Với chiếc áo ngắn tay màu xám quen thuộc ướt đẫm mồ hôi, hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính đã vô cùng quen thuộc với người dân cả nước khi ông thường xuyên có mặt tại các “điểm nóng”, các dự án đầu tư, các cuộc gặp gỡ… để giám sát kiểm tra, động viên, có các chỉ đạo điều hành kịp thời. Kinh nghiệm thực tế vô cùng dày dặn, ông là một trong những người nắm rõ tình hình thực tế trên cả nước, trong đó có cả những vướng mắc từ quy định pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nên đã có những gợi ý rất sâu sắc, rất đáng suy ngẫm.
Thủ tướng kể, tháng 9/2024, sau cơn bão Yagi, lượng nước đổ về hồ Thác Bà vượt quá khả năng xả, nguy cơ mất an toàn. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh kiểm soát lũ từ thượng nguồn và giao Hà Nội cùng một số tỉnh chuẩn bị "kịch bản xấu nhất" có thể xảy ra với hồ Thác Bà. Tuy nhiên, Thủ tướng nhận thấy người quản lý đê điều là Bộ trưởng NN&PTNT, nên luật cần giao quyền quyết định phá đập cho Bộ trưởng. Trong điều kiện mưa lũ, Thủ tướng phải di chuyển liên tục để chống bão, việc liên lạc gặp khó khăn, mà Bộ trưởng phải chờ chỉ đạo từ Thủ tướng là chưa phù hợp.
Để giải quyết tình huống này, Thủ tướng đã cử một Phó Thủ tướng đến hồ Thác Bà để thị sát tình hình. Nếu không thể liên lạc được với Thủ tướng, thì Phó Thủ tướng có quyền quyết định.
Một tình huống khác, khi lũ quét tại một tỉnh miền núi phía Bắc, một trưởng thôn phát hiện đất nứt lở liền chủ động sơ tán toàn bộ dân đến nơi an toàn. Tuy nhiên, do mất thông tin liên lạc, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo Thủ tướng cả thôn bị lũ cuốn trôi. Đoàn công tác đến kiểm tra không thể tiếp cận vì địa hình chia cắt. Mãi sau này họ mới nhận tin cả thôn vẫn còn sống nhờ quyết định kịp thời của trưởng thôn.
Thủ tướng cho rằng, nếu di dời an toàn, trưởng thôn là anh hùng. Nhưng nếu trong quá trình sơ tán, người dân gặp nạn, thì vị trưởng thôn nọ có thể bị coi là tội đồ.
Thủ tướng dẫn một số ví dụ khác, để nhấn mạnh cần tư duy đổi mới linh hoạt tiến bộ khi xây dựng pháp luật; đáp ứng tốc độ thay đổi nhanh của thực tế. Ông lấy ví dụ khi một cường quốc trên thế giới áp thuế tăng cao với một số mặt hàng nhập khẩu, nhiều nước lập tức có biện pháp ứng phó. Trong khi đó, theo quy trình hiện hành, Việt Nam phải qua nhiều bước xin ý kiến, dễ dẫn đến chậm trễ.
Một ví dụ khác, một số DN cho rằng có thể làm 60km đường trong 6 tháng, nhưng nếu theo quy trình Nhà nước, có thể kéo dài tới 3 năm. Vì vậy, Thủ tướng nói một số văn bản cần quy định khung mang tính nguyên tắc, tạo dư địa để linh hoạt thực hiện hiệu quả, miễn là không tham ô, tham nhũng, trục lợi nhóm, lãng phí.
Trong lịch sử nhân loại, lịch sử pháp luật, một trong những yếu tố quan trọng nhất với hệ thống pháp luật, là phải đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Sự phát triển của đất nước và cả thế giới yêu cầu trong kỷ nguyên mới, yếu tố này phải linh hoạt sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa. Những chỉ đạo, gợi mở của Thủ tướng vừa thực tế sát sườn, vừa sinh động như trên, rất có giá trị để các Đại biểu Quốc hội, cán bộ, cơ quan chức năng suy ngẫm, áp dụng trong công tác ban hành, sửa đổi VBQPPL.