôi còn đi khám sức khỏe định kỳ, 6 tháng hoặc mỗi năm một lần. Khi trò chuyện với bạn bè, người thân, đồng nghiệp, các bạn gái trẻ, tôi luôn khuyên họ hãy nhìn vào tôi mà đừng lơ là sức khỏe”.
Tháng 3/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 1639/QĐ-BYT về tài liệu bổ sung hướng dẫn hoạt động dự phòng, sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng thuộc Đề án 818 đến năm 2030.
Theo đó, tài liệu nhấn mạnh các biện pháp sàng lọc ung thư vú bao gồm: Phụ nữ từ 20 tuổi trở lên phải tự rèn cho mình một thói quen tự khám vú vào một ngày cố định sau kỳ kinh nguyệt tầm 7-10 ngày, nếu thấy nghi ngờ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám sàng lọc, siêu âm, chụp X-quang tuyến vú, xét nghiệm, sinh thiết để tìm tế bào ung thư nếu cần thiết.
Với ung thư cổ tử cung thì biện pháp sàng lọc là các nghiệm pháp Via, Vili, xét nghiệm tế bào cổ tử cung, soi cổ tử cung, xét nghiệm, sinh thiết để tìm tế bào ung thư nếu cần thiết.
Theo Bộ Y tế, ngày nay, các cơ sở y tế đã ứng dụng các kỹ thuật mới làm cho việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư trở nên dễ dàng và khả thi hơn, như chụp nhũ ảnh và MRI cho ung thư vú, phiến đồ âm đạo PAP test và HPV test cho ung thư cổ tử cung, FOB test và nội soi cho ung thư đại trực tràng, chụp CT liều thấp cho ung thư phổi…
Với ung thư cổ tử cung, phụ nữ nên tiêm vắc xin phòng trong độ tuổi từ 9 đến 26 (vắc xin phòng nhiễm HPV), vắc xin phòng viêm gan B (HBV). Với những chị em có nguy cơ cao (trong gia đình có mẹ hoặc chị, em gái mắc ung thư vú, đột biến gen BRCA1/BRCA2, tuổi có kinh sớm, không sinh con…) nên đi khám, tầm soát sớm hơn.
|
Các biện pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung. |
Bên cạnh đó, tránh xa thuốc lá, hạn chế đồ uống có cồn, tập thể dục thường xuyên và xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý với nhiều rau quả, ngũ cốc, hạn chế đường, tinh bột, đồ chiên, xào, thực phẩm đóng hộp... để nâng cao sức khỏe, phòng ngừa ung thư.
Hơn ai hết chị M.P thấm thía sự ngăn ngừa phòng bệnh hơn chữa bệnh này. Và giờ đây khi đã không còn cơ hội để tránh cho bản thân mắc bệnh, chị dành sự quan tâm cho con gái mình. “Nếu như tôi có thể quay về thời trẻ, lúc tôi còn khỏe, khoảng hai mươi tuổi.
Tôi nhất định sẽ chịu khó tìm hiểu thông tin về sức khỏe, tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung và đi khám phụ khoa định kỳ. Bây giờ, tôi đã quá tuổi tiêm vắc xin, cũng đã mắc bệnh nên chỉ biết cố gắng để con gái tôi được tiêm vắc xin phòng ngừa ngay khi đủ tuổi” – chị cho biết.