Từ “cánh chim đầu đàn” trở thành con nợ “khủng”

Công ty Cổ phần Thiết bị giáo dục I một thời được ví là “cánh chim đầu đàn” trong khối doanh nghiệp thuộc ngành Giáo dục và đào tạo. Nhưng nay, “cánh chim” này đang rã cánh...

Công ty Cổ phần Thiết bị giáo dục I một thời được ví là “cánh chim đầu đàn” trong khối doanh nghiệp thuộc ngành Giáo dục và đào tạo. Nhưng nay, “cánh chim” này đang rã cánh...

Nợ như “chúa chổm”

Vốn là doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực giáo dục, những mãi đến năm 2007, Cty này mới tiến hành xong việc cổ phần hóa với vốn điều lệ khoảng 23,5 tỷ đồng; trong đó Nhà nước nắm giữ là 51%. Tuy nhiên, sau 4 năm chuyển sang cổ phần, doanh nghiệp này rơi vào tình trạng kém phát triển, tình hình tài chính thiếu rõ ràng, nợ nần chồng chất.

Theo Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Thiết bị giáo dục I - Hoàng Thị Kim Loan, từ khi bà nhận điều hành (1/7/2011) đến nay, tài khoản của cty chẳng có lấy một đồng, tình hình tài chính của Cty vô cùng ảm đạm. “Tính đến 30/6/2011, Cty đang phải gánh nợ trên 20 tỷ đồng. Một nửa trong đó là tiền nợ tiền thuế VAT, thuế nhà đất và tiền bảo hiểm xã hội cho cán bộ, nhân viên. Riêng khoản bảo hiểm, nếu không trả thì có nguy cơ bị kiện ra tòa…” – bà Loan cho hay.

Cũng theo bà Loan, ngoài khoản cty nợ bên ngoài, hiện có có 268 đối tượng bên ngoài vẫn đang nợ cty gần 18 tỷ đồng. “Chúng tôi đang ra sức thu hồi, nhưng xem ra rất khó khăn, bởi hiện mới chỉ đối chiếu công nợ được khoảng 40 đối tượng, với số tiền rất nhỏ trên tổng số 18 tỷ đồng” – bà Loan nói.    

Công ty thiết bị giáo dục 1 từng là niềm tự hào của nghành giáo dục.
Công ty thiết bị giáo dục 1 từng là niềm tự hào của nghành giáo dục.
Bức tranh của cty này cũng được phản ánh một cách khá chân thực qua đời sống của cán bộ, nhân viên khi có thời điểm người lao động ở đây chỉ nhận được 50% lương tháng; thậm chí có lúc hoạt động của doanh nghiệp này bị đình trệ hoàn toàn.

“Cắm” cả… giấy tờ xe

Mới đây, trong một cuộc họp đẩy nhanh tiến độ bàn giao vị trí lãnh đạo cty giữa ông Nguyễn Ngọc Hải sang bà Hoàng Thị Kim Loan, ban lãnh đạo cty này đã  đề cập 3 vấn đề: Xúc tiến việc bàn giao, quản lý tài sản trong quá trình bàn giao và xem xét phần công nợ phải trả. Theo đó, cty thống nhất dù công tác bàn giao chưa xong, nhưng quan điểm chung là làm ra đồng nào sẽ ưu tiên cho trả nợ, nhất là các khoản nợ của Nhà nước. 

Nghị quyết của Hội đồng quản trị Cty đề ra như thế nhưng kỳ thực, ngay cả việc trả những khoản nợ nhỏ nhất tại thời điểm này đối với cty là “bất khả”. Tại trụ sở, nhiều tháng nay những chiếc ôtô của cty không thể xuất “chuồng” vì giấy tờ của các phương tiện thiết yếu này đã bị lãnh đạo cũ cầm cố ngân hàng để vay tiền. “Mỗi lần có công việc, tôi phải đi xe ôm vì mấy chiếc xe đã hết hạn sử dụng, giấy tờ thì bị đưa đi “cắm” hết”- Phó tổng giám đốc Cty Trần Quốc Thịnh ngán ngẩm.   

Theo Ban lãnh đạo mới, đã có nhiều sai lầm nghiêm trọng trong quản lý doanh nghiệp này nhiều năm qua. “Suốt từ năm 2007 – 2009, cty không tiến hành đối chiếu công nợ hàng năm. Nhiều khoản thu –chi không rõ ràng. Khi tôi nhận điều hành, bảo tôi lãnh luôn “cục nợ” này thì làm sao tôi nhận được”- bà Loan bức xúc.  Có lẽ vì tình trạng bùng nhùng như vậy mà trong 5 tháng qua, dù Tổng giám đốc mới đã 12 lần yêu cầu thực hiện việc bàn giao nhưng Ban lãnh đạo cũ không chịu thực hiện. 

Đáng nói, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đơn vị quản lý 51% vốn nhà nước tại doanh nghiệp này hiện vẫn chưa có biện pháp gì để ổn định tình hình Cty. Về vụ việc này, PLVN đã liên lạc với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa (lãnh đạo được phân công quản lý mảng cổ phần hóa doanh nghiệp) để tìm hiểu thêm. Ban đầu Thứ trưởng Nghĩa đồng ý tiếp nhưng trong lúc phóng viên chờ đợi thì thư ký của bà Nghĩa lại cho biết vì bận họp, thứ trưởng cáo lỗi không tiếp được và yêu cầu phóng viên liên lạc lại sau. 

Phi Hùng – Tuấn Anh

Đọc thêm