Từ mại dâm đến 'con nuôi, sugar baby'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hoạt động mại dâm có xu hướng dịch chuyển sang nhiều hình thức biến tướng như “gái gọi”, “gái bao”, “trai bao”, “sugar baby”, “con nuôi”... lợi dụng internet, mạng xã hội để đăng hình ảnh tiếp thị, thỏa thuận đến địa điểm cao cấp như biệt thự, căn hộ chung cư, trên tàu biển, tàu du lịch, theo các hoạt động, tour du lịch, thể thao... thậm chí ra nước ngoài để hoạt động mại dâm.

Thông tin trên được Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc (Thứ trưởng Bộ Công an) đưa ra khi báo cáo kết quả công tác phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH) tại phiên họp của Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa qua.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an

Đánh bạc xu hướng chuyển sang lợi dụng công nghệ

Báo cáo tại cuộc họp, tướng Ngọc cho biết, về tình hình, kết quả công tác phòng, chống TNXH trong những năm qua Bộ Công an đã chủ trì, tham mưu với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, chính sách về công tác phòng chống tội phạm (PCTP) và vi phạm pháp luật nói chung, TNXH nói riêng; chủ động triển khai đồng bộ hoạt động tuyên truyền PCTP và vi phạm pháp luật, trong đó lồng ghép với tuyên truyền về phòng chống dịch COVID-19; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp PCTP, TNXH, trong đó có nhiều chuyên đề phòng ngừa đấu tranh với tội phạm ma túy, mại dâm, cờ bạc, cá độ bóng đá.

Với tội phạm và vi phạm pháp luật đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc, tính từ 1/10/2020 - 31/7/2021, công an phát hiện, xử lý 7.071 vụ (giảm 1,04% so với 2019), 36.923 đối tượng (tăng 5,24%). Sáu tháng đầu năm, lực lượng công an phát hiện, xử lý 3,571 vụ (giảm 14,06% so với cùng kỳ 2020), 18.444 đối tượng (giảm 20,52%).

Qua đấu tranh cho thấy, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về cờ bạc đã giảm đáng kể, nhất là hình thức cờ bạc “truyền thống” và các sới bạc hoạt động chuyên nghiệp, dài ngày, quy mô hàng trăm đối tượng. Tuy nhiên, việc phát hiện, bắt giữ các vụ cờ bạc hiện nay chủ yếu là giải quyết phần “ngọn”, các đối tượng liên tục thay đối địa điểm, lợi dụng nơi địa hình đồi núi hiểm trở, giáp ranh, trong đám hiếu, hỷ… để tổ chức đánh bạc.

Riêng hoạt động đánh bạc bằng ghi số lô, số đề vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương, có xu hướng chuyển sang lợi dụng công nghệ để hoạt động trên không gian mạng; hoạt động cá độ bóng đá, cá cược thể thao, các hình thức đánh bạc sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng diễn ra với quy mô rất lớn, thủ đoạn ngày càng tinh vi, sử dụng thiết bị kết nối mạng internet để điều hành, quản lý trên mạng tổng (máy chủ đặt ở nước ngoài). Tình trạng lợi dụng kinh doanh trò chơi điện tử, hoạt động tổ chức các giải thi đấu thể thao giải trí để tổ chức đánh bạc trái phép tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Với tội phạm và tệ nạn liên quan mại dâm, năm 2020, công an phát hiện, xử lý 553 vụ chứa, môi giới mại dâm (tăng 18,42% so với cùng kỳ), 1.115 đối tượng (giảm 12,96%). Sáu tháng đầu năm, phát hiện, xử lý 295 vụ (tăng 9,26% so với cùng kỳ năm 2020), 592 đối tượng (tăng 9,43%).

Qua đấu tranh cho thấy tệ nạn mại dâm nơi công cộng đã giảm hẳn ở hầu hết các địa phương do thực hiện giãn cách xã hội phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, các hoạt động kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, cà phê vườn, karaoke, massage... dừng hoạt động nên các đối tượng không còn điều kiện để hoạt động trá hình.

Tuy nhiên, hoạt động mại dâm có xu hướng dịch chuyển sang nhiều hình thức biến tướng như “gái gọi”, “gái bao”, “trai bao”, “sugar baby”, “con nuôi”... lợi dụng Internet, mạng xã hội để đăng hình ảnh tiếp thị, thoả thuận đến địa điểm cao cấp như biệt thự, căn hộ chung cư, trên tàu biển, tàu du lịch, theo các hoạt động, tour du lịch, thể thao..., thậm chí ra nước ngoài để hoạt động mại dâm. Các đối tượng, đường dây hoạt động chuyên nghiệp có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, trong đó có sự tham gia của một số người mẫu, diễn viên, sinh viên, người tham gia các cuộc thi sắc đẹp.

Một đường dây bán dâm bị công an triệt phá.

Một đường dây bán dâm bị công an triệt phá.

Tội phạm ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp

Với tội phạm và tệ nạn liên quan ma túy, năm 2020, công an phát hiện, xử lý 25.598 vụ (nhiều hơn 12,2% số vụ so với cùng kỳ 2019), 38.293 đối tượng (nhiều hơn 8,94% đối tượng) phạm tội về ma túy, thu giữ 818,49kg heroin, 3.925 kg ma túy tổng hợp và 2.119.343 viên ma túy tổng hợp.

Sáu tháng đầu năm đã phát hiện, bắt giữ 15,024 vụ (nhiều hơn 6,98% số vụ so với cùng kỳ năm 2020), 21.428 đối tượng phạm tội về ma túy (nhiều hơn 7,6%), thu giữ 321,23kg heroin, 1,2 triệu viên ma túy tổng hợp, 1,85 tấn ma túy tổng hợp, 909,81kg cần sa.

Qua đấu tranh cho thấy, loại tội phạm này vẫn diễn biến rất phức tạp trong điều kiện cách ly xã hội phòng chống COVID-19. Các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia vẫn tìm mọi cách để hoạt động; tội phạm lợi dụng các phương tiện “luồng xanh” để cất giấu, vận chuyển ma túy vào các địa bàn phong tỏa phòng chống dịch.

Số người nghiện ma túy trong nước tiếp tục gia tăng (hiện có 246.648 người nghiện có hồ sơ quản lý). Tình trạng trẻ hóa và sử dụng ma túy tổng hợp cũng có xu hướng gia tăng, số người nghiện ma túy dưới 35 tuổi chiếm trên 70%, tỉ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 75%.

Hoạt động tổ chức sử dụng trái phép ma túy trong quán bar, vũ trường, karaoke vẫn diễn biến phức tạp; thậm chí đã phát hiện một số vụ sử dụng trái phép chất ma túy trong các cơ sở y tế, cơ quan nhà nước.

Đáng lo ngại đã xuất hiện một số loại ma tuý mới, chưa có trong danh mục, như “tem giấy”, “trà sữa”, “khô gà”... đã và đang thu hút giới trẻ, len lỏi vào khu vực học đường; nhiều đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến “ngáo đá” gây án các vụ án hình sự nghiêm trọng.

Thời gian tới, Bộ Công an cho biết tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, PCTP và vi phạm pháp luật nói chung, công tác phòng chống TNXH nói riêng.

Cùng với đó, Bộ tham mưu với Quốc hội, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống TNXH; trọng tâm là đề xuất với Quốc hội sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật đã ban hành từ lâu, không còn phù hợp với thực tế, như Pháp lệnh 10/PL-UBTVQH11 về phòng, chống mại dâm; Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống TNXH và bạo lực gia đình… Tăng cường đấu tranh trấp áp các loại tội phạm.

Về kết quả thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, CSGT đã lập biên bản, xử lý 308.483 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (3.635 xe khách, 15.436 xe tải, 19.071 xe con, 1.817 xe container, 267.298, mô tô, 1.216 xe đạp máy). Số vụ TNGT liên quan người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn là 590 vụ (chiếm 2,86%), làm chết 304 người (3,11%), bị thương 434 người (2,86%). Bộ Công an đề nghị tiếp tục nghiên cứu, nâng cao hơn nữa chế tài xử phạt các vi phạm về nồng độ cồn.

Đọc thêm