Người mang tia nắng đến vùng cao
Nhắc tới Lê Quang Long, chàng trai xứ Quảng nổi tiếng trong cộng đồng được nhiều người biết đến như một nhiếp ảnh gia. Vào năm 2014, ở độ tuổi 22, lần đầu Long đặt chân tới Hà Giang trong chuyến xuyên Việt đầu tiên của mình, rong ruổi 37 ngày với chiếc máy ảnh mượn của bạn. Sau chuyến hành trình đó, Long nhận ra đam mê của mình với nhiếp ảnh. Nhưng với một chàng sinh viên nghèo thì việc mua một chiếc máy ảnh đâu dễ dàng gì, lúc đó tài sản chỉ có một chiếc xe máy cũ đã đi hơn 10 năm và một cái laptop cũ. Long đã có một quyết định liều lĩnh đó là bán xe và laptop để mua máy ảnh, quyết định bỏ dở việc học tại một trường đại học danh tiếng để theo đam mê nhiếp ảnh.
Sau khi mua được chiếc máy ảnh, chàng sinh viên năm 4 đã lang thang khắp nơi trên mảnh đất chữ S, gặp gỡ và cảm nhận cuộc sống của người dân địa phương, thấu hiểu những khó khăn và muôn vàn thiếu thốn của họ. Nhưng sau tất cả nụ cười vẫn luôn nở trên môi những con người ấy, những bức ảnh của anh đã phác họa chân thực nhất về niềm lạc quan đó. Từ niềm đam mê nhiếp ảnh đã dẫn anh đến với những mảnh đời khó khăn, những câu chuyện cuộc sống đầy thấm thía và anh quyết định bắt đầu hành trình thiện nguyện của mình.
Hành trình của Lê Quang Long bắt đầu từ TP HCM ngược ra miền Trung, đi qua các tỉnh Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Kon Tum, Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Mỗi địa điểm là một kỷ niệm đáng nhớ của anh.
“Tôi đa số chạy trên những con đường nhỏ, ít khi chạy ra quốc lộ. Trên các con đường ấy, mình mới tận mắt chứng kiến những gia đình với mái nhà lụp xụp, sống lay lắt qua ngày. Sau khi quan sát, tôi sẽ quay trở lại thị trấn mua đồ để tặng mọi người, đa số là sữa cho các em và một vài nhu yếu phẩm cho người dân”, anh Long kể.
Qua những chuyến đi xuyên Việt ấy, Long tự mình tổ chức các hoạt động từ thiện, giúp đỡ bà con ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh khó khăn và đôi chân thiện nguyện của Long vẫn chưa biết mỏi mệt với nhiều dự án cho cộng đồng như “1.000 thư viện yêu thương”, “Bếp Hoàng Cầm”, “Hành trình vẽ nụ cười của Đá”…
Thế nhưng, thực hiện những chuyến thiện nguyện nơi vùng cao không hề dễ dàng. Trước mỗi chiến dịch Long và các thành viên trong nhóm đều phải lên kế hoạch cụ thể, liên lạc với địa phương và tiền trạm nhiều lần. Đường đi dĩ nhiên gặp nhiều khó khăn vì địa phương nhóm hướng đến đa phần ở các vùng núi cao, hẻo lánh và biên giới xa xôi, nơi các đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số sinh sống. Rồi việc lựa chọn khu vực để xếp mức độ ưu tiên làm điểm đến cũng khó khăn không kém.
|
Hành trình xuyên Việt đã cho anh cơ hội được biết đến những hoàn cảnh khó khăn khắp các miền xa xôi của Việt Nam. |
Khó khăn chồng khó ngăn nhưng chỉ cần không ngại khổ và nhìn thấy những nụ cười hạnh phúc của các em, những bữa cơm no hay những lần học bài đủ sách vở cũng khiến chàng trai trẻ hạnh phúc và có động lực vượt qua hơn. Thêm 1 điểm trường mới hoàn thành, nghĩa là những em bé ở đây sẽ có được bữa ăn trưa miễn phí trong suốt 1 năm học, niềm động lực mỗi ngày để cho các bé đến trường. Chính những điều đó đã thôi thúc Long hoàn thành những dự án thiện nguyện đầy ý nghĩa và tiếp tục thực hiện những dự án sắp tới.
Ước mơ xây dựng 100 thư viện và những bữa cơm no
Những xúc cảm đầu tiên trong hành trình xuyên Việt đã mang đến cho Long những cảm xúc khó quên. Trong những chuyến đi “làm quen”, Long nhận thấy những đứa trẻ miền biên viễn xa xôi ấy, ngoài việc phải vượt những quãng đường dốc xa đôi khi đặc quánh lớp bùn đỏ để cố gắng đi tìm tương lai thì chuyện miếng ăn mỗi ngày còn là một vấn đề nan giải khác. “Các bé ở đây sẽ mang theo cặp lồng cơm mà ba mẹ chuẩn bị trước để ăn trưa tại trường (toàn cơm trắng và ít rau cải). Có bạn phải đem theo cái ly nhựa để xin cơm của các bạn khác mới có ăn, mỗi bạn một ít để ăn qua buổi trưa, có những hoàn cảnh mà đến tận nơi mình cũng không cầm được lòng”.
“Một gia đình có đông con, điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều khi bữa ăn của các em chỉ là sáng trưa đều ăn bột ngô (còn gọi là mèn mén) để tạm lấp đi cơn đói, đến tối bố mẹ đi nương về thì may ra được thêm chút thịt và cơm trắng. Những bữa ăn thật sự không đáp ứng đủ dinh dưỡng cho các em khi còn đang tuổi ăn, tuổi lớn”, Long kể.
Từ những rung cảm đó, Bếp Hoàng Cầm ra đời. Bếp Hoàng Cầm là một trong những dự án, hoạt động cho thấy tấm lòng của Long dành cho các em vùng cao, khi người trẻ làm những công việc tử tế để lan tỏa yêu thương. “Người ta mơ về nhà, mơ phố, còn mình mơ núi, mơ sông, mơ về con chữ, về mái trường và những bếp ăn cho tụi nhỏ, để bữa ăn các bé có thêm thịt”, Long chia sẻ.
|
Dự án Bếp Hoàng Cầm mang đến cho trẻ vùng cao những bữa cơm no, cơm có thịt. |
Bếp Hoàng Cầm được Long và nhóm “Những bước chân xanh” ấp ủ dựa trên câu chuyện “chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Một bếp ăn được xây dựng để mang đến bữa ăn tình nghĩa cho trẻ em và đồng bào khó khăn, tại những nơi cần cứu trợ, giúp đỡ. “Chúng tôi là những người trẻ, muốn vẽ những bức tranh đẹp. Những giá trị mang đến cộng đồng có thể chưa to tát lớn lao, nhưng mỗi ngày chúng tôi càng tin vào những giá trị san sẻ và hỗ trợ nhỏ nhoi mà chúng tôi đang làm”, Long nói về những điều giá trị mà anh và nhóm thiện nguyện đang thực hiện.
Được ấp ủ và thực hiện từ tháng 1/2021, đến nay Bếp đã có hơn 46.000 bữa ăn trưa miễn phí cho các bạn nhỏ vùng cao Đắk Nông, Hà Giang, Lào Cai... Bếp này đóng rồi, Bếp khác mở ra, cứ như thế sẽ giữ mãi được ngọn lửa ấm vun đắp những bữa cơm cho trẻ em vùng cao còn nhiều thiếu thốn.
Ngoài dự án Bếp Hoàng Cầm, Long cùng các thành viên trong nhóm còn hoàn thành kế hoạch mang nguồn nước sạch đến với bản làng nằm cheo leo bên vách núi. Hay dự án Thư viện yêu thương hướng đến một tương lai tươi đẹp hơn cho các em. Hiện tại, nhóm “Những bước chân xanh” đang thực hiện chiến dịch xây 100 thư viện và nấu các bữa ăn cộng đồng cho trẻ em vùng cao. Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm đã bắt tay vào xây dựng 2 thư viện, nấu 4 bữa ăn cộng đồng tại Đắk Nông và sẽ tiếp tục hành trình xuyên Việt để hoàn thành chiến dịch này càng sớm càng tốt.
Trên hành trình thiện nguyện của chàng trai trẻ cũng có không ít những lời khuyên bảo, trách móc hay cho rằng anh đang làm những điều lạ đời. Vượt qua lời xầm xì là “những người vác tù và hàng tổng” để đổi lấy gương mặt ngời sáng cùng nụ cười hồn nhiên của những đứa trẻ vùng cao, khi các em được ăn bữa cơm đủ và ngon hiếm hoi. Sự đánh đổi là xứng đáng.
Ở cái tuổi hai mươi, ba mươi... chẳng có gì ngoài nhiệt huyết và cả sự bấp bênh... Tuy vậy, nói như Long, “dăm ba bước nữa thôi là qua tuổi trẻ. Nên có nhiều người hay hỏi sao lúc này lại phải dốc sức nhiều thế thì chung quy nói đi nói lại vẫn là sợ già”. Và “hạnh phúc vốn không gần cũng không xa, nó chỉ nằm sau lớp khoảng cách giữa người với người, một khi bóc vỡ ra thì niềm thân ái sẻ chia sẽ trở thành hạnh phúc”.