Cháy chung cư mini ở Hà Nội

Từ vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội: Sớm hoàn thiện các quy định, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện phòng cháy chữa cháy

(PLVN) - Bày tỏ trăn trở về những vụ việc cháy, nổ thời gian qua, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cùng với việc sớm hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ những vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy, cần nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong công tác này.
Ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)
Ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Làm rõ có hay không tiêu cực trong cấp phép xây dựng

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) nhận định, thời gian qua, mặc dù đã có Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC); QH cũng đã tiến hành giám sát và đã ban hành nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC. Tuy nhiên, tình trạng cháy nổ vẫn xảy ra, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Theo Đại biểu, tình trạng này cho thấy nhận thức, ý thức của người dân đang công tác PCCC còn kém. Bên cạnh đó, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về PCCC cũng chưa cao.

Đại biểu nhấn mạnh, vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, TP Hà Nội vừa qua là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, khiến dư luận bàng hoàng. “Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề hệ trọng, cho thấy công tác PCCC đã đến hồi báo động. Dân số càng ngày càng đông nhưng nhà ở tại một số nơi, từ quán bar, karaoke, vũ trường, nhà chung cư, nhà dân... lại không bảo đảm về PCCC”, Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.

Cần khắc phục yếu kém trong khâu tổ chức thực hiện

Phát biểu tại Phiên thảo luận của QH về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 5, QH khóa XV vừa qua, nêu quan điểm từ góc quan sát của một người làm công tác pháp luật, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong vấn đề PCCC, có rất nhiều sai phạm xảy ra không phải vì thiếu luật mà do con người. Lấy ví dụ về chế tài đối với việc uống rượu khi lái xe, Đại biểu cho rằng, vẫn những người có tiền sẵn sàng chung chi và có những cảnh sát giao thông tiêu cực sẵn sàng nhận tiền để bỏ qua. Do vậy, theo Đại biểu, vấn đề gốc là con người và phải rút ra những liệu pháp đúng thì mới khắc phục được những yếu kém.

Nêu cụ thể vụ cháy vừa xảy ra tại TP Hà Nội, Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức có liên quan. “Khi sự việc xảy ra rồi thì mới vỡ lẽ ra là ngôi nhà đó đã xây dựng trái phép. Cần đặt ra những vấn đề như cơ quan PCCC đã tới kiểm tra về công tác PCCC, đã lập biên bản xử lý, xử phạt chưa? Trong cấp phép cho chung cư này hoạt động thì cơ quan quản lý của quận Thanh Xuân đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc hậu kiểm hay chưa?”, ông Phạm Văn Hòa đặt vấn đề.

Đại biểu Hòa cũng đề nghị làm rõ xem có tiêu cực trong cấp phép xây dựng hay không, khi ngôi nhà được cấp phép xây dựng 6 tầng nhưng xây lên 9 tầng. Thêm vào đó, ngôi nhà có tới 150 người sinh sống, là nhà ống nhưng không có lối thoát hiểm mà vẫn được cấp phép PCCC. Đồng thời, cần đặt ra vấn đề về trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị khi không kịp thời phát hiện và xử lý được những nguy cơ xảy ra cháy, nổ.

Ông Phạm Văn Hòa cũng chỉ ra rằng, trong nhiều vụ việc cháy nổ, số vụ được phát hiện và dập tắt kịp thời vẫn còn ít, trong khi nhiều vụ việc gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Bên cạnh đó, trong rất nhiều vụ việc, thường là các gia đình và những người xung quanh tự dập được tắt đám cháy, khi Cảnh sát PCCC tiếp cận được hiện trường thì “sự đã rồi”. Điều này đặt ra yêu cầu quan tâm hơn tới trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cũng như cơ sở hạ tầng để bảo đảm thực hiện công tác PCCC. Theo Đại biểu, các cơ quan quản lý trong cả nước phải lấy vụ việc đau lòng vừa xảy ra làm bài học kinh nghiệm xương máu để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đưa ra những quy chuẩn, tiêu chuẩn để quản lý hiệu quả

Để hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCCC trong thời gian tới, Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ cần phải có những giải pháp cụ thể hơn, thiết thực hơn để công tác PCCC ngày càng đi vào nền nếp, nếu có xảy ra cháy nổ thì thiệt hại về tính mạng và tài sản cũng được giảm thiểu ở mức thấp nhất. Đồng thời, cần quy định các chế tài mạnh hơn để xử lý trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; sau đó là xử lý đối với chủ hộ, cá nhân và tổ chức khi để xảy ra cháy, gây thiệt hại tới tài sản và tính mạng con người, bảo đảm tính răn đe trong xử lý các vi phạm về PCCC.

Bày tỏ trăn trở việc quản lý những nhà chung cư mini, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn nêu vấn đề, hiện nay, có tình trạng một số người “lách luật” theo hướng sử dụng nhà ở riêng lẻ, xây nhà rồi cho thuê với số lượng người ở quá lớn, trong khi điều kiện cho nhu cầu sinh hoạt của họ chưa được bảo đảm.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. (Nguồn ảnh: Quochoi.vn)

Để hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục bất cập liên quan đến cấp phép PCCC đối với các chung cư mini, ngăn chặn nguy cơ xảy ra cháy tại những chung cư này, Đại biểu cho rằng cần hiểu rõ nội hàm của loại hình này và căn cứ theo các quy định để sửa đổi từ các quy định tại Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật PCCC bảo đảm đồng bộ. “Ví dụ, Luật Xây dựng quy định rõ muốn xây dựng nhà cho 1 người ở thì diện tích tối thiểu là bao nhiêu m2. Các quy định liên quan đến thang máy, đường đi lối lại, hệ thống giao thông, các tiêu chuẩn, quy chuẩn cũng đã rất rõ, cần phải được tuân thủ. Theo quy định, 1 diện tích chỉ xây dựng được 4 tầng nhưng lại xây thành 6 tầng, hay trong phương án xây dựng 4 tầng cho 10 người ở nhưng lại chuyển đổi công năng thành tới 40 - 50 người thì ai quản lý và quản lý dựa trên quy định pháp luật nào? Cần phải có hệ thống các quy định một cách đồng bộ thì mới quản lý được”, Đại biểu đề nghị.

Cùng với đó, cần làm rõ trong thời gian vừa qua, việc chuyển đổi công năng từ nhà ở thành nhà kinh doanh thương mại có được cấp phép không, hay là hoạt động “chui” và nếu hoạt động “chui” thì trách nhiệm của chính quyền địa phương, của các cơ quan quản lý nhà nước ra sao. Những vấn đề này cần phải làm rõ và quy định trong Luật PCCC và cứu nạn, cứu hộ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng đề nghị phải có quy định, quy chuẩn phù hợp về PCCC đối với nhà ở dạng như chung cư mini. “Quan điểm của tôi là phải làm sao để tránh trường hợp không đáp ứng được yêu cầu nhưng vẫn để cho vận hành. Ví dụ, một nhà ở riêng lẻ theo quy định chỉ để một gia đình ở nhưng lại chia thành 40 - 50 phòng trong một diện tích khoảng 200m2. Có những chung cư ở trong ngõ sâu đến 300 - 400m nhưng đường chỉ rộng khoảng 1m; 2 xe máy tránh nhau còn khó thì trong trường hợp xảy ra cháy, việc khắc phục, sửa chữa, cứu hộ, cứu nạn rất khó khăn. Những vấn đề này cần có quy định một cách rất thống nhất”, Đại biểu nói thêm.

Ngoài ra, Đại biểu đề nghị cần thống kê số nhà chung cư mini hiện nay, vì những nhà ở như vậy tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ rất lớn và khi xảy ra thì sẽ là thảm họa.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong áp dụng các quy chuẩn

Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về của QH “Việc thực hiện Nghị quyết số 99/2019/QH14 của QH về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2020 - 2022” với Chính phủ và các Bộ, ngành diễn ra đầu tháng 8 vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức chỉ ra rằng, hiện nay, cả nước có tổng cộng trên 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về PCCC đang có hiệu lực nhưng lại có sự tách biệt. Ví dụ, Bộ Xây dựng xây dựng tiêu chuẩn về PCCC cho các công trình xây dựng; Bộ Giao thông Vận tải xây dựng tiêu chuẩn PCCC trên các phương tiện vận tải, công trình giao thông. Thêm vào đó, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC cũng chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung và thay thế kịp thời.

Để khắc phục vấn đề nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới đề nghị các Bộ, ngành cần tăng cường phối hợp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong triển khai xây dựng, hướng dẫn, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam trong lĩnh vực PCCC; hướng dẫn, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện các tiêu chuẩn và quy chuẩn quốc gia tại các địa phương, cơ sở, đơn vị.

Đọc thêm