Tự hào các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam

(PLVN) - “Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc là bước đột phá nhằm thực hiện đường lối đối ngoại của đất nước, đồng thời đánh dấu sự thay đổi cả về chất và lượng trong hoạt động hợp tác đa phương nói chung và về quốc phòng an ninh nói riêng”,  Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Các quân nhân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 lên đường tham gia lực lượng GGHB LHQ tại CH Nam Sudan.
Các quân nhân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 lên đường tham gia lực lượng GGHB LHQ tại CH Nam Sudan.

5 năm qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã triển khai 30 lượt sĩ quan, 1 bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp quốc (GGHB LHQ) tại phái bộ Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi.

Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 hoạt động hiệu quả

Năm 2014, Bộ Quốc phòng thành lập Trung tâm GGHB Việt Nam và cử 2 sĩ quan đầu tiên tham gia thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan, đánh dấu việc Việt Nam chính thức tham gia hoạt động GGHB LHQ. Tháng 10/2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 (BVDC 2.1) với 63 cán bộ, sĩ quan Việt Nam cũng đã được triển khai thành công, an toàn và hoạt động hiệu quả ở Nam Sudan.

Năm 2017, Việt Nam đã cử nữ sĩ quan đầu tiên làm sĩ quan tham mưu tại Phái bộ GGHB LHQ ở Nam Sudan. BVDC 2.1 của Việt Nam đóng tại Nam Sudan có tỷ lệ nữ là 16% (cao hơn so với mức kêu gọi của LHQ là từ 10 đến 15%).

Ngoài các thiết bị hiện đại, BVDC 2.1 có những chuyên khoa và máy móc không thuộc yêu cầu bắt buộc của LHQ như sản, vật lý trị liệu, tai mũi họng, nhưng vẫn được Việt Nam mang sang nhằm bảo đảm đáp ứng tốt các nhu cầu khám, chữa bệnh tại địa bàn. BVDC 2.1 thường tiếp nhận các bệnh nhân được chuyển lên từ các BVDC cấp 1 thuộc Tiểu đoàn Bộ binh Mông Cổ, Ghana… đóng tại Bentiu. 

Sau 7 tháng hoạt động, bệnh viện đã điều trị cho trên 1.000 bệnh nhân, trong đó có trên 55 ca phẫu thuật, đại phẫu. Từ khi triển khai tới Nam Sudan, Đội cấp cứu đường không (AMET) của BVDC 2.1 đã chuyển thành công 4 ca bệnh lên các bệnh viện tuyến trên ở thủ đô Juba của Nam Sudan.

Đặc biệt bệnh viện có những ca phẫu thuật cấp cứu cho các quân nhân của Ấn Độ, Mông Cổ và được lãnh đạo LHQ đánh giá cao. Phó Tổng Thư ký LHQ và Cố vấn quân sự LHQ đã hai lần gửi thư cho Chính phủ Việt Nam để cảm ơn những đóng góp của BVDC 2.1 cho sứ mệnh GGHB LHQ.

Đánh giá cao sự đóng góp của lực lượng GGHB Việt Nam trong thời gian qua, ông Kalman Malhora, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam đã làm rất tốt nhiệm vụ ở Nam Sudan và LHQ mong muốn Việt Nam tiếp tục cử đại đội công binh thứ hai sang Nam Sudan trong thời gian tới. “LHQ rất cần những đơn vị như bệnh viện dã chiến và đại đội công binh của Việt Nam cho các hoạt động của LHQ trong 5-10 năm tới”, ông Kalman Malhora khẳng định.

Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục GGHB Việt Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho BVDC cấp 2 số 2 nhằm sẵn sàng triển khai tới Bentiu, sau khi BVDC 2.1 kết thúc nhiệm kỳ hoạt động một năm vào tháng 10 tới. Tiếp đó, dự kiến đầu năm 2020 sẽ có “đội công binh gìn giữ hòa bình Việt Nam” cũng tới làm nhiệm vụ tại trụ sở Liên Hợp quốc ở New York (Mỹ).

Đội công binh sẵn sàng lên đường

Đội công binh được thành lập năm 2015 sau đợt tuyển chọn trong toàn binh chủng Công binh. Gần 270 thành viên được tuyển chọn là những người đạt các yếu tố về năng lực, sức khỏe, trình độ, lý lịch. Ngay sau khi được thành lập, đội được đào tạo, huấn luyện về chuyên môn, ngoại ngữ, các kiến thức về gìn giữ hòa bình.

Đội công binh đã vượt qua nhiều đợt kiểm tra năng lực thực tế về kỹ năng xây công trình, làm đường, dò mìn... dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia LHQ. Phân đội quân y gồm 12 người (toàn nam) có nhiệm vụ chính là sơ cứu, cấp cứu, phục vụ riêng đội công binh Việt Nam tại Nam Sudan và hỗ trợ dân thường. 

Các phái bộ GGHB LHQ tại châu Phi luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh. Tại Nam Sudan, quốc gia trẻ tuổi nhất thế giới hiện nay, khó khăn lớn nhất khi thực hiện nhiệm vụ tại đây là cơ sở vật chất rất kém, nguồn thực phẩm thiếu thốn, tình hình an ninh bất ổn. Ở Nam Sudan, cả nước chỉ có 60km đường bê tông, còn lại hơn 90% đường đất. Mùa mưa kéo dài bốn tháng tại Nam Sudan là thời điểm khó khăn nhất.

Đường đi lầy lội, trơn trượt trong khi 90% các hoạt động mang tính cơ động như tuần tra, hộ tống, vận chuyển... của lực lượng mũ nồi xanh LHQ tại nước này được thực hiện bằng đường bộ. Địa hình đồi núi nhiều, đường sình lầy nên các xe hay bị sa lầy. Các lái xe đã được huấn luyện cách điều khiển xe ba cầu đi địa hình sình lầy, đồi núi, cách sử dụng tời và được chuyên gia LHQ kiểm tra các kỹ năng.

Trong gần 270 cán bộ, chiến sĩ công binh đi Nam Sudan thì lực lượng lái xe khá đông, chiếm 1/3. Điều đặc biệt là mỗi lái xe Việt Nam có thể làm 3-4 chuyên ngành khác nhau. Họ biết lái máy xúc, máy gạt và biết lái cả xe lu. Từ năm 2015, lực lượng lái xe đã có chứng chỉ đạt tiêu chuẩn của LHQ. Hiện nay việc khó khăn nhất là công tác bảo vệ để đảm bảo an toàn cho đội công binh khi làm nhiệm vụ tại Nam Sudan.

“Đơn vị làm nhiệm vụ cách khu vực an toàn có khi 60-70km, phải đi xa hàng tháng. LHQ đã đưa ra các phương án bảo vệ như sẽ có lực lượng bảo vệ vòng ngoài, khi đội công binh Việt Nam làm nhiệm vụ sẽ có 1-2 xe bọc thép bảo vệ” - Thượng tá Lưu Quang Lâm, đội trưởng đội công binh cho biết.

Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp được giao nhiệm vụ chuẩn bị tham gia lực lượng GGHB LHQ phải nắm chắc mục tiêu, yêu cầu, phương hướng, lộ trình cụ thể trong Đề án Quân đội tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo để triển khai thực hiện; coi đây là nhiệm vụ quan trọng của Quân đội và là nhiệm vụ trọng yếu, xuyên suốt của lực lượng GGHB Việt Nam.

Đọc thêm