Ngày 1/7-15/7, các trường trên địa bàn TP.Hà Nội bắt đầu nhận đơn tuyển sinh đầu cấp. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, tình trạng phụ huynh phải thức trắng đêm xếp hàng hoặc bốc thăm để cho con vào trường mầm non công lập dù đúng tuyến, tình trạng thiếu trường tại các khu đô thị vẫn diễn ra. Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Hiệp Thống - Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hà Nội đã thẳng thắn nhìn nhận về vấn đề này và một số bất cập khác của ngành giáo dục Thủ đô.
Bao giờ trẻ có đủ chỗ trong trường công?. Ảnh minh họa |
Chạy theo “thương hiệu”
- Báo PLVN vừa đăng bài “Bóng ma xin học giữa đêm quay lại Thủ đô” phản ánh tình trạng phụ huynh xếp hàng từ nửa đêm để nộp hồ sơ cho con em tái diễn tại Hà Nội. Ông có thể cho biết giải pháp nào để giải quyết tình trạng này?
- Việc này năm trước chỉ xảy ra ở một vài trường mầm non công lập chứ không phải diễn ra ở tất cả các cấp học. Để tránh tình trạng này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có văn bản hướng dẫn yêu cầu các trường cần phối hợp với UBND phường, xã, thị trấn trong công tác tổ chức tuyển sinh và tuyên truyền sâu rộng trong các tổ dân phố, thôn, xóm về chỉ tiêu tuyển sinh ở từng độ tuổi và thời gian tuyển sinh, đưa trẻ đến trường theo đúng độ tuổi được nhập học. Trường hợp số trẻ mầm non đăng ký học vượt quá khả năng tiếp nhận thì nhà trường phải ưu tiên tiếp nhận trẻ 5 tuổi, và sau đó là đến trẻ thuộc tuyến tuyển sinh được giao.
Từ những năm học trước, các quận nội thành có mật độ dân số đông luôn có điểm nóng về tuyển sinh trái tuyến. Vì vậy, Sở GD&ĐT đã tham mưu với Thành phố chỉ đạo, phân cấp triệt để cho UBND các quận, huyện, thị xã, các phòng GD&ĐT có kế hoạch và quy định phương án tuyển sinh sao cho phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, khả năng cơ sở vật chất của mỗi trường trên từng địa bàn; yêu cầu nhà trường phối hợp với UBND phường, xã, thị trấn trong công tác rà soát chính xác số học sinh (HS) trong độ tuổi cư trú trên địa bàn để tổ chức tuyển sinh. Với chủ trương “3 giảm” (giảm sĩ số HS/lớp, giảm số lớp ở những trường có quy mô quá lớn, và giảm số HS trái tuyến) đến nay sĩ số HS/lớp đã có nhiều cải thiện.
Thống kê cho thấy nếu tính bình quân, Thành phố vẫn luôn đảm bảo được đủ chỗ học cho HS tiểu học và THCS với tỷ lệ trung bình chỉ khoảng trên dưới 40 HS/lớp. Tuy nhiên, do nhu cầu học tập của HS và nguyện vọng của các gia đình cũng rất đa dạng, có những HS cư trú nơi này, hộ khẩu nơi khác, hoặc cũng có cha mẹ HS muốn xin cho con học trái tuyến ở trường gần nơi làm việc để thuận tiện đưa đón, rồi cũng có phụ huynh chê trường trên địa bàn mình nằm ở khu vực “dân trí thấp”, gần chợ búa, gần nhà nghỉ, trong ngõ hẹp... nên xin trái tuyến chỗ khác; hay cũng có nhiều khi trường rất khang trang gần nhà, nhưng vẫn muốn xin học trái tuyến vì nghe thấy trường này hay, trường kia là trường có “thương hiệu”...
Mặt khác, việc tăng dân số cơ học ở Thủ đô do việc nhập khẩu khá dễ dàng theo luật cư trú... cũng đều là những lí do tạo ra tình trạng học tráí tuyến, gây căng thẳng, áp lực đối với công tác tuyển sinh. Vì học trường trái tuyến mà hàng ngày các bậc cha mẹ và HS phải vô cùng mệt mỏi trên những chặng đường dài, đối diện với những nguy hiểm khi tham gia giao thông, vì thế vấn đề học trái tuyến luôn là điểm “nóng” mỗi khi mùa tuyển sinh đến khiến cho việc tuyển sinh không chỉ là áp lực cho phụ huynh mà cho cả ngành giáo dục và các cấp quản lý, nhất là những tỉnh thành có dân cư đông, có điều kiện sống cao như Hà Nội, TP.HCM...
Thủ đô cũng... “trắng trường”
Thưa ông, tình trạng “trắng trường” mầm non, tiểu học, trung học cơ sở (MN, TH, THCS) còn tồn tại ở Hà Nội không? Nếu có, nó diễn ra ở những quận, huyện nào? Hướng giải quyết trong thời gian tới ra sao?
- Theo quy định thì mỗi phường đều cần phải có một trường MN, TH, THCS. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số địa bàn ở nội thành chưa có đủ trường cho MN, TH, THCS như các phường Hàng Đào, Cửa Đông, Tràng Tiền của quận Hoàn Kiếm; Ngã tư Sở, Khâm Thiên của quận Đống Đa... và một số khu đô thị mới chưa có đủ trường công lập như Khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì (huyện Từ Liêm), Thạch Bàn, Việt Hưng (quận Long Biên), hay Văn Phú, Phú La (quận Hà Đông)...
Trong kế hoạch xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp ở Hà Nội, Sở GD&ĐT đã có tham mưu với Thành phố về chủ trương ít nhất có một nửa số điểm trường tại các khu đô thị mới phải là trường công lập, số còn lại xây theo mô hình xã hội hóa. Việc để dành quỹ đất để xây dựng trường học công lập tại các khu đô thị mới nhằm giải quyết chỗ học cho trẻ trong khu đô thị và đó cũng là việc làm giảm áp lực trái tuyến cho những trường học ở khu vực lân cận. Trong kế hoạch giải tỏa các nhà máy xí nghiệp và các trường đại học ra khỏi nội thành, Thành phố cũng đã có chủ trương sẽ ưu tiên dành một phần quỹ đất ở đó để xây dựng trường học.
Ngoài ra, với các quận nội thành, phương án thí điểm thiết kế xây trường học cao tầng để tăng số mét vuông sàn sử dụng như ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm vừa qua cũng đã thu được kết quả tích cực, tăng thêm nhiều chỗ học cho HS. Tuy nhiên, để giải quyết toàn bộ những bất cập nêu trên, thì không thể làm ngay trong ngày một ngày hai mà cần có thời gian và lộ trình thích hợp. Trước mắt, ở những phường chưa có trường, các địa phương cũng đã chủ động bố trí phân tuyến cho HS học ở các phường lân cận như Trường MN Quang Trung (quận Đống Đa) được mở rộng nâng cấp để đón HS phường Trung Liệt, HS phường Ngã Tư Sở về học tại Trường MN Hoa Hồng và MN Vĩnh Hồ... Còn HS ở các khu đô thị nào chưa có trường cũng tạm thời được phân tuyến về học ở các phường lân cận.
"Ăn" không hết...
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có những trường (chuẩn) nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Năm nay, vấn đề này được Sở giải quyết như thế nào?
- Đúng là có tình trạng có một số trường nằm ngay khu vực nội thành, có điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tốt nhưng hàng năm vẫn tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Đó thường là những trường nằm trên địa bàn phức tạp, điều kiện kinh tế của cư dân trên địa bàn này còn khó khăn, gần chợ búa, gần nhà nghỉ, trong ngõ hẹp... dẫn đến tình trạng phụ huynh không muốn cho con em mình học ở đây mà xin học trái tuyến chỗ khác.
Để khắc phục tình trạng này, các trường cần tổ chức tuyên truyền giải thích rõ cho cha mẹ HS không nên vì hiệu ứng về “trường điểm”, “lớp chọn” mà phải mất công sức lo cho trẻ học trái tuyến gây mệt mỏi cho cả HS và gia đình. Chính tại những trường có quy mô nhỏ, sĩ số HS/lớp ít thì giáo viên lại càng có điều kiện quan tâm đến từng HS, khác hẳn ở những lớp chen chúc đến trên 50-60 HS, lại ngồi trong những phòng chỉ thiết kế cho 35-40 HS.
Mặt khác, Thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành giải tỏa các chợ cóc, hàng nước, các quán game internet và các dịch vụ “nhạy cảm” để trả lại cảnh quan, môi trường sư phạm xung quanh trường học.
Toàn xã hội và ngay chính bản thân phụ huynh HS, những người trong cuộc cần có sự đánh giá đúng và nhìn nhận khách quan, chính xác về việc bố trí cho con em mình học ở trường nào cho phù hợp.
Xin cảm ơn ông!
Phải nhận trẻ 5 tuổi có hộ khẩu trên địa bàn Có một thực tế là hiện nay trường mầm non công lập, nhất là tại khu vực nội thành còn đang thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Hơn nữa, do chất lượng các trường ngày càng nâng cao mà học phí lại thấp (so với trường tư - PV) nên đa số các gia đình đều muốn con vào các trường công lập. Năm nay, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo sát sao nên đã giảm rất nhiều tình trạng phụ huynh xếp hàng nhập học cho con từ nửa đêm. Tình trạng này tái diễn ở Trường MN Thành Công A do tại đây số lượng trẻ đến tuổi quá đông nên dù đúng tuyến nhưng cũng chưa đáp ứng đủ. Bên cạnh đó, nhiều gia đình quá lo lắng nên đã dẫn đến tình trạng xếp hàng từ đêm để nộp hồ sơ. Các trường dành ưu tiên đón trẻ 5 tuổi để có bước chuẩn bị tốt vào tiểu học. Nếu Hiệu trưởng trường nào từ chối nhận trẻ 5 tuổi có hộ khẩu trên địa bàn sẽ bị xử lý theo quy định. Bà Nguyễn Thị Lan Hương (Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT TP.Hà Nội) |
Uyên Na - Nghiêm Huê (thực hiện)