Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật gắn liền chính thể với xây dựng bộ máy chính quyền nhà nước, với xây dựng hệ thống pháp luật để quản lý nhà nước và xã hội, với đào tạo đội ngũ công chức chuyên nghiệp có kỷ luật công vụ nghiêm minh, đạo đức công chức tận tụy, giữ được tín tâm trong lòng dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương một đường lối chính trị dân chủ, phấn đấu không mệt mỏi xây dựng thể chế dân chủ pháp quyền để thực hiện và bảo vệ quyền làm chủ đích thực của nhân dân, thấm nhuần nguyên tắc bao nhiêu lợi ích thuộc về dân, bao nhiêu quyền hành cũng là của dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước thật trong sạch, thật liêm chính, thật sự vì dân. Nhân dân là chủ thể gốc của quyền lực, chủ thể ủy quyền phải phát huy được vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của mình để kiểm soát quyền lực, làm cho quyền lực không bị tha hóa, biến dạng.
Người đòi hỏi phải ra sức thực hành dân chủ cùng với tăng cường đoàn kết và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật, “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Cùng với pháp luật, Hồ Chí Minh còn thường xuyên chú trọng đạo đức, giáo dục và thực hành đạo đức cho đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức trong các cơ quan công quyền, trong các mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân, giữa công chức với công dân.
Trong nhiều năm ở cương vị Chủ tịch Chính phủ và Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc sự kết hợp đức trị với pháp trị trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Suy rộng ra, đó là văn trị như nhận xét của Giáo sư Vũ Khiêu. Đó là văn hóa, từ văn hóa đạo đức, văn hóa pháp luật đến văn hóa chính trị, kết tinh ở văn hóa dân chủ. Dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc. Mục đích tối cao của Nhà nước và pháp luật là vì dân, phục vụ dân, phát huy vai trò của dân trong xây dựng và bảo vệ chế độ.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, để Nhà nước thực sự là Nhà nước của dân, do dân, vì dân phải trên cơ sở đường lối chính trị đúng đắn và sáng suốt của Đảng mà xây dựng Nhà nước đồng bộ về các mặt: thể chế (Hiến pháp và hệ thống luật pháp), thiết chế (hệ thống bộ máy của Nhà nước từ Trung ương tới địa phương và cơ sở như Đảng ta nói hiện nay là tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả), cơ chế, chính sách và các chế tài cần thiết, đủ mạnh, tạo động lực phát triển.
Các chính sách phải nhất quán với mục tiêu con người, tức là giải phóng mọi tiềm năng của dân, chăm lo, bồi dưỡng sức dân, phát triển sức dân lại phải tiết kiệm sức dân… Mấu chốt của vấn đề sức mạnh Nhà nước còn nằm ở các nguồn lực được đầu tư cho phát triển mà quan trọng, quyết định nhất là nguồn nhân lực nhà nước. Đó là đội ngũ các quan chức, công chức, viên chức được đào tạo, được bố trí vào các vị trí việc làm hợp lý nhất, được giáo dục, huấn luyện thường xuyên để tận tâm, tận lực với công việc, tận tụy, mẫn cán phục vụ dân đi liền với tính chủ động, sáng tạo, có đủ đức, đủ tài, thực đức, thực tài mà đức là gốc. Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và công chức, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm và sự gương mẫu của người lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu một địa phương, một cơ quan, công sở…
Đó là những ý tưởng lớn, chủ đạo, nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật. Người thực sự đặt nền móng cho Nhà nước dân chủ - pháp quyền - nhân nghĩa của Việt Nam. Những tư tưởng của Người hợp thành thiết kế lý luận cho xây dựng nền dân chủ và Nhà nước dân chủ pháp quyền Việt Nam trong thời đại mang tên Người - Thời đại Hồ Chí Minh, thời đại của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến pháp năm 1959. (Ảnh tư liệu) |
Nhà nước và pháp luật Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức và dày công xây dựng có những đặc trưng cơ bản (đặc điểm tiêu biểu) sau đây:
Một, đó là Nhà nước của dân, do dân, vì dân, có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản với tư cách là Đảng cầm quyền, duy nhất cầm quyền ở Việt Nam. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trở thành mối quan hệ chính trị - pháp lý rộng lớn nhất quy định chức năng, thẩm quyền, vai trò, trách nhiệm của các đồng chủ thể trong xã hội Việt Nam, cùng phấn đấu theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mối quan hệ tổng quát đó chi phối các quan hệ lớn khác, phản ánh quy luật và tính quy luật phát triển của Việt Nam trong xã hội hiện đại và đương đại. Đặc điểm hay đặc trưng này là quan điểm chính trị trong xây dựng Nhà nước và pháp luật.
Hai, Nhà nước và pháp luật Việt Nam là hình thức tổ chức và điều kiện đảm bảo cho nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Dân chủ là bản chất, mục tiêu và động lực của chủ nghĩa xã hội, của đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta… Pháp luật là tối thượng và pháp quyền đòi hỏi phải thượng tôn pháp luật trong Nhà nước và trong xã hội. Muốn thực hiện dân chủ và thể hiện quyền lực nhân dân thì xã hội phải tổ chức thành Nhà nước theo các chuẩn mực dân chủ, đồng thời pháp luật phải trở thành công cụ phổ biến để vận hành bộ máy nhà nước, chống quan liêu và bảo vệ dân chủ.
Dân chủ và quyền dân chủ của công dân, của Nhà nước vận động trong hành lang của pháp luật dân chủ. Pháp luật trở thành điều kiện và giới hạn của dân chủ, đảm bảo cho xã hội có tổ chức, không rơi vào tự phát và hỗn loạn của tình trạng vô chính phủ, cũng như dân chủ tập trung là cần thiết tất yếu để không biến thành tập trung quan liêu trong quản lý.
Ba, thực thi vai trò và sứ mệnh quản lý, Nhà nước phải thực hiện trách nhiệm quản lý toàn diện ứng với nội dung toàn diện của dân chủ và dân chủ hóa ở nước ta. Tập trung vào bốn lĩnh vực chủ yếu: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Đó cũng là các lĩnh vực của dân chủ và dân chủ hóa, thể hiện trong các mối quan hệ giữa con người với con người, với công việc và tổ chức. Hồ Chí Minh căn dặn, đời sống có bốn mặt chủ yếu ngang nhau, không tách rời nhau, không xem nhẹ, coi nhẹ một mặt nào.
Bốn, Nhà nước pháp quyền dân chủ trong lôgic tư tưởng và tổ chức hoạt động của nó trước hết phải là Nhà nước của dân. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất thuộc về bản chất và mục tiêu của Nhà nước. Dân là chủ và dân làm chủ, là định nghĩa điển hình nhất về dân chủ của Hồ Chí Minh mà cũng là tuyên bố dân là chủ nhà nước của mình. Muốn vậy phải có dân chủ đầy đủ và thực chất, dân là chủ thể chính trị, chủ thể pháp lý cao nhất đối với Nhà nước, trao quyền, ủy quyền cho Nhà nước, đồng thời kiểm soát quyền lực nhà nước… Đây cũng là phẩm tính nhân nghĩa của Nhà nước ta, tạo nên pháp quyền nhân nghĩa.
Năm, nếu dân chủ là linh hồn của Nhà nước, pháp luật tạo sinh khí của Nhà nước thì công chức là người thể hiện, thực hiện, thi hành công vụ nhà nước mà mệnh lệnh tối cao là của dân, do dân kiểm soát. Đội ngũ công chức trong các tổ chức, cơ quan công quyền vì dân phải thạo chính trị, giỏi chuyên môn, tinh thông nghiệp vụ, tận tụy, mẫn cán với công việc, chức phận để làm tròn trách nhiệm, phục vụ dân. Từ Chủ tịch nước trở xuống đến nhân viên, người phục vụ đều là đày tớ công bộc của dân…
Tư tưởng và di sản Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật nêu trên đang rất cần phải vận dụng, phát triển sáng tạo để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền - dân chủ ở nước ta hiện nay.
GS.TS. Hoàng Chí Bảo