Tình trạng hành hung bác sĩ đang có chiều hướng gia tăng
Côn đồ lộng hành và những chuyện bạo hành nhân viên y tế đang diễn ra thường xuyên tại các bệnh viện. Năm 2017 vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại số vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế. Theo thống kê của ngành công an riêng năm 2017 đã xảy ra 25 vụ hành hung bác sĩ gây thương tích tại các bệnh viện. Không chỉ thầy thuốc làm việc tại các bệnh viện, các trung tâm y tế lớn, mà các thầy thuốc làm việc tại trạm y tế xã hay các đơn vị cấp cứu 115 cũng bị hành hung, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cũng như tinh thần làm việc.
Mặc dù Bộ Y tế đã có công văn gửi sang Bộ Công an đề nghị hỗ trợ an ninh bệnh viện và yêu cầu các bệnh viện thắt chặt an ninh nhưng các vụ hành hung bác sĩ vẫn ngày càng nhiều lên. Ngay trước thềm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, gần đây nhất, ngày 20/2 (tức mùng 5 Tết Nguyên đán), bác sĩ Phạm Hải Ninh (Khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức) và bác sĩ Hoàng Đức Trung (Khoa Sản) của Bệnh viện (BV) Sản Nhi Yên Bái sau khi làm nhiệm vụ phẫu thuật lấy thai cho bệnh nhân thì chồng của sản phụ đã trèo lên lan can quay phim, chụp ảnh.
Khi bị nhắc nhở, người chồng chửi bới rồi cùng các đối tượng khác lao vào hành hung dã man, gây thương tích nặng cho 2 bác sĩ Ninh và Trung. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp người làm trong ngành Y bị tấn công trong thời gian vừa qua. Càng vô lý hơn, lý do chồng sản phụ kéo người đến đánh là vì bác sĩ không cho quay phim, chụp ảnh, trong khi bác sĩ mổ đẻ cho vợ mình đã khiến dư luận rất bất bình, lý do hành hung bác sĩ ngày càng hết sức vô lý, vớ vẩn điều đó đã làm tổn thương lớn đến những người theo nghề y chữa bệnh cứu người. Câu chuyện này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng hành hung bác sĩ đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội hiện nay.
Ngoài những vụ hành hung thân thể, các thầy thuốc còn phải chịu đựng cả những hành vi hành hung khác về mặt tinh thần như đe dọa, chửi rủa. Có một thực tế đáng buồn, đa số những kẻ hành hung thầy thuốc không phải là côn đồ hay những đối tượng có tiền án, tiền sự, mà là những người dân bình thường, trong số đó có cả những cán bộ trong bộ máy nhà nước,...
“Ngành Y tế quá đơn độc trong việc chống lại bạo hành bệnh viện”
Có thể thấy, những năm gần đây, nhất là từ năm 2017, các vụ hành hung bác sĩ, nhân viên y tế tại các bệnh viện có xu hướng tăng lên và tính chất ngày càng nghiêm trọng. Nếu hỏi các bác sĩ điều gì ám ảnh họ nhất hiện nay thì câu trả lời của họ là khả năng bị tấn công ngay lúc đang làm việc. Nghe tin đồng nghiệp bị hành hung đến trọng thương, những người trong ngành Y tế không khỏi đau lòng.
Sau mỗi vụ hành hung bác sĩ, dư luận lại bất bình, hàng loạt công văn của Bộ Y tế được gửi đi, đề nghị cơ quan chức năng các cấp mau chóng vào cuộc xử lý tình trạng bạo hành cán bộ và nhân viên y tế. Cơ quan công an cũng đã vào cuộc, những kẻ hành hung đều bị bắt và xử lý theo pháp luật. Song dường như sự can thiệp vẫn chưa đủ sức răn đe đối với những kẻ thích cho mình cái quyền được đánh đập, lăng mạ những y, bác sĩ, người đang dồn sức cứu sống chính người thân của họ. Có thể thấy, phương cách xử lý sau mỗi vụ hành hung xảy ra sẽ chưa thể xử lý được triệt để vấn đề, bác sĩ vẫn liên tiếp bị hành hung. Thiết nghĩ, cần có giải pháp tổng thể cho vấn đề này, để máu bác sĩ không còn đổ trên bệnh án. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Y tế đã từng thốt lên: “Ngành Y tế quá đơn độc trong việc chống lại bạo hành bệnh viện!”.
Năm 2018, Bộ Y tế tiếp tục kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh các quy định luật pháp để những hành vi hành hung thầy thuốc phải được xử lý như những hành vi chống đối người thi hành công vụ. Chỉ khi môi trường làm việc của người thầy thuốc được đảm bảo, người thầy thuốc được bảo vệ thì lúc ấy công tác khám chữa, phục vụ người bệnh mới có thể được toàn diện nhất.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền các cấp tăng cường các biện pháp giáo dục người dân, chỉ đạo các cơ quan chức năng áp dụng những biện pháp cần thiết để bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực”.
Các vụ hành hung nhân viên y tế và gây rối bệnh viện liên tiếp diễn ra không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần cũng như động lực, sự tận tụy của các nhân viên y tế. Ngoài ra, do đặc thù nghề nghiệp, khi người ta mắng chửi, đánh các bác sĩ nhưng các bác sĩ không được từ chối khám chữa bệnh cho họ vì nguyên tắc của ngành Y là không được từ chối khám chữa bệnh cho người bệnh.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Trọng Hưng - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng số 2, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Bác sĩ cứu người mà họ không nhận được lời cám ơn mà phải nhận lại đủ mọi chuyện, chưa kể lời lẽ chửi bới, đây còn sử dụng chân tay.
Thầy thuốc trước đây là nghề rất được coi trọng nhưng giờ đây thích lên là người bệnh mắng, thích lên là người nhà bệnh nhân chửi. Dù pháp luật có bảo vệ nhưng chúng ta phải nói rằng mọi bảo vệ ở mức độ chưa được thỏa đáng và chưa đủ để nhân viên y tế yên tâm làm việc. Phải chăng, chúng ta cần có chế tài mạnh hơn nữa, hoặc ít ra, để những người gây sự có án tích. Khi nhập viện, nhân viên y tế nhìn hồ sơ của họ để chọn lọc. Ngoài ra, cùng là một ngành phục vụ, bác sĩ phải thế này, thế kia nhưng tại sao khi họ thực hiện giao dịch ở ngành khác, họ không có thái độ tiêu cực rõ rệt như với ngành Y.
Riêng như hàng không, hai hành khách đánh nhau đã bị cấm bay trong khi người ta đánh nhân viên y tế nhưng bác sĩ không có lệnh được quyền từ chối. Vậy, nếu nói cùng ngành phục vụ thì bác sĩ phải có quyền từ chối bệnh nhân. Các ca cấp cứu, chúng tôi vẫn làm nhưng những ca khám bệnh thông thường, tôi có quyền từ chối khi nhận thấy người đó gây nguy hiểm cho mình”.
Mỗi ngày, đội ngũ y, bác sĩ phải đảm nhận khối lượng công việc khổng lồ, với những ca trực liên miên, thâu đêm, suốt sáng, họ phải bỏ qua những đêm giao thừa, những cái Tết sum họp đầm ấm cùng người thân, gia đình để hết lòng phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Thế nhưng, đổi lại điều họ nhận được đôi khi chẳng phải là sự sẻ chia, lời cảm ơn, sự tri ân,... mà là những hành động bạo lực. Khi người thầy thuốc luôn bất an thì làm sao họ đủ động lực chăm sóc người bệnh. Vì vậy, nếu không dành cho đội ngũ y, bác sĩ những lời cảm ơn thì cũng cần hiểu và chia sẻ với những áp lực mà họ đang phải trải qua, như vậy là cũng đủ với những hy sinh thầm lặng của những thầy thuốc.