Tự ý phá gành đá đắp kè chắn sóng làm nơi neo đậu thúng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để có chỗ neo đậu thúng không bị sóng biển đánh hư hại, người dân ở thôn An Cường, xã Bình Hải, (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã thuê xe cơ giới đào, đắp hàng chục mét ở gành đá (hay còn gọi là gành đá nhảy) làm hư hại rặng san hô biển và ảnh hưởng môi trường biển nơi đây.  
Người dân thôn An Cường thuê máy đào đắp kè chắn sóng.
Người dân thôn An Cường thuê máy đào đắp kè chắn sóng.

Khi phóng viên tìm đến gành đá nhảy thuộc thôn An Cường, xã Bình Hải (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), đập ngay vào mắt chúng tôi là chiếc xe máy đào đang đứng trên một bờ chắn cách mặt nước biển cao tầm 2 mét, dài khoảng gần 70 mét nằm cách bờ chừng 40 mét.

Dưới bờ chắn ấy là đất, đá và san hô được xe máy đào này múc trực tiếp từ dưới gành đá lên để làm bờ chắn sóng. Dọc bờ biển, phóng viên thấy san hô lẫn đá nằm phơi trắng khô khốc trải dài hàng chục mét trên bờ.

Một bờ chắn sóng cách mặt nước biển cao tầm 2 mét, dài khoảng gần 70 mét đang dần hoàn thiện.

Một bờ chắn sóng cách mặt nước biển cao tầm 2 mét, dài khoảng gần 70 mét đang dần hoàn thiện.

San hô (hay còn gọi là đá vôi) nằm trên bờ dài hàng chục mét.

San hô (hay còn gọi là đá vôi) nằm trên bờ dài hàng chục mét.

Theo tìm hiểu biết được, bờ kè chắn sóng tạm bợ này là do nhiều ngư dân ở đây cùng góp tiền và thuê máy đào để làm những ngày gần đây. Vài ngày qua do thủy triều đang lớn ban ngày nên không thi công được phải đợi đến đêm thủy triều rút mới làm tiếp.

Người dân tự ý thuê xe cơ giới để làm kè chắn sóng.

Người dân tự ý thuê xe cơ giới để làm kè chắn sóng.

Theo ngư dân Đỗ Ngọc Tài (61 tuổi) ở thôn An Cường cho biết, bờ kè chắn sóng và con lạch này do các ngư dân trong thôn góp tiền vào làm, mỗi hộ nộp 500 nghìn đồng. Những năm trước, người dân ở đây đắp kè làm bằng thủ công, khuân đá để tạo lạch cho thúng ra vào. Thế nhưng do cơn bão số 9 (năm 2020) đánh làm kè này bị san bằng.

Ông Đỗ Ngọc Tài (61 tuổi) nói về việc đắp bờ kè chắn sóng để có nơi neo đậu thúng.

Ông Đỗ Ngọc Tài (61 tuổi) nói về việc đắp bờ kè chắn sóng để có nơi neo đậu thúng.

“Bây giờ sống về biển là phải lo đắp bờ, cá nhân đắp đó. Những người yêu biển yêu nghề họ đắp bờ, cỡ tuổi chú vẫn còn đóng góp nhưng mình sống được bao nhiêu năm nữa đâu đến đời con mình thì không có làm biển nữa.

Hồi kia thì nó cạn còn nước cỡ như vầy thì tầm mét mấy, giờ nhờ múc sâu xuống đó với hồi kia đá không mấy, cái lượng đá đó lấy chất lên bờ vậy đó. Cái kè đó, từ dưới trở lên là gần 4 mét, nhưng không quan trọng nó cao như thế nào nhưng cái chân kè phải cho thật rộng" - ông Tài chia sẻ.

Clip người dân thôn An Cường tự ý làm kè chắn sóng để neo đậu thúng.

Theo một số người dân ở đây cho biết, gành đá nhảy này là nền đá tảng tuyệt đẹp. Ngoài cảnh hoang sơ của bờ biển, nó còn là nền móng vững chắc giúp cho bờ biển không bị sạt lở xưa nay. Nếu dùng máy móc đào bới xuống nền đá này thì nguy cơ rặng san hô dưới biển bị phá vỡ hư hỏng, bờ biển rất dễ bị biển xâm thực vào bên trong.

Cảnh hoang sơ tuyệt đẹp của bờ biển nơi đây đã bị bờ kè chắn sóng này làm mất vẻ đẹp tự nhiên vốn có.

Cảnh hoang sơ tuyệt đẹp của bờ biển nơi đây đã bị bờ kè chắn sóng này làm mất vẻ đẹp tự nhiên vốn có.

Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết, "trước việc tự phát của bà con, trên cơ sở khó khăn của bà con xưa nay thì lãnh đạo xã cũng biết và có theo dõi. Xưa nay, hàng năm bà con ra quân cùng với thanh niên làm bằng tay, bằng thủ công xuống bưng những hòn đá vôi, có thể ba đến bốn người xúm lại khiêng qua một bên để chắn sóng và tạo luồng nước để cho thuyền, thúng hoặc ghe nhỏ đi ra đi vào nó được thuận lợi. Năm nay sẵn có xe đồ này kia và những tảng đá lớn thì không khiêng nổi bằng thủ công mà phải nhờ máy đào họ chuyển giùm cho nên bà con mới tự thuê làm việc đó".

Ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Hải.

Ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Hải.

“Qua việc đó, xã có kiểm tra và thấy rằng việc đó là xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người dân. Tuy nhiên, chính quyền địa phương sẽ đi kiểm tra lại nếu mà có việc dùng xe cơ giới làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, san hô, phá vỡ đi cái môi trường sinh học của bờ biển đó thì xã phải can thiệp để bảo vệ hành lang bờ biển theo quy định của pháp luật” - ông Thính cho biết thêm.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục liên hệ với các Sở, ngành liên quan để tìm hiểu việc này và thông tin đến bạn đọc.